Brazil:

Cáo buộc mới đối với Tập đoàn xây dựng Odebrecht

Chủ Nhật, 30/04/2017, 22:14
Việc cựu Bộ trưởng Điện lực Ecuador Alecksey Mosquera vừa bị tạm giữ trong vòng 90 ngày để chờ xét xử vì liên quan đến cáo buộc nhận hối lộ của Tập đoàn xây dựng Brazil Odebrecht càng khiến cho những bê bối tại Odebrecht được quan tâm hơn.

Bởi việc bắt giữ ông Alecksey Mosquera (làm Bộ trưởng Điện lực trong giai đoạn 2007-2009, dưới thời Tổng thống sắp mãn nhiệm Rafael Correa) hôm 22-4 nằm trong khuôn khổ cuộc điều tra vụ hối lộ 33,5 triệu USD mà Ban lãnh đạo Odebrecht khai báo đã đưa cho các quan chức Ecuador.

Cơ quan điều tra đã phát hiện 924.000 USD được cho là do Odebrecht gửi vào tài khoản ngân hàng của ông Alecksey Mosquera để đổi lấy hợp đồng xây dựng đập thủy điện Toachi Pilaton 10 năm trước (2007-2017). Ngoài ông Alecksey Mosquera, doanh nhân Marcelo cũng đang bị quản thúc tại gia vì liên quan tới vụ bê bối kể trên và tài sản của 2 người này đã bị đóng băng.

Cựu Chủ tịch Odebrecht Marcelo Odebrecht.

Trong khi đó, Tổng Chưởng lý Cộng hòa Dominica Jean Rodriguez coi phán quyết của Thẩm phán Danilo Quevedo là một bước tiến quan trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng. Bởi nước này vừa ấn định mức phạt 184 triệu USD đối với Odebrecht.

Và ngày 19-5, Odebrecht sẽ phải nộp cho cơ quan chức năng Dominicana danh sách các quan chức từng nhận hối lộ. Đây là thỏa thuận đầu tiên trong khoảng 10 thỏa thuận pháp lý Odebrecht đang đàm phán với chính phủ các nước Mỹ Latinh và châu Phi sau khi vụ bê bối hối lộ của tập đoàn này bị phanh phui.

Cùng thời gian này, Thẩm phán thành phố New York, Mỹ, Raymond Dearie cũng ra phán quyết, giảm mức tiền phạt Odebrecht từ 4,5 tỷ USD xuống còn 2,6 tỷ USD (2,39 tỷ USD cho Brazil, 116 triệu USD cho Thụy Sĩ và 93 triệu USD cho Mỹ).

Việc này diễn ra sau khi Chính phủ Mỹ chấp nhận yêu cầu của Odebrecht xin hạ mức phạt vì hành vi hối lộ. Odebrecht có nghĩa vụ trả tiền phạt cho Mỹ trước ngày 30-6 và cho Brazil trước năm 2021.

Cũng theo điều tra của Mỹ, Odebrecht đã hối lộ 599 triệu USD ở Brazil, 98 triệu USD ở Venezuela, 92 triệu USD ở Cộng hòa Dominica, 59 triệu USD ở Panama và 50 triệu USD ở Angola.

Về phần mình, Tổng thống Brazil Michel Temer vừa cam kết, không để vụ bê bối tham nhũng tại Odebrecht làm tê liệt đất nước. Ông Michel Temer cũng bác bỏ cáo buộc nhận 40 triệu USD từ Odebrecht. Đồng thời ủng hộ Thẩm phán Sergio Moro, người đứng đầu cuộc điều tra quy mô lớn liên quan tới Odebrecht và Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras.

Tuyên bố của Tổng thống Michel Temer được đưa ra sau khi đại diện của Công đảng yêu cầu Ủy ban đạo đức bãi nhiệm 8 thành viên nội các vì bị Tòa án tối cao điều tra về cáo buộc tham nhũng có hệ thống, rửa tiền và gian lận tài chính ở Odebrecht.

Công đảng cho rằng, 8 người kể trên đã vi phạm đạo đức nhân viên nhà nước và làm hỏng hệ thống hành chính công. Trong số 8 bộ trưởng bị điều tra có Chánh văn phòng nội các Eliseu Padilha, Tổng Thư ký Wellington Moreira Franco và Ngoại trưởng Aloysio Nunes.

Tư lệnh quân đội Brazil, Tướng Eduardo Dias da Costa Villas tuyên bố, nước này đang trải qua "cuộc khủng hoảng đạo đức trầm trọng" khi nhiều chính trị gia có liên quan tới tham nhũng. Theo kết quả thăm dò dư luận, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Michel Temer giảm còn 10%, trong khi tỷ lệ phản đối lên tới 55%.

Cựu Bộ trưởng Điện lực Ecuador Alecksey Mosquera

Cựu Chủ tịch Odebrecht Marcelo Odebrecht cho rằng, 75% chiến dịch tranh cử ở Brazil đã sử dụng nguồn tài trợ bất hợp pháp và số tiền này không được khai báo. Theo lời khai của ông Marcelo Odebrecht với Thẩm phán Sergio Moro, cựu Bộ trưởng Nội vụ Antonio Palocci là trung gian nhận hối lộ từ Odebrecht để chuyển cho các quan chức Chính phủ.

Và theo thỏa thuận “đổi lời khai lấy giảm án”, ông Marcelo Odebrecht có thể được phóng thích vào cuối năm 2017, và 4 năm tù còn lại chấp hành theo hình thức quản thúc tại gia. Hồ sơ lời khai của các cựu lãnh đạo Odebrecht không được niêm phong do có liên quan đến công tác điều tra vụ bê bối tham nhũng tại Petrobras.

Odebrecht được ông Norberto Odebrecht thành lập năm 1944 và từ đầu thập niên 1970 của thế kỷ trước, bắt đầu mối quan hệ dẫn đến vụ bê bối hối lộ và đang đứng trước nguy cơ phá sản.

Trang tin G1 của Tập đoàn truyền thông Globo và tờ Estado de S. Paulo vừa công bố một bảng tính do một cựu giám đốc Odebrecht nộp cho các nhà điều tra. Theo đó, Odebrecht đã chi 730 triệu USD/năm để lấy những hợp đồng béo bở xây dựng công trình công cộng. Odebrecht đã lập bộ phận đặc biệt để hối lộ chính trị gia và quan chức Chính phủ tổng cộng 3,3 tỷ USD trong 9 năm. Sau khi Công tố liên bang mở chiến dịch Lava Jato năm 2014, Odebrecht mới dừng việc hối lộ kể trên. Còn theo lời khai mới đây của cựu Giám đốc Odebrecht Hilberto Mascarenhas, tập đoàn này đã hối lộ quan chức và chính trị gia trong giai đoạn 2006-2014 với khoản tiền lên đến 3,37 tỷ USD, gấp 4 lần số tiền do cơ quan tư pháp Mỹ đưa ra hồi đầu năm nay.
Mạnh Phong
.
.
.