Brazil: Quân đội đứng về phía Tổng thống?

Thứ Tư, 30/03/2016, 15:12
Tuyên bố mới đây của Tư lệnh quân đội, Tướng Eduardo Vilas Boas được coi là sự ủng hộ của quân đội đối với Tổng thống Dilma Rousseff: "Các lực lượng vũ trang Brazil sẽ hành động dưới quyền của Tổng thống". 


Tướng Eduardo Vilas Boas đưa ra tuyên bố kể trên sau khi Tổng thống Dilma Rousseff cho rằng, những âm mưu nhằm lật đổ bà hiện không khác gì một cuộc đảo chính. Và nhiều người biểu tình cũng từng kêu gọi quân đội can thiệp để giải quyết những bất ổn trên chính trường hiện nay.

Tư lệnh Eduardo Vilas Boas đã trích dẫn một phần của Hiến pháp Brazil để khẳng định cho tuyên bố của mình, đồng thời nhấn mạnh, quân đội sẽ tiếp tục góp phần vào quá trình duy trì ổn định đất nước, trong bối cảnh đang xảy ra cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia Nam Mỹ này.

Tổng thống Brazil Dilma Rousseff và người tiền nhiệm Lula da Silva.

Trước đó (23-3), Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng bày tỏ mong muốn Brazil giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay một cách nhanh chóng, đồng thời khẳng định khu vực và thế giới cần "một Brazil vững mạnh và hiệu quả". Tổng thống Argentina Mauricio Macri cũng tin tưởng, Brazil sẽ sớm khôi phục sau cuộc khủng hoảng hiện nay bởi những gì diễn ra tại Brazil sẽ ảnh hưởng tới Argentina.

Ngày 24-3, Tổng thống Dilma Rouseff đã lên án phe đối lập áp dụng "các biện pháp phátxít" âm mưu hạ bệ bà và cho rằng, cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay sẽ để lại một "vết sẹo" nếu không được giải quyết một cách dân chủ. Đồng thời tố cáo việc bà bị ép phải từ bỏ quyền lực vì các đối thủ muốn tránh khỏi những khó khăn, những việc không chính đáng, bất hợp pháp và phạm tội trong việc phế truất một tổng thống được bầu hợp pháp.

Tổng thống Dilma Rousseff cũng khẳng định, bất kỳ nỗ lực nào nhằm phế truất bà mà không có cơ sở pháp lý đều là đảo chính. Ngoài ra, bà Dilma Rousseff còn lên án phe đối lập đứng sau các hoạt động chống lại những thay đổi xã hội tại Brazil trong suốt 13 năm phe cánh tả cầm quyền.

Tổng thống Dilma Rousseff cũng chỉ trích gay gắt việc Thẩm phán Sergio Moro cho phép ghi âm cuộc nói chuyện giữa bà và cựu Tổng thống Lula da Silva, đồng thời tố cáo hành động vi phạm quyền riêng tư đã phá vỡ nền dân chủ, vi phạm các quyền công dân và đời sống cá nhân.

Bà Dilma Rousseff đưa ra tuyên bố kể trên sau khi Tòa án Tối cao liên bang quyết định (22-3) loại Thẩm phán Sergio Moro, người thụ lý vụ án tham nhũng tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrobras khỏi quá trình điều tra, chuyển vụ việc cho cơ quan này giải quyết.

Thẩm phán Teori Zavascki, người thụ lý vụ này tại Tòa án Tối cao liên bang đã chấp thuận đơn kiện của chính phủ về việc Thẩm phán Sergio Moro cho phép báo chí đăng tải thông tin các cuộc nói chuyện điện thoại giữa Tổng thống Dilma Rousseff và cựu Tổng thống Lula da Silva. Luật sư của ông Lula da Silva từng cảnh báo, nếu trong những đoạn ghi âm mà Thẩm phán Sergio Moro nhắc tới được công bố, nó sẽ gây ra hiệu ứng xã hội không mong muốn.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng chính trị ở Brazil vẫn tiếp tục leo thang khