Brazil:

Cảnh sát thổi phồng vụ "bê bối thịt bẩn"

Thứ Năm, 30/03/2017, 15:29
Đó là tuyên bố của Bộ trưởng Nông nghiệp Brazil, khi ông Blairo Maggi phát biểu tại buổi họp báo với các phóng viên nước ngoài, nhằm nỗ lực khôi phục lòng tin của các nước nhập khẩu.


Bởi Brazil là nước xuất khẩu thịt bò và thịt gia cầm số một thế giới và đứng thứ tư về xuất khẩu thịt lợn toàn cầu, nên Bộ trưởng Nông nghiệp Blairo Maggi đã chỉ trích cảnh sát thông tin chưa chính xác trong vụ việc gây thiệt hại đáng kể cho lĩnh vực này.

Theo ông Blairo Maggi, cảnh sát nước này đã thổi phồng vụ bê bối thịt bẩn, bởi đây chỉ là lỗi của "tình trạng quan liêu". Bộ trưởng Nông nghiệp Blairo Maggi cũng cho rằng, việc phát hiện đường dây cấp phép cho thịt bẩn lưu hành trên thị trường không đồng nghĩa với việc sản phẩm thịt của quốc gia xuất khẩu số một thế giới kém chất lượng.

Và khẳng định, không có việc thịt bẩn được sử dụng để chế biến các sản phẩm như xúc xích hay các đồ ăn khác, cũng như các hóa chất và phụ liệu gây ung thư.

Đồng thời nhấn mạnh, Chính phủ Brazil đang rà soát hệ thống giết mổ và đông lạnh trên toàn quốc, cũng như hệ thống giám sát trong dây chuyền sản xuất thịt tại nước này.

Bộ trưởng Nông nghiệp Blairo Maggi cũng khẳng định, hệ thống kiểm định vệ sinh thực phẩm Brazil đảm bảo chất lượng sản phẩm thịt xuất khẩu.

Vụ bê bối thịt bẩn có thể gây thiệt hại 1,5 tỷ USD, tương đương 10% kim ngạch xuất khẩu của Brazil.

Tổng thống Michel Temer nhấn mạnh, các sản phẩm thịt của Brazil là tốt nhất thế giới và thịt của nước này không hề kém chất lượng. Trước đó, Bộ trưởng Blairo Maggi đã tới kiểm tra tại cơ sở chế biến gia cầm thuộc JBS SA, một trong những hãng bị réo tên trong vụ bê bối thịt bẩn.

Về phần mình, Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Brazil (Senacom) vừa yêu cầu 3 nhà máy do các công ty sản xuất và chế biến thịt hộp gồm Souza Ramos, Transmeat và Peccin điều hành tại bang Parana, phải thu hồi toàn bộ sản phẩm có liên quan đến vụ bê bối thịt bẩn.

Cơ quan này cũng kêu gọi các công ty, trong đó có hãng sản xuất thịt JBS SA và BRF SA phải báo cáo về cách thức pha tạp chất đối với các sản phẩm thịt, bao gồm việc bơm nước vào thịt bò và gia cầm để tăng trọng lượng.

Quyết định thu hồi sản phẩm là một phần trong nỗ lực của Chính phủ Brazil nhằm giảm bớt các tác động tiêu cực từ vụ bê bối thịt bẩn đối với nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh.

Theo thông báo của Bộ Nông nghiệp Brazil, chỉ có 21 trong tổng số 4.837 nhà máy giết mổ và đông lạnh đang bị điều tra vì lý do "thủ tục hành chính", chứ không phải "chất lượng thịt".

Tuy nhiên, kể từ khi cảnh sát Brazil thông báo kết quả điều tra của họ (18-3), đến nay đã có 22 trong tổng số 150 quốc gia và vùng lãnh thổ quyết định ngừng nhập khẩu thịt của nước này. Chính phủ Canada vừa quyết định đình chỉ nhập khẩu thịt từ 2 nhà sản xuất thịt của Brazil là JBS SA và BRF SA đang bị điều tra sau khi bị cáo buộc đưa hối lộ để xuất khẩu thịt bẩn.

Đây là thông báo của Cơ quan Kiểm tra thực phẩm Canada (CFIA). Cơ quan Giám sát Kinh tế Canada cho biết, không có cách nào xác định chính xác thịt của Brazil có trong các siêu thị Canada hay không.

Hongkong (Trung Quốc) cũng đã thu hồi toàn bộ số thịt gia cầm đông lạnh được nhập từ các nhà máy chế biến của Brazil.

Một nhân viên bán hàng tại một siêu thị ở Rio de Janeiro, Brazil.

Theo số liệu của Brazil, trong năm 2016, Hongkong đã nhập khẩu thịt bò của Brazil trị giá 718 triệu USD và vùng lãnh thổ này là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai đối với toàn bộ thịt của Brazil, sau Trung Quốc đại lục.

Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) đã yêu cầu Brazil chủ động tạm ngừng các hoạt động xuất khẩu thịt tới các nước thành viên EU để tránh việc Brussels phải áp đặt một lệnh cấm. EU là thị trường lớn của Brazil khi nhập khẩu gần 110.000 tấn trong năm 2016.

Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nam Phi (DAFF) đã đề nghị cơ quan chức năng Brazil cấm tất cả việc xuất khẩu sản phẩm thịt từ các cơ sở chế biến không đảm bảo chất lượng cho đến khi vấn đề được giải quyết và đáp ứng tiêu chuẩn của Cơ quan kiểm dịch Nam Phi.

Theo tờ Folha de Sao Paulo, Brazil đã mất nhiều năm mới tạo được sự tin cậy của thế giới trong lĩnh vực thịt gia súc và gia cầm, nhưng vụ bê bối liên quan tới một số cán bộ biến chất đã làm tan biến tất cả.

Theo hãng Bloomberg, lượng thịt xuất khẩu của Brazil đã giảm mạnh sau vụ bê bối thịt bẩn khiến nhiều nước ban bố lệnh cấm nhập khẩu hoặc kiểm soát chặt với sản phẩm thịt đến từ quốc gia này.

Chính phủ Brazil đã phải nhờ tới sự hỗ trợ của WTO để giúp giải cứu ngành chế biến và xuất khẩu thịt trong bối cảnh vụ bê bối thịt bẩn đang gây thiệt hại nặng.

Bộ trưởng Nông nghiệp Blairo Maggi vừa thừa nhận, vụ bê bối thịt bẩn có thể gây thiệt hại tới 1,5 tỷ USD, tương đương 10% kim ngạch xuất khẩu của ngành này.

Khắc Tuấn
.
.
.