Bí mật những đơn vị phản ứng nhanh chống khủng bố Pháp

Thứ Sáu, 05/10/2012, 13:46
Pháp là quốc gia có hai lực lượng an ninh nội địa riêng biệt (Hiến binh và Cảnh sát) và hai hệ thống đơn vị phản ứng nhanh chống khủng bố và giải thoát con tin. Trong quá khứ, tình trạng này đã gây biết bao phiền phức như cạnh tranh, giẫm chân lên nhau, thậm chí thù nghịch. Nhưng kể từ khi lực lượng Hiến binh (2009) được sáp nhập vào Bộ Nội vụ thì việc sử dụng các đơn vị phản ứng nhanh mới trở nên hợp lý hơn.

Hiện nay, hoạt động của các đơn vị phản ứng nhanh được đặt dưới sự chỉ đạo của Cơ quan điều phối các lực lượng phản ứng nhanh (UCOFI) thuộc Bộ Nội vụ. UCOFI được thành lập tháng 6/2010 do một sĩ quan lãnh đạo cao cấp của Hiến binh và một cảnh sát trưởng chỉ huy. UCOFI chỉ đạo nhiều loại nhóm phản ứng nhanh, quan trọng là trên cơ sở năng lực nghiệp vụ, hiểu biết khu vực lãnh thổ và điều kiện can thiệp của mỗi nhóm.

Nhóm phản ứng nhanh của Hiến binh quốc gia (GIGN)

GIGN là nhóm phản ứng nhanh quan trọng nhất ở Pháp. Cũng là nhóm ra đời sớm nhất, quân số đông nhất (420 người) và có kinh nghiệm nhất. Được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp  của Tổng Giám đốc Hiến binh quốc gia, GIGN chủ yếu can thiệp vào việc giải quyết các vụ cướp máy bay hoặc tàu thủy, các vụ bắt cóc con tin Pháp ở nước ngoài, các vụ khủng bố có yếu tố hạt nhân, hóa học hay sinh học.

Còn các vụ khủng bố khác (bắt con tin “cổ điển”, phá phách, nổi loạn trong trại giam…), sẽ tùy từng khu vực, trách nhiệm cụ thể của Hiến binh hoặc Cảnh sát, giao cho GIGN hoặc RAID (Nhóm tìm kiếm, hỗ trợ, can thiệp, răn đe) thụ lý. Như vậy, GIGN hoạt động tại các vùng nông thôn và các sân bay còn RAID giám sát khu vực thành thị và các nhà ga xe lửa.

RAID (Tìm kiếm, hỗ trợ, can thiệp, răn đe)

Ảnh minh họa.

RAID là đơn vị tinh nhuệ của Cảnh sát quốc gia, được thành lập năm 1985. Đơn vị có 170 người, đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Tổng giám đốc Cảnh sát quốc gia và được biên chế vào Lực lượng phản ứng nhanh của Cảnh sát quốc gia (FIPN), bộ phận qui tụ tất cả các đơn vị phản ứng nhanh của cảnh sát.

Tuy về nguyên tắc, RAID có trách nhiệm can thiệp khắp nơi trên đất Pháp - những khu vực do cảnh sát phụ trách – nhưng đơn vị thường được giao phụ trách hai khu vực chính: ngoại vi Paris (quản lý khu vực nội đô là Binh đoàn tìm kiếm và can thiệp) và hầm ngầm qua eo biển Manche (Bắc Pháp), khu vực cần thông thạo nghiệp vụ đặc biệt.

RAID cũng hỗ trợ cho cuộc chiến chống khủng bố và đấu tranh chống các băng đảng tội phạm lớn thông qua việc giúp đỡ Cơ quan điều phối chống khủng bố (UNCLAT) và các lực lượng đặc biệt (Tổng cục tình báo nội địa DCRI, Cảnh sát Tư pháp PJ…) như cung cấp thông tin hoặc theo dõi, ngoại tuyến và tiến hành bắt các đối tượng nghi vấn hoặc các nhóm tội phạm có hoạt động khủng bố trên lãnh thổ Pháp.

GIGN và RAID còn đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ tiếp cận các lãnh đạo cao cấp, bảo vệ các đại sứ quán hoặc một số chuyến công tác nước ngoài, bảo vệ một số địa bàn nhạy cảm và công tác đào tạo cán bộ cho nước ngoài.

Hồ sơ các đơn vị tinh nhuệ khác

Ngoài hai đơn vị tinh nhuệ tầm cỡ quốc gia và quốc tế trên, ở Pháp còn có hai dạng nhóm can thiệp đặc biệt cấp tỉnh: các nhóm phản ứng nhanh của Cảnh sát quốc gia (GIPN) và Các lữ đoàn phản ứng nhanh thế hệ 2 (PI2G) của Hiến binh quốc gia. Những đơn vị này can thiệp vào những vụ việc gay cấn như bắt cóc con tin, vô hóa các đối tượng quá khích, nổi loạn trong trại giam hoặc vây bắt những đối tượng nguy hiểm, mà chưa cần đến sự can thiệp của GIGN hoặc RAID. Đôi khi GIPN và PI2G cũng được yêu cầu hỗ trợ cho GIGN, RAID. Thỉnh thoảng, GIPN và PI2G còn được giao nhiệm vụ bảo vệ tiếp cận và áp tải các tù nhân nguy hiểm.

Ảnh minh họa.

Có 10 nhóm GIPN với tổng cộng tất cả gần 200 người, được bố trí ở các thành phố Bordeau, Lille, Lyon, Marseille, Nice, Rennes, Strasbourg, đảo Reunion, Tân Caledonie và vùng Antilles-Guyane. Lữ đoàn tìm kiếm và phản ứng nhanh của Quận cảnh sát (70 người) có chức năng tương tự như ở Thủ đô.

Mỗi PI2G có 32 người. Ở Pháp hiện có 3 PI2G (Toulouse, Orange, Dijon) và sẽ tăng cường thêm 2 tại nửa phía Bắc, 1 tại phía Tây và 1 tại phía Đông đất nước. Các PI2G sẽ được bố trí tại những thành phố, vùng mà PIPN chưa có mặt nhằm tránh trùng giẫm và có thể kiểm soát toàn bộ lãnh thổ quốc gia.

UCOFI không áp đặt quyền lực lên các nhóm phản ứng nhanh khác. Vai trò của UCOFI là tạo thuận lợi cho việc hợp tác giữa các đơn vị nhằm mục đích không để sót trách nhiệm và các nhiệm vụ; khu vực hành động được phân chia rõ ràng. UCOFI cũng tổ chức công tác huấn luyện và đào tạo cho các nhóm, dự thảo các nguyên tắc can thiệp chung cho tất cả các nhóm

Nguyễn Đình
.
.
.