‘Biến’ người thường thành bệnh nhân ung thư, bác sĩ lãnh án 45 năm tù

Thứ Sáu, 17/07/2015, 19:00
Sau gần hai năm bị bắt, một bác sĩ ở thành phố Detroit, thuộc tiểu bang Michigan (Mỹ) hôm 10/7 đã bị kết án 45 năm tù vì đã cố tình "biến" hàng trăm người khỏe mạnh thành nạn nhân ung thư để điều trị bằng hóa chất, qua đó thu lợi bất chính hàng triệu USD từ các hãng bảo hiểm và chương trình trợ cấp y tế của chính phủ.
Các công tố viên gọi vị bác sĩ này là "kẻ gian lận nguy hiểm nhất trong lịch sử y tế Mỹ" và ví von rằng, đối với vị bác sĩ trên, "bệnh nhân không phải là con người mà là các trung tâm lợi nhuận".

Theo thông tin từ tòa án Michigan, bác sĩ Farid Fata, 50 tuổi, người gốc Lebanon, đã chẩn đoán khoảng 533 bệnh nhân đang bị ung thư giai đoạn cuối và kê toa thuốc đặc trị cho họ, cụ thể là thuốc điều trị ung thư đắt tiền có tên Rituximab (biệt dược Rituxan). Theo giải thích của Tiến sĩ Dan Longo, chuyên gia y tế cấp cao của Đại học Harvard, loại thuốc này có thể làm suy yếu hệ miễn dịch nếu bị lạm dụng.

Vị bác sĩ vô nhân tính Farid Fata.

Điều đáng nói là, trên thực tế, những bệnh nhân của Fata không cần dùng đến loại thuốc này, thậm chí, nhiều người trong số họ không hề bị bệnh. Ông Ellen Piligian kể rằng, ông được bác sĩ Fata yêu cầu dùng một loại thuốc không liên quan gì tới khối u ở bả vai. Trong khi đó, bà Monica Flagg (53 tuổi), dù chỉ bị gãy chân nhưng bị vị bác sĩ mất nhân tính chẩn đoán mắc bệnh ung thư và lập phác đồ điều trị.

Một bệnh nhân khác là Robert Sobieray đã phải đến phòng mạch của Fata để hóa trị trong hai năm rưỡi trong khi ông không hề bị ung thư. Quá trình điều trị "kì quái" này đã khiến sức khỏe của Sobieray ngày một yếu đi. Thuốc đặc trị mạnh đến nỗi răng ông rụng gần hết và hàm của ông bắt đầu biến dạng. Theo thẩm phán Paul Borman - Chủ tịch phiên tòa hôm 10/7, việc áp dụng các biện pháp điều trị không cần thiết dành cho bệnh nhân khiến sức khỏe của họ ngày càng sa sút và có nguy cơ mất mạng.

Nhiều bệnh nhân đã bị hỏng nội tạng, giòn xương hoặc khô gan vì các biện pháp "quá tay" nói trên. Không ít người đã phải sống suốt quãng đời còn lại cùng những hậu quả do hành vi bất lương, xuất phát từ lòng tham, bất chấp sức khỏe và coi thường mạng người của Fata. Ngoài bệnh tật, nhiều bệnh nhân còn rơi vào cảnh tán gia bại sản do phải trả chi phí quá đắt đỏ theo phác đồ "điều trị ung thư" của Fata.

Giới công tố viên Mỹ cho biết, Fata đã kiếm được hàng chục triệu USD từ việc kê toa thuốc và liệu pháp điều trị ung thư đắt tiền cho số bệnh nhân trên. Từ khi bị bắt hồi tháng 8/2013, Fata đã bồi thường 17,6 triệu USD mà ông ta hưởng từ các công ty y tế và các doanh nghiệp bảo hiểm tư nhân.

Nhấn mạnh việc cần một bản án xứng đáng để tránh xảy ra sự việc tương tự, công tố viên liên bang Catherine Dick và luật sư Barbara McQuade đã đề xuất mức án tối đa cho Fata là 175 năm tù. Luật sư McQuade nêu rõ: "Hóa trị, như các bạn đã biết, là chất độc. Bác sĩ Fata đã tiêm chất độc cho những người không bị ung thư chỉ để kiếm tiền".

Tuy nhiên, Fata chỉ bị kết án 45 năm tù với các tội danh như: Lừa đảo chăm sóc y tế, rửa tiền, đưa và nhận hối lộ… Mức án này đã gây ra nhiều tranh cái trong cộng đồng khi được cho là quá nhẹ và không đủ sức răn đe đối với các bác sĩ khác. Mức án này cũng chưa đủ để các bệnh nhân tha thứ cho hành động vô lương tâm và không có đạo đức nghề nghiệp của kẻ mang danh thầy thuốc này. Có ý kiến cho rằng, với mức án này, chỉ cần có hành vi tốt trong tù, Fata vẫn có thể được trả tự do trước thời hạn và nhiều khả năng lại tiếp tục hành nghề "giết người" ở bên ngoài.

Về phía bị cáo, trong suốt phiên tòa kéo dài cả tuần, Fata giữ bộ mặt vô cảm. Thậm chí ông ta còn không nhìn các bệnh nhân khi họ lên đứng làm chứng trước tòa. Chỉ khi đến ngày tuyên án (10/7), ông ta mới cầu xin lòng thương xót của mọi người và đề nghị mức án 25 năm tù. Ông ta bắt đầu xin lỗi các nạn nhân của ông và nói rằng cảm thấy "xấu hổ về những hành động của mình".

Ông ta thú nhận rằng "Tội lỗi của tôi rất nhiều" và "việc tìm kiếm quyền lực của tôi là một hành động tự hủy diệt". Tuy nhiên, vị bác sĩ mất nhân tính này lại bao biện rằng: "Mọi người tới cầu xin tôi chữa trị và tôi chỉ không hoàn thành nhiệm vụ".

Trần Linh (theo CNN)
.
.
.