Brazil:

Lại một đường dây tham nhũng lớn bị phát giác

Thứ Năm, 07/07/2016, 08:04
Chính trường Brazil lại rúng động sau khi cảnh sát nước này cho biết, họ vừa phát giác một đường dây tham nhũng, "rút ruột" Bộ Văn hóa với số tiền khoảng 53 triệu USD.


Theo ông Rodrigo de Campos Costa, quan chức của Lực lượng chống tội phạm có tổ chức, 14 đối tượng vừa bị bắt vì đã lạm dụng kẽ hở của một đạo luật liên quan đến tăng cường chi tiêu cho các hoạt động văn hóa, khi sử dụng ngân sách cấp cho các hoạt động quảng bá văn hóa để chi tiêu cho đảng phái và những đám cưới xa hoa. 

"Đây là những hành vi vi phạm trắng trợn luật pháp", ông Rodrigo de Campos Costa nhấn mạnh với báo chí khi được phỏng vấn hôm 28-6. Theo giới truyền thông, năm 1991, Brazil ban hành "Luật Rouanet", cho phép các công ty sử dụng ngân sách hỗ trợ hoạt động văn hóa sẽ được miễn thuế. Và những nghi can kể trên đã sử dụng sai mục đích nguồn ngân sách vốn được dùng để hỗ trợ cho các dự án văn hóa.

Cùng ngày 28-6, nữ Tổng thống đang bị đình chỉ của Brazil (từ 12-5) đã khẳng định, những bằng chứng được sử dụng để đưa bà ra xét xử tại phiên tòa chính trị ở quốc hội thời gian vừa qua là vô căn cứ. Đây là tuyên bố đầu tiên của bà Dilma Rousseff sau khoảng 1,5 tháng bị đình chỉ chức vụ.

Và tuyên bố này được nữ Tổng thống đưa ra sau khi Thượng viện thông báo kết quả điều tra (27-6) do các chuyên gia tiến hành. Và căn cứ theo báo cáo dài 223 của các chuyên gia, Thượng viện phải tuyên bố, không có bằng chứng về việc nữ Tổng thống có liên quan tới cáo buộc vi phạm tài chính.

Bởi tuy là người đã ký một số sắc lệnh liên quan tới việc vay tiền của các ngân hàng nhà nước mà không được Quốc hội thông qua, nhưng bà Dilma Rousseff không liên quan tới việc chậm chễ trong thanh toán các khoản vay tín dụng như cáo buộc của phe đối lập - lý do khiến nữ Tổng thống đầu tiên của Brazil bị đình chỉ chức vụ.

Bà Dilma Rousseff đang bị đình chỉ chức vụ.

Trong khi Công đảng của bà Dilma Rousseff đánh giá cao báo cáo điều tra của Thượng viện, thì đảng Phong trào dân chủ Brazil (PMDB) cầm quyền của Tổng thống lâm thời Michel Temer và đảng Xã hội dân chủ Brazil (PSDB) lại cho rằng, phiên tòa xét xử bà Dilma Rousseff mang tính "chính trị", không phải căn cứ vào tính "pháp lý".

Giới bình luận coi cuộc trả lời phỏng vấn với tờ L'Express của bà Dilma Rousseff là sự bắn tin về khả năng trở lại nắm quyền của nữ Tổng thống. Bởi trong tuyên bố với tờ L'Express hôm 30-6, bà Dilma Rousseff khẳng định, cựu Tổng thống Lula da Silva sẽ ra tranh cử tổng thống năm 2018.

Bởi bất chấp nỗ lực của phe chống đối, ông Lula da Silva vẫn được nhiều cử tri tín nhiệm, yêu mến và cựu Tổng thống (2003-2010) cùng bà Dilma Rousseff đều là người của Công đảng. Cùng ngày 30-6, trả lời phóng viên tại thủ đô Brasilia, Chủ tịch Thượng viện Renan Calheiros (người chịu trách nhiệm vụ xét xử bãi nhiệm bà Dilma Rousseff) cho biết, cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ở Thượng viện lần cuối về việc bãi nhiệm nữ Tổng thống sẽ diễn ra trong khoảng 25 hoặc 27-8 (sau Thế vận hội Olympic 2016).

Theo giới truyền thông, thượng tuần tháng 8, Thượng viện sẽ nhóm họp để bỏ phiếu thông qua báo cáo điều tra kể trên. Và nếu 41/81 Thượng nghị sỹ vẫn bỏ phiếu đồng ý tiếp tục quá trình xét xử Tổng thống thì từ 25 đến 27-8, Thượng viện lại họp phiên toàn thể. Và nếu 54 nghị sỹ (2/3 số ghế) vẫn bỏ phiếu chống lại nữ Tổng thống thì bà Dilma Rousseff sẽ chính thức bị phế truất, Tổng thống lâm thời Michel Temer sẽ cầm quyền đến hết tháng 12-2018. Nếu ngược lại, bà Dilma Rousseff sẽ tái xuất chính trường.

Giới truyền thông cho rằng, cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay được coi là tồi tệ nhất trong lịch sử Brazil và nền kinh tế nước này đang phải trải qua thời kỳ suy thoái lớn nhất kể từ thập niên 1930 của thế kỷ trước. Và mọi việc đều xuất phát từ vụ bê bối tham nhũng tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrobras.

Theo kết quả thăm dò dư luận do Viện Điều tra Ipsos của Brazil công bố hôm 27-6, mặc dù mới nắm quyền được hơn 6 tuần, nhưng tỷ lệ phản đối ông Michel Temer đã tăng tới 9% - từ mức 61% lên 70%. Những người phản đối cho rằng, tân chính phủ không xử lý tốt nhiều vấn đề, trong đó có giải quyết việc làm, nhà ở cho người nghèo, khủng hoảng chính trị, tham nhũng và lạm phát.

Hiện đã có 3 bộ trưởng buộc phải từ chức vì bị tình nghi liên quan tới tham nhũng, bản thân Tổng thống lâm thời MichelTemer cũng bị tố cáo đã nhận tiền của Petrobras trong chiến dịch tranh cử năm 2014. Mấy hôm trước, hàng trăm nghìn người tại 23/27 bang ở Brazil đã đồng loạt xuống đường tuần hành, phản đối chính phủ của Tổng thống lâm thời Michel Temer, đồng thời kêu gọi ông từ chức.

Tuệ Sỹ
.
.
.