Brazil:

Bắt 2 cựu Bộ trưởng Tài chính

Thứ Hai, 03/10/2016, 14:47
Ông Antonio Palocci là một trong những người có nhiều ảnh hưởng trong chính quyền của ông Lula da Silva và bà Dilma Rousseff.


Vụ bắt cựu Bộ trưởng Tài chính Antonio Palocci tại Sao Paulo hôm 26-9 được dư luận quan tâm. Bởi đây là cựu Bộ trưởng Tài chính thứ hai bị bắt chỉ trong có mấy ngày và 2 người này đều từng làm việc dưới thời cựu Tổng thống Lula da Silva (2003-2011) và bà Dilma Rousseff (2011- tháng 8-2016), với cáo buộc nhận hối lộ trong vụ tham nhũng của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrobras. 

Ông Antonio Palocci là một trong những người có nhiều ảnh hưởng trong chính quyền của ông Lula da Silva và bà Dilma Rousseff.

Ông Antonio Palocci.

Phát biểu tại buổi họp báo sau vụ bắt giữ cựu Bộ trưởng Tài chính, nữ Thẩm phán liên bang Laura Gonzalves Tessler cho biết, ông Antonio Palocci là người đã thông qua nhiều chính sách có lợi cho Tập đoàn Xây dựng Odebrecht (lớn nhất Mỹ Latinh), trong đó có hợp đồng làm ăn với Petrobras.

Theo bà Laura Gonzalves Tessler, số tiền cựu Bộ trưởng Tài chính Antonio Palocci và Công đảng từng nhận của Tập đoàn Xây dựng Odebrecht (trong giai đoạn 2008-2013) khoảng 39 triệu USD.

Cựu Giám đốc điều hành và Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Odebrecht, ông Marcelo Odebrecht bị bắt và kết án 19 năm tù hồi tháng 3-2016, với tội danh tham nhũng, rửa tiền và thành lập băng đảng.

Cảnh sát từng công bố tài liệu thu được sau khi tiến hành khám xét trụ sở chính của Tập đoàn Xây dựng Odebrecht, trong đó có một danh sách 200 chính trị gia thuộc 18 đảng phái bị tình nghi nhận hối lộ của ông Marcelo Odebrecht.

Ngoài việc bắt và kết án đối với ông Marcelo Odebrecht, cảnh sát cũng đã bắt hàng chục lãnh đạo của Tập đoàn Xây dựng Odebrecht để phục vụ công tác điều tra vụ tham nhũng tại Petrobras.

Trước đó (22-9), cảnh sát đã bắt cựu Bộ trưởng Tài chính Guido Mantega. Trả lời phỏng vấn báo điện tử G1, ông Jose Roberto Batochio, luật sư của ông Guido Mantega, cho biết thân chủ của mình bị bắt tại bệnh viện Sao Paulo, nơi vợ cựu Bộ trưởng Tài chính đang điều trị.

Và cảnh sát đã lục soát nhiều văn phòng của doanh nhân giàu có Eike Batista tại Rio de Janeiro. Theo giới truyền thông, vụ bắt giữ ông Guido Mantega có liên quan tới những hợp đồng giả mạo trong việc xây dựng các giàn khoan của Petrobras.

Ông Guido Mantega.

Và vụ bắt giữ kể trên diễn ra sau khi Thẩm phán liên bang Sergio Moro quyết định đưa cựu Tổng thống Lula de Silva ra xét xử với cáo buộc có liên quan tới tham ô, tham nhũng tại Petrobras. Ngày 20-9, thẩm phán Sergio Moro đã quyết định khởi tố ông Lula da Silva vì có dính líu tới vụ tham nhũng tại Petrobras.

Hơn 4 tháng trước (9-5), ông Guido Mantega bị cưỡng chế tới trụ sở cảnh sát để lấy lời khai vì bị tình nghi ép các tập đoàn kinh tế và các công ty xây dựng ủng hộ chiến dịch bầu cử của cựu Tổng thống Dilma Rousseff.

Ngoài ra, ông Guido Mantega còn cùng với người đứng đầu Ngân hàng Phát triển nhà nước BNDES Lucianho Coutinho, dùng ảnh hưởng cá nhân để tạo thuận lợi cho Tập đoàn sản xuất ximăng Penha trong việc trả nợ thuế.

Việc này diễn ra sau khi cựu Giám đốc điều hành Tập đoàn Xây dựng Odebrecht, ông Marcelo Odebrecht khai báo, cựu Bộ trưởng Tài chính Guido Mantega và Giám đốc Ngân hàng BNDES Lucianho Coutinho, đã gây sức ép với nhiều doanh nghiệp để họ ủng hộ đối với bà Dilma Rousseff.

Ông Marcelo Odebrecht khẳng định, ông Lucianho Coutinho và ông Guido Mantega đã sử dụng các khoản vay của BNDES để ép các doanh nghiệp ủng hộ bà Dilma Rousseff trong cuộc bầu cử tổng thống trước đó.

Tờ Folha de Sao Paulo dẫn lời luật sư của ông Marcelo Odebrecht cho biết, thân chủ không có bất kỳ vai trò nào trong các chiến dịch bầu cử của bà Dilma Rousseff trước đó. Những khai báo của ông Marcelo Odebrecht cho thấy, có sự liên quan giữa Ngân hàng Phát triển nhà nước BNDES với vụ tham nhũng tại Petrobras.

Và cuộc điều tra tham nhũng tại Petrobras được biết tới với tên gọi "Operation Car Wash". Ngoài "Operation Car Wash", các vụ bắt giữ lãnh đạo doanh nghiệp cũng diễn ra tại nhiều bang và đều nằm trong chiến dịch điều tra quy mô lớn mang tên "Operation Zealots".

Theo đó, các mục tiêu bị điều tra chủ yếu là các doanh nghiệp có hành vi hối lộ quan chức chính phủ thông qua các nhóm vận động hành lang. Tính đến nay đã có hơn 70 công ty tài chính, kỹ thuật, dân sự, nông nghiệp và công nghiệp bị cảnh sát gọi hỏi.

Ngày 21-9, cựu Tổng thống Dilma Rousseff  đã xuất hiện tại một buổi míttinh vận động cho cuộc bầu cử tại địa phương sẽ diễn ra vào ngày 2-10 ở thành phố Rio de Janeiro. Đây là lần đầu tiên bà Dilma Rousseff xuất hiện trước công chúng sau khi bị Thượng viện phế truất hồi cuối tháng 8 vừa qua. Bà Dilma Rousseff tiếp tục chỉ trích mạnh mẽ chính sách của tân Tổng thống Michel Temer, và nhấn mạnh, những thành quả xã hội mà Brazil đạt được trong 13 năm cầm quyền của Công đảng đang đứng trước nguy cơ bị hủy hoại. Đồng thời cáo buộc quyết định phế truất bà của Quốc hội và việc cựu Tổng thống Lula da Silva, người sáng lập Công đảng bị đưa ra xét xử với cáo buộc tham nhũng và rửa tiền là hành động đảo chính.

Tuệ Sỹ
.
.
.