Brazil:

Chuẩn bị luận tội Tổng thống Dilma Rousseff?

Thứ Tư, 23/12/2015, 13:01
Ngày 17-12, Tổng Chưởng lý Rodrigo Janot đã đề nghị Tòa án Tối cao phế truất Chủ tịch Hạ viện Eduardo Cunha do cáo buộc liên quan tới vụ tham nhũng quy mô lớn tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrobras. Đồng thời nhấn mạnh, việc phế truất ông Eduardo Cunha là cần thiết bởi Chủ tịch Hạ viện là nguyên nhân gây nên tình trạng bất ổn chính trị hiện nay ở Brazil. 

Trong văn bản dài 183 trang, ông Rodrigo Janot đã đưa ra 11 lý do liên quan tới đề nghị bãi nhiệm ghế nghị sỹ, cũng như chức Chủ tịch Hạ viện của ông Eduardo Cunha sau khi Ủy ban Đạo đức thuộc cơ quan lập pháp này quyết định khởi động tiến trình phế truất đối với người được coi là “kiến trúc sư” của chiến dịch chống lại Tổng thống và cũng là người giám sát cuộc họp thành lập Ủy ban luận tội bà Dilma Rousseff.

Tổng thống Brazil Dilma Rousseff và Phó Tổng thống Michel Temer.

Theo trang mạng Congressoem Foco cho biết, 1/3 số thành viên được bầu vào Ủy ban luận tội Tổng thống đang phải đối mặt với các cuộc điều tra hoặc xét xử. Hơn 2 tháng trước (1-10), khoảng 30 nghị sỹ từng yêu cầu Chủ tịch Hạ viện từ chức và Tổng Chưởng lý Rodrigo Janot đã phê chuẩn sau khi phát hiện 5 tài khoản của ông Eduardo Cunha và người thân tại ngân hàng Thụy Sĩ có khoảng 5 triệu USD. 

Và gần 1 tháng trước (30-11), Viện Kiểm sát đã kiến nghị với Tòa án Tối cao điều tra Chủ tịch Thượng viện Renan Calheiros bởi bị tình nghi có liên quan tới vụ tham nhũng tại Petrobras.

Ngày 10-12, tại thủ đô Brasilia, Tổng thống và Phó Tổng thống đã thỏa thuận giữ quan hệ “tốt nhất có thể” sau căng thẳng từ bức thư của ông Michel Temer, trong đó chỉ trích nặng nề bà Dilma Rousseff. Nội dung của cuộc nói chuyện giữa nữ Tổng thống với Phó Tổng thống Michel Temer kéo dài gần 1 giờ đồng hồ tại Phủ Tổng thống không được tiết lộ. Và động thái này diễn ra trong bối cảnh bà Dilma Rousseff đang phải đối diện với nguy cơ bị Quốc hội luận tội.

Giới truyền thông Brazil cho rằng, chính giới Brazil đang bị chia rẽ xung quanh việc xét xử nữ Tổng thống và đã có rạn nứt trong quan hệ giữa Công Đảng cầm quyền (PT) với Đảng Phong trào Dân chủ (PMDB), chính đảng lớn nhất Brazil và là liên minh trong thành phần chính phủ hiện nay. Bởi nếu bà Dilma Rousseff bị Quốc hội phế truất, ông Michel Temer sẽ là người điều hành đất nước tới hết nhiệm kỳ vào năm 2018.

Ngày 9-12, PMDB đã bãi nhiệm người đứng đầu PMDB tại Hạ viện là ông Leonardo Picciani. Và ông Leonardo Quintero đã được bổ nhiệm vào vị trí của ông Leonardo Picciani. Bởi ông Leonardo Picciani đã cản trở phần lớn Hạ nghị sỹ của PMDB đồng ý tiến hành xét xử Tổng thống Dilma Rousseff. Quyết định của PMDB được đưa ra sau khi Tòa án Tối cao đình chỉ Ủy ban đặc biệt của Quốc hội có nhiệm vụ xem xét tiến trình luận tội Tổng thống Dilma Rousseff về trách nhiệm của bà có liên quan tới kết quả kiểm toán chi tiêu năm 2014.

Bà Dilma Rousseff và ông Lula da Silva.

Trước đó (7-12), Quốc hội đã triệu tập Ủy ban luận tội Tổng thống gồm 65 Hạ nghị sỹ, đại diện cho 29 chính đảng. Ngày 18-12, phát biểu tại buổi họp báo sau khi được Tổng thống Dilma Rousseff bổ nhiệm, tân Bộ trưởng Kinh tế Nelson Barbosa cam kết nỗ lực để bình ổn tình hình tài chính, giảm lạm phát và đưa đất nước thoát khỏi suy thoái. 

Ông Nelson Barbosa được bổ nhiệm chỉ vài giờ sau khi người tiền nhiệm Joaquim Levy từ chức trong bối cảnh nền kinh tế Brazil suy giảm 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm mạnh nhất trong 19 năm qua.

Ngày 4-12, khi phát biểu tại Hội nghị Y tế toàn quốc ở thủ đô Brasilia, Tổng thống Dilma Rousseff đã tố cáo việc mở phiên tòa chính trị xét xử trách nhiệm chống lại bà là một “cuộc đảo chính”. Chủ tịch Công đảng cầm quyền Rui Falcoa cũng coi việc đồng ý xét xử Tổng thống Dilma Rousseff là hành động “đảo chính”.

Trước đó (2-12), Chủ tịch Hạ viện Eduardo Cunha đã đồng ý yêu cầu (do một số luật sư và 4 đảng đối lập đưa ra) xét xử trách nhiệm chính trị của Tổng thống Dilma Rousseff bởi bà bị cáo buộc có liên quan tới kết quả kiểm toán chi tiêu năm 2014. 

Tòa Kiểm toán chi tiêu liên bang (TCU) từng không thông qua các khoản chi tiêu tài chính công của chính phủ năm 2014, bất chấp sự phản đối của bà Dilma Rousseff. Theo TCU, chính phủ của bà Dilma Rousseff đã vi phạm số tiền hơn 28,2 tỷ USD, và phe đối lập đang lợi dụng triệt để vấn đề này để ép Tổng thống từ chức.

Theo con số thống kê mới nhất, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Dilma Rousseff hiện ở mức 9%, giảm so với mức 10% trước đó. Ngày 10-12, cựu Tổng thống Lula da Silva để ngỏ khả năng tranh cử vào năm 2018, nhằm tiếp tục theo đuổi những chính sách mà người dân là trọng tâm và không bị gạt ra lề xã hội. Đồng thời coi việc Tổng thống Dilma Rousseff đang đứng trước nguy cơ bị phế truất, là sự “trả thù”, là “một cuộc đảo chính"; và đề nghị đưa bà ra xét xử tại Quốc hội vì tội thiếu trách nhiệm là không có cơ sở pháp lý.

Thiện Lân
.
.
.