Bình Nhưỡng phóng tên lửa để... đàm phán

Thứ Tư, 06/12/2017, 11:14
Sau vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-15 hôm 29-11 vừa qua, CHDCND Triều Tiên chính thức tuyên bố đã trở thành một cường quốc hạt nhân.


Triều Tiên "cuối cùng cũng đã đạt được bước ngoặt lịch sử vĩ đại khi hoàn thành việc xây dựng được một lực lượng hạt nhân", thông điệp của Bình Nhưỡng cho biết.

Đã đạt “mục tiêu cuối cùng”?

Tuyên bố này dù còn bị nhiều phía nghi ngờ, nhưng được giới quan sát  nhìn nhận có thể là dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng đã sẵn sàng ngồi xuống bàn đàm phán với Mỹ.

Theo New York Times, tuyên bố của Triều Tiên có thể được giải nghĩa là Bình Nhưỡng đã đạt được mục đích cuối cùng của mình (trở thành cường quốc hạt nhân) và vì thế họ có thể dừng lại ở đây. Nói cách khác, tại thời điểm này, chính quyền Kim Jong-un có thể sẵn sàng đàm phán.

Ông Kim Jong-un kiểm tra tên lửa trước vụ phóng. 

Cách giải nghĩa trên phù hợp với niềm tin từ lâu của nhiều quan chức và nhà phân tích về kế hoạch trò chơi của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Theo đó, Kim Jong-un muốn Triều Tiên được công nhận là một cường quốc hạt nhân để có vị thế “ngang hàng” với Mỹ và các nước khác. Khi đó, họ có thể khiến Mỹ và phương Tây phải nhượng bộ trong các cuộc đàm phán, chẳng hạn như nới lỏng các biện pháp trừng phạt để đổi lấy việc Triều Tiên đóng băng chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, theo ông Daniel R.Russel, cựu trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á.

Tuy nhiên, theo tờ New York Times, lúc này dù Triều Tiên có tỏ dấu hiệu sẵn sàng đàm phán, thì Mỹ và các đồng minh của nước này cũng sẽ khó chấp nhận điều đó, thậm chí không thể chấp nhận về mặt chính trị. Bởi việc chấp nhận đàm phán với Bình Nhưỡng có thể phá vỡ các chính sách không phổ biến vũ khí hạt nhân trong nhiều thập kỷ và khởi động một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân ở Đông Bắc Á.

Trung Quốc và Nga từng thúc đẩy một thỏa thuận sẽ giúp đóng băng chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Theo đó, Mỹ và Hàn Quốc phải ngừng tất cả các cuộc tập trận chung để đổi lấy việc Triều Tiên ngừng phóng tên lửa, thử hạt nhân. Tuy nhiên, Mỹ đã từ chối ý tưởng trên; đồng thời khẳng định sẽ theo đuổi chiến lược tăng áp lực quốc tế để ép Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Các quan chức chính quyền Trump đã tuyên bố không có thay đổi gì về mặt chính sách sau vụ phóng tên lửa của Triều Tiên rạng sáng 29-11. Tổng thống Donald Trump đã thề sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt hà khắc nhắm vào Bình Nhưỡng.

Chiến lược câu giờ?

Trong khi đó, các nhà phân tích Hàn Quốc lại tỏ ra nghi ngờ về dấu hiệu Triều Tiên sẵn sàng đàm phán. Họ cho rằng Triều Tiên chỉ đang cố "câu giờ" và không quan tâm đến việc đàm phán với Washington cho đến khi nước này thực sự giành được các khả năng mà họ đã tuyên bố (thông qua việc tiến hành thêm nhiều vụ thử nghiệm hơn nữa). 

Các nhà phân tích Hàn Quốc tin rằng Triều Tiên đã phóng đại khả năng của họ, vì dù tên lửa Hwasong-15 đã bay cao nhất từ trước đến nay, nó đã không đi một quãng đường dài. Tên lửa này đã rơi xuống vùng biển cách địa điểm phóng 960 km. Ngoài ra, Triều Tiên cũng không chứng minh được họ đã làm chủ được khả năng tái nhập khí quyển cho chương trình tên lửa đạn đạo - một trở ngại kỹ thuật đáng kể.

Những tuyên bố của Triều Tiên vào thời điểm cuối năm thường chỉ là các tuyên bố mang tính chính trị, theo ông Shin Beom-chul, chuyên gia an ninh thuộc Học viện Ngoại giao Hàn Quốc.

Bàng Cương
.
.
.