Bí mật về buổi chuyển giao chiếc cặp hạt nhân tới tân Tổng thống Pháp

Thứ Năm, 07/06/2012, 11:05

Ông Francois Hollande, vị ''Tổng thống bình dân'' mới đây không chỉ tiếp quản vai trò ông chủ điện Elysee mà còn tiếp nhận chiếc cặp màu đen chứa các mã hạt nhân của nước Pháp.

Lặng lẽ và tuyệt mật

Hollande nhận chiếc cặp hạt nhân từ người tiền nhiệm Nicolas Sarkozy, báo Le Monde của Pháp cho hay. Nếu chiếc khóa nổi tiếng liên quan tới kho hạt nhân Pháp luôn được Tổng thống nước này đeo quanh cổ chỉ là truyền thuyết, nhưng chiếc cặp hạt nhân mà ông Hollande tiếp nhận sau khi nhậm chức là hoàn toàn có thật. Tuy nhiên, đây là một trong những bí mật được bảo vệ nghiêm cẩn nhất tại đất nước hình lục lăng.

Một nguồn tin quân sự mới đây cho hay, việc chuyển giao chiếc cặp hạt nhân tại điện Elysee chỉ có sự chứng kiến của một người duy nhất. Đó là Tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp, Tướng Benoit Puga. Việc chuyển giao các thủ tục chi tiết liên quan tới các mã hạt nhân của nước Pháp chỉ được tiến hành sau đó trong một buổi họp giữa tướng Puga và tân Tổng thống Pháp. Cuộc họp này được tổ chức tại PC Jupiter, trái tim của hệ thống chỉ huy kho hạt nhân Pháp đặt ở bên dưới điện Elysee.

Trên thực tế, Tổng thống Pháp không phải là người duy nhất sở hữu các mã hạt nhân của nước này. Có rất nhiều mã hạt nhân, tùy thuộc vào mục đích và tính chất của loại vũ khí hạt nhân được chọn khi có tình huống khẩn cấp. Hệ thống máy tính cũng thường xuyên thay đổi các mã này.

Các hệ thống nhận dạng, gồm cả các hệ thống sinh trắc học, cũng có thể xác định được tổng thống Pháp. Điều này xuất phát từ việc, bất kể người nhận lệnh sử dụng các vũ khí hạt nhân là ai, người này đều sẽ phải xác nhận rằng, mệnh lệnh tới từ đúng người có thẩm quyền.

Chiếc cặp hạt nhân luôn đồng hành cùng tổng thống Pháp trong tất cả những công việc. Theo các chuyên gia, thiết bị này chứa một hệ thống liên lạc bảo mật cho phép giữ sợi dây liên lạc liên tục từ bất cứ đâu. Mục đích của việc này là để đảm bảo tính sẵn sàng của các vũ khí hạt nhân, bất kể tổng thống Pháp đang ở nơi nào.

Trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Hollande xác nhận rằng, nếu thắng cử ông sẽ duy trì hai thành tố trong việc đánh chặn hạt nhân của Pháp, gồm trên không và dưới nước.

Lá chắn hạt nhân Pháp được dựa trên 4 tàu ngầm hạt nhân và các tên lửa đạn đạo. Ít nhất một trong số các tàu ngầm luôn hoạt động xa bờ. Bức tường hạt nhân Pháp còn dựa vào các chiến đấu cơ Rafale và Mirage 2000, vốn luôn mang theo các đầu đạn hạt nhân. Các phi cơ này hiện được triển khai tại Istres (Bouches-du-Rhone) và Saint-Dizier (Haute-Marne), nơi chúng luôn ở tình trạng cảnh giác cao.

Đó gần như là tất cả những gì người ta có thể biết về chiếc cặp hạt nhân của nước Pháp. Toàn bộ những điều còn lại bị bức màn bí mật che phủ, như một sự phòng ngừa đối với an toàn hạt nhân. Bí mật này không chỉ được giữ kín ở Pháp mà còn ở cả những nước có vũ khí hạt nhân.

Vũ khí hạt nhân Pháp có được nhờ Mỹ

Vụ thử hạt nhân của Pháp năm 1970.

Thỏa thuận hợp tác về vấn đề hạt nhân giữa Pháp và Mỹ được chính thức ký kết vào năm 1996, song các hoạt động hỗ trợ bí mật đã được thực hiện từ rất lâu trước đó. Các tài liệu mật được công bố bởi AFP cho thấy, trong những năm 70 của thế kỷ trước, chính quyền của Tổng thống Mỹ Nixon đã bật đèn xanh cho việc bí mật giúp đỡ Pháp phát triển vũ khí hạt nhân.

Việc giải mã các tài liệu mật cho thấy, ông Henry Kissinger, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ lúc đó tiết lộ, ông muốn làm cho người Pháp nghĩ rằng, họ có thể cạnh tranh với Anh về vấn đề hạt nhân.

Pháp đã thử nghiệm vũ khí hạt nhân đầu tiên vào năm 1960, trở thành quốc gia thứ tư sau Mỹ, Liên Xô và Anh sở hữu vũ khí hạt nhân như một nỗ lực của Tổng thống Charles de Gaulle nhằm đưa nước Pháp trở thành một cường quốc.

Trước đó, 3 đời Tổng thống Mỹ đã từ chối hợp tác về vũ khí hạt nhân với Pháp vì lo ngại những chính sách ngoại giao của Tổng thống De Gaulle sẽ tạo ra một cuộc chay đua vũ trang dẫn đến việc nước Đức sở hữu vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Nixon nhận thấy, chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Pháp là không thể dừng lại được, thay vào đó nên giúp đỡ Pháp và tạo ra đòn bẩy chiến lược.

Tại thời điểm đó, luật pháp Mỹ ngăn cản các hỗ trợ nước ngoài trực tiếp phát triển công nghệ hạt nhân. Do đó, chính quyền Nixon đã gián tiếp cung cấp các tài liệu cho phía Pháp.

Robert Galley, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp dưới thời Tổng thống Georges Pompidou yêu cầu Mỹ hướng dẫn việc phát triển đầu đạn hạt nhân. Trong một báo cáo được gửi cho Tổng thống Nixon, ông Henry Kissinger nói rằng, Mỹ sẽ cung cấp thông tin cho phía Pháp một cách từ từ. Theo đó, Mỹ sẽ làm một điều gì đó cho nước Pháp hiểu biết thêm về công nghệ hạt nhân. Nhưng không phải tất cả các thông tin được cung cấp một lúc- báo cáo nhấn mạnh.

Klaus Larres, một giáo sư tại ĐH Ulster cho biết, hành động của chính quyền Nixon khi ấy là một bất thường đối với Mỹ

Trường Minh
.
.
.