Bóc gỡ mạng lưới nội gián trong “Kế hoạch Hải Yến” của CIA và Phủ Ðặc ủy Trung ương tình báo Sài Gòn

Thứ Bảy, 05/08/2017, 15:16
Kế hoạch này được hoạch định từ tháng 1-1969 và chính thức triển khai vào tháng 4-1969. CIA gọi là “Kế hoạch Bình Minh”, sau đổi là “Kế hoạch Hải Yến”, do CIA và Nguyễn Khắc Bình trực tiếp chỉ đạo; được đầu tư tối đa về tài chính và các phương tiện kỹ thuật hiện đại nhất thời bấy giờ.


Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta (Tết Mậu Thân 1968) đã gây thất bại nặng nề cho quân Mỹ và quân lực Việt Nam Cộng hòa - VNCH (quân đội Sài Gòn), khiến Quốc hội và nhân dân tiến bộ Mỹ gây áp lực cho Chính phủ Mỹ phải rút quân đội khỏi chiến trường miền Nam Việt Nam. 

Vì vậy, Lầu Năm Góc phải chuyển hướng chiến lược từ chiến lược “Chiến tranh cục bộ” sang chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” với công thức: “Hỏa lực Mỹ và quân lực VNCH” đủ sức chiến thắng “Việt cộng”. 

Quân đội Mỹ rút dần về nước, chỉ để lại số ít, giữ vai trò cố vấn. Nhằm thực hiện âm mưu lâu dài, Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) Mỹ đã phối hợp với Phủ Ðặc ủy Trung ương tình báo Sài Gòn (Nguyễn Khắc Bình, Ðặc ủy trưởng) tiến hành một phương thức hoạt động tình báo mới. 

Tuyển chọn trong số cán bộ, bộ đội giải phóng bị bắt, tổ chức huấn luyện thành tình báo viên, tung về hàng ngũ cách mạng dưới hình thức ân xá, hoàn hương, phóng thích, thả đơn phương… hoặc trao trả khi có giải pháp chính trị.

Kế hoạch này được hoạch định từ tháng 1-1969 và chính thức triển khai vào tháng 4-1969. CIA gọi là “Kế hoạch Bình Minh”, sau đổi là “Kế hoạch Hải Yến”, do CIA và Nguyễn Khắc Bình trực tiếp chỉ đạo; được đầu tư tối đa về tài chính và các phương tiện kỹ thuật hiện đại nhất thời bấy giờ.

Nữ chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968.

Từ năm 1969 đến 1970, họ sử dụng những người bị bắt có quê quán ở miền Nam, khống chế, huấn luyện và đánh trở lại các cơ quan, đơn vị, tổ chức cách mạng ở chiến trường miền Nam. Từ năm 1971, họ mở rộng tới các đối tượng là người miền Bắc (chủ yếu là sĩ quan quân đội) để huấn luyện rồi đánh trở lại miền Bắc. 

Trong 3 năm (1969 - 1971), họ đã nghiên cứu 2.000 hồ sơ thẩm vấn tù binh; đưa về Ban Q (Ban Khai thác thuộc Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo Sài Gòn) hơn 200 người để kiểm tra thử thách, mua chuộc hoặc khống chế. Trong số đó, họ chính thức tuyển chọn 8 tình báo viên (7 cho công tác Bắc vụ, 1 cho công tác Nam vụ). 

Toàn bộ 8 tình báo viên đều được tung trở lại hàng ngũ cách mạng; trong đó có tên mang bí số N001 trong công tác Nam vụ được họ “phóng thích” vào tháng 7-1971 tại miền Nam, y đã chui vào nội bộ ta và móc nối cơ sở, thực hiện các hoạt động chống phá cách mạng theo kế hoạch được vạch ra.

Sau khi được đưa về Ban Q, mỗi người phải viết một phiếu lý lịch và chụp hai ảnh “một ảnh chụp thẳng mặt nhìn rõ cả hai tai, một ảnh chụp nghiêng nhìn rõ sống mũi; nếp trán, nếp cổ” rồi lăn tay làm thẻ căn cước. Cuối cùng, những người này được ghi vào danh sách “theo dõi đặc biệt”, ghi số thứ tự bắt đầu từ 101 có gắn thêm hai chữ BM. 

