Hé lộ bí mật tên lửa Hwasong-15 của Triều Tiên

Thứ Hai, 11/12/2017, 10:17
Ngày 29-11 vừa qua, CHDCND Triều Tiên khiến cả thế giới rúng động khi phóng thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-15, được mệnh danh là “tên lửa quái vật”.


Giáo sư Vipin Narang, một người chuyên theo dõi khả năng hạt nhân của Triều Tiên, cho rằng vũ khí mới của Triều Tiên có thể mang theo vũ khí nhiệt hạch cực mạnh, bất kể liệu nước này đã chế tạo được loạt đầu đạn nhỏ gọn cho tên lửa hay chưa.

“Phủ sóng” toàn bộ lãnh thổ Mỹ

Theo Giáo sư Narang, việc phát triển thành công tên lửa mạnh mẽ này giúp Triều Tiên đạt được bước nhảy vọt về sức mạnh, vì sẽ không cần phải thu nhỏ đầu đạn hạt nhân nhiều cũng có thể bắn tới lục địa Mỹ. "Tôi tin rằng, thời điểm này họ có thể làm điều đó", Giáo sư Narang nhấn mạnh.

Dựa vào độ cao và thời gian mà Hwasong-15 bay trên không trước khi rơi xuống biển, các nhà phân tích nhận định nếu phóng theo đường bay chuẩn, tên lửa này có thể bay được tối đa 13.000 km. Điều này dẫn đến việc toàn bộ lục địa Mỹ đều nằm trong tầm bắn của nó.

Theo các nhà phân tích, trọng lượng của một đầu đạn thực sự có thể làm giảm tầm bắn của tên lửa. Tuy nhiên, họ tin rằng với tính toán thận trọng nhất thì tên lửa “quái vật” của Triều Tiên vẫn đủ sức tấn công các thành phố dọc bờ Tây nước Mỹ.

Như vậy, Triều Tiên đã đạt được một bước nhảy vọt khó tin, chỉ trong vòng 2 năm đã chuyển đổi từ tên lửa Scud sang ICBM. Không chỉ vậy, mãi cho đến năm 2015 Triều Tiên vẫn chưa hoàn toàn làm chủ được công nghệ tên lửa Scud, với nhiều lần thử nghiệm thất bại.

Công nghệ tên lửa kiểu Scud được sử dụng cho tên lửa Musudan của Triều Tiên, nhưng nước này đã nhiều lần thử nghiệm thất bại cho mãi đến năm 2016. Thế mà, chỉ cần 2 năm họ đã đi từ chỗ chưa hoàn toàn chinh phục công nghệ Scud đến việc thành công trong phát triển công nghệ tên lửa ICBM.

Đây gần như là một điều không tưởng, vì giới chuyên môn cho rằng để đạt được sự tiến bộ công nghệ như vậy Bình Nhưỡng cần ít nhất 10 năm trong điều kiện thuận lợi.

Nghi án công nghệ Xôviết

Vậy nhờ đâu Bình Nhưỡng có thể đạt được sự phát triển công nghệ thần tốc như vậy? Theo một số nhà chuyên môn, chỉ có hấp thụ công nghệ từ bên ngoài mới có thể giúp một nước đạt được bước nhảy khó tin như Triều Tiên.

Ông Michael Elleman, chuyên gia cao cấp của Bộ Quốc phòng Mỹ, cho biết trong một báo cáo mới đây của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế: “Triều Tiên đã thất bại nhiều lần khi thử nghiệm tên lửa Musudan, đột nhiên họ lại bổ sung thêm 2 tên lửa mới: Hwasong-12 tầm trung và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-14 (ICBM). Không có bất kỳ một nước nào có thể chuyển từ một tên lửa tầm trung tới một ICBM trong thời gian ngắn như vậy. Điều gì giải thích cho sự tiến triển nhanh chóng này? Đáp án đơn giản: Triều Tiên đã mua lại một động cơ tên lửa nhiên liệu lỏng hiệu suất cao (LPE) từ nước ngoài”.

Nhưng, vấn đề là ai sẵn sàng giúp đỡ Triều Tiên trong bối cảnh nước này đang bị cấm vận bởi Liên Hiệp Quốc? Về công nghệ tên lửa Scud, Nga được biết đã cung cấp công nghệ cho Bình Nhưỡng trong những năm 1980 và 1990. Và bây giờ, một số nhà chuyên môn cũng tin rằng công nghệ ICBM của Triều Tiên có nguồn gốc từ Xôviết, cụ thể là từ Nga hoặc Ukraine.

Sở dĩ có nhận định như vậy vì các động cơ của Hwasong-12, Hwasong-14 và tên lửa Hwansong-15 được phóng ngày 29-11 vừa qua đều là những bản sao gần chính xác của động cơ RD-250 thời Liên Xô, theo các chuyên gia. Hiện cả Ukraine và Nga đang đỗ lỗi cho nhau về việc đã để công nghệ động cơ RD-250 “rò rỉ” sang Bình Nhưỡng. Một số chuyên gia thì cho rằng có thể cả 2 nước trên đều không hay biết việc này, và đó là những giao dịch của các tổ chức buôn lậu vũ khí.

RD-250 là một động cơ tên lửa rất thành công vào thời của nó và được kết hợp vào giai đoạn đầu của ICBM Xôviết R-36 (SS-9) và bộ phóng vệ tinh Tsiklon-2 của KB Yuzhnoye của Ukraine. Bộ phóng vệ tinh Tsiklon-2 đã có hơn 100 lần phóng thành công nhưng đã không được dùng nữa. Tuy nhiên, hàng trăm động cơ RD-250 và phụ tùng thay thế vẫn còn trong kho, và được bảo vệ một cách lỏng lẻo vì chúng đáng giá ít hơn giá trị phế liệu của chúng.

Thùy Dương
.
.
.