Bộ đàm radio thông minh dành cho cảnh sát

Thứ Năm, 02/04/2015, 20:00
Lực lượng cảnh sát các nước trên thế giới đều sử dụng bộ đàm sóng radio để liên lạc nội bộ khi thực thi công vụ. Trong một số vụ việc, vụ án hoặc các chiến dịch đột kích lớn, cảnh sát bị thất bại, chịu tổn thất không phải do đối tượng, mà do việc liên lạc nội bộ không được đảm bảo thông suốt với các nguyên nhân như không có sóng radio, sóng yếu… mà không có giải pháp thay thế.
Do vậy, yêu cầu phát triển hệ thống bộ đàm thông minh và hiệu quả hơn để phục vụ công tác phòng chống tội phạm luôn là yêu cầu bắt buộc. Các bộ đàm đã được cải tiến với nhiều bộ phận điện tử hiện đại, thậm chí tương tự một chiếc máy tính. Hiện nay, lực lượng cảnh sát các nước tiên tiến đã phát triển hai phần mềm cải tiến bộ đàm, đó là Phần mềm định dạng sóng radio (SDR) và Phần mềm ưu tiên dải sóng (CRM).
Bộ đàm thông minh.

Theo đó, SDR với khả năng gửi và nhận cả ba loại tín hiệu thông dụng là giọng nói công nghệ tương tự, giọng nói kỹ thuật số và số liệu cho phép thay thế các bộ đàm đang sử dụng công nghệ radio công nghệ tương tự (analog) sang công nghệ số với chi phí thấp và hiệu quả xử lý nhanh hơn hẳn. SDR cũng cho phép bộ đàm lọc nhiễu âm thanh và dò tự động, kích sóng đối với tần số liên lạc đã cài đặt sẵn mà không cần điều chỉnh, dò bằng tay, nhằm đảm bảo chất lượng liên lạc liên tục, kể cả ở nơi sóng yếu hay bị tội phạm phá sóng.

Đối với CRM, phần mềm này cho phép bộ đàm tự động đổi sang tần số khác đang có sóng mạnh nhất (trong số các tần số bảo mật được cảnh sát đăng ký sử dụng) tại nơi cảnh sát đang sử dụng bộ đàm, nhằm đảm bảo giải pháp thay thế hữu hiệu và nhanh nhất mà không phụ thuộc vào một dải sóng duy nhất. Trong trường hợp đặc biệt, khi tất cả các dải sóng của cảnh sát bị nhiễu, cảnh sát có thể dùng tần số bất kỳ có khả năng hoạt động tốt tại nơi đang sử dụng để trao đổi thông tin mã khóa với nhau.

Thậm chí, nếu các tần số sóng radio đều yếu hoặc không có, CRM cho phép bộ đàm có thể kết nối với điểm phát sóng WIFI hoặc đầu kết nối đường dây điện thoại cố định để thực hiện đàm thoại với trung tâm chỉ huy. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng, đảm bảo thông tin liên lạc được thông suốt phục vụ công tác chiến đấu và phòng chống tội phạm của cảnh sát trong mọi tình huống.

Xử lý thông tin qua bộ đàm tại trung tâm chỉ huy cảnh sát.

Sau quá trình thử nghiệm, bộ đàm tích hợp các phần mềm này đã được đưa vào sử dụng và chứng minh hiệu quả tốt. Lực lượng cảnh sát có thể yên tâm về công tác liên lạc thông suốt để đảm bảo phối hợp tác chiến, hạn chế đến mức thấp nhất các vấn đề phát sinh ngoài dự kiến. 

Trong nhiều trường hợp, các bộ đàm thế hệ mới này đã gây bất ngờ cho tội phạm khi chúng không ngờ bị đột kích tại các địa điểm có địa hình hiểm trở mà chúng chọn để ẩn náu hoặc gây án, với ý nghĩ cảnh sát không thể tác chiến bởi không có sóng radio để liên lạc nội bộ hoặc chúng có thể phá sóng liên lạc của cảnh sát.

Đoàn Hoàng
.
.
.