Sau này, khi có người nào chịu hợp tác với CIA thì dùng luôn số thứ tự ghi trong danh sách đó làm “bí số” tiếp tục theo dõi. Bí số này chính bản thân điệp viên ngầm cũng không biết, mà chỉ riêng CIA và những nhân viên đặc ủy chịu trách nhiệm “nắm” bọn điệp viên ngầm này biết riêng với nhau. Còn bản thân điệp viên ngầm cài cắm làm nội gián trong hàng ngũ chính quyền và quân đội cách mạng sẽ có một danh sách và bí số riêng.

Nhìn chung, cuộc “thẩm vấn khai thác” tại Ban Q cũng giống như những cuộc hỏi cung ở các trại giam cũ nhưng hình thức hoàn toàn khác hẳn. Tại Ban Q, tù binh được xét hỏi riêng biệt từng người trong một gian phòng khang trang, đầy đủ tiện nghi. Họ không bị đánh dập, sỉ nhục hoặc quát mắng mà được chào hỏi lịch sự, được mời hút thuốc lá thơm, ăn kẹo bánh trái cây, uống sữa, cà phê, rượu bia, nước ngọt. 

Nói một cách cụ thể hơn, đây không phải là cuộc thẩm vấn theo kiểu hỏi cung (vì việc hỏi cung đã tiến hành rồi) mà là buổi “nói chuyện, thân mật, cởi mở” nhằm dụ dỗ, mua chuộc làm điệp viên ngầm cho CIA. 

Những tài liệu của Mỹ - ngụy cho biết, chúng đã sử dụng khách sạn Mã Nhận Tân, khách sạn Tân Lộc, nhà 305 Nguyễn Minh Chiến Gia Định, nhà số 60 và 261/1 Trương Minh Ký, nhà số 44 và 45 Trương Quốc Dung cùng với một số biệt thự nữa trên đường Công Lý, đường Lê Văn Duyệt kéo dài, đường Bùi Thị Xuân, đường Phạm Đặng Hưng, đường Đa Kao vào việc này.

Mỗi cuộc “thẩm vấn” chúng thường tiến hành rất nhanh, chỉ khoảng một buổi rồi lại trả về trại giam cũ. Nếu người nào cần thẩm vấn lâu hơn, tức là đòi hỏi nhiều thời gian hơn để “cảm hóa” thì sẽ tiến hành làm nhiều đợt, sau mỗi đợt lại đưa về trại giam cũ cho “suy nghĩ”, ít lâu sau lại gọi lên. Làm như vậy, CIA giữ cho những người bị mua chuộc cái vỏ bọc bí mật, không bị đồng đội trong trại giam cũ nghi ngờ. Mọi người chỉ nghĩ đơn giản số tù binh này bị gọi lên để “hỏi lại” những chi tiết chưa khai báo rõ trong những lần hỏi cung trước.

Sau giai đoạn thẩm vấn mà Phủ Đặc ủy tình báo ngụy gọi là giai đoạn “tuyển chọn sơ khởi”, nếu đối tượng đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về tư tưởng (quyết tâm đi theo con đường phản bội chống lại cách mạng), khả năng (có trình độ làm điệp viên ngầm) và điều kiện (có thể bố trí làm nội gián) lúc đó sẽ được chuyển sang giai đoạn “dự tuyển” và được đưa sang “nhà an toàn” được sống thoải mải nhưng vẫn bị giám sát, bí mật theo dõi, có quân cảnh bí mật canh gác ngôi nhà ở. 

Trong thời gian này, đối týợng tuyển chọn được “chiêu đãi”, cụ thể được CIA cho đi chơi phố, xem hát, xem phim, nhất là được ăn uống thoải mái tại các “cao lâu tửu quán” hoặc khách sạn Âu, tùy thích. 

CIA nhận định, sau một thời gian dài chiến đấu gay go ác liệt, sống gian khổ chủ yếu ở trong rừng nay được “ăn chơi xả láng”, nhất định những tâm lý hưởng lạc trong con người sẽ trỗi dậy mạnh mẽ, không muốn trở lại cuộc sống cũ, thậm chí còn ghê sợ không dám quay trở lại con đường cũ. 

Nhất là trong hoàn cảnh vẫn bị Mỹ - ngụy theo dõi giám sát, không được tu dưỡng mà toàn bị cám dỗ, kích thích dục vọng dĩ nhiên cứ thế lao vào con đường phản bội không giữ vững tinh thần và ý chí chiến đấu.

Cho tới khi đối tượng tỏ ý tự nguyện muốn “hợp tác” với CIA, lúc đó vẫn còn phải qua thiết bị “trắc nghiệm bằng máy” để thẩm tra một lần nữa xem có toàn tâm toàn ý tự nguyện hợp tác không? 

Việc trắc nghiệm bằng máy hoàn toàn do cố vấn CIA đảm nhiệm. Cũng chỉ có cố vấn CIA mới đủ thẩm quyền kết luận chính thức có tuyển dụng đối tượng hay không? Sau đó, đối tượng làm đơn gửi lên Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo. Lá đơn này cũng là một thứ bằng chứng để CIA giữ làm “con tin” cột chặt điệp viên ngầm vào guồng máy tình báo của chúng.

Để gây “ấn tượng” cho bọn phản bội bắt đầu đi vào con đường tội lỗi làm tay sai cho chúng, CIA đã chỉ dẫn cho Phủ Đặc ủy tình báo ngụy tổ chức “lễ kết nạp” với hình thức “thật thiêng liêng và long trọng”.

Chúng chọn một hội trường trong phủ đặc ủy có trang trí cờ ba sọc và ảnh Tổng thống ngụy Nguyễn Văn Thiệu làm nơi tiến hành “lễ kết nạp” tình báo viên. Một nhân viên cấp cao trong Phủ Đặc ủy tình báo đóng vai “đại diện chính phủ tới dự lễ kết nạp cho thêm phần long trọng”, thực tế là đến giám sát, quan sát tận mắt thái độ, cử chỉ, vẻ mặt, lời nói của đối tượng vừa mới được kết nạp xem có thật sự tự nguyện không.

Sau khi tuyên bố lý do và trịnh trọng giới thiệu vị đại diện chính phủ tới chứng kiến lễ kết nạp, tên tình báo điều khiển buổi lễ mời mọi người đứng dậy làm lễ chào cờ và bỏ ra một phút mặc niệm “các chiến sĩ đã anh dũng hy sinh cho chính nghĩa quốc gia”. Tên sĩ quan điều khiển buổi lễ giới thiệu vắn tắt lý lịch của đối tượng và nêu rõ lý do tại sao đối tượng ly khai Cộng sản để tự nguyện phục vụ “quốc gia”. 

Tiếp đó, tên chánh sự vụ Ban A, tham mưu cho bộ phận chỉ đạo lên nói mấy lời nhận xét quá trình cảm hóa, “giác ngộ” của đối tượng và đề nghị vị đại diện chính phủ chuẩn y kết nạp. Dĩ nhiên “vị đại diện chính phủ hài lòng chấp nhận đề nghị chánh đáng” này.

Do nắm được âm mưu của địch, lãnh đạo Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã chỉ thị cho lực lượng an ninh chủ động, cảnh giác phòng ngừa, phát hiện các phần tử đầu hàng phản bội. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, qua khai thác những tên sĩ quan tình báo bị bắt và nghiên cứu tài liệu địch để lại, lực lượng an ninh đã phát hiện “Kế hoạch Hải Yến”. Vì vậy, toàn bộ số tình báo viên của địch trong kế hoạch này đều bị phát hiện kịp thời.

6 tình báo viên trong công tác Bắc vụ được tạo vỏ bọc và trao trả cho ta tại Thạch Hãn (Quảng Trị) trong 2 ngày (19-2 và 23-3-1973) là Trần M.V. (bí số BM105), là Đại úy; Hoang C.T. (BM158), là Trung úy; Bùi L.B. (BM186), là Đại úy… Riêng tình báo viên bí số BM158 dùng cho công tác Bắc vụ nhưng do không có sự liên hệ trước giữa Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo với bộ phận trao trả nên đưa vào danh sách trao trả tại Tây Ninh và ở lại miền Nam.

Căn cứ vào hành vi phạm tội của từng người và thái độ thành khẩn khai báo của họ, lực lượng an ninh đã quyết định những biện pháp xử lý cụ thể; có người tập trung cải tạo; có người đưa ra khỏi cơ quan, áp dụng chế độ cải tạo tại chỗ.

Phát hiện và vô hiệu hóa “Kế hoạch Hải Yến” của CIA và Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo Sài Gòn là kết quả của sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo lực lượng an ninh; là sự hiệp đồng chặt chẽ giữa các đơn vị trong lực lượng Công an, giữa Công an với các cơ quan, ban, ngành chức năng. Trong đó vai trò của lực lượng trinh sát bảo vệ An ninh nội bộ của Bộ là hết sức quan trọng.

Khổng Hà
.
.
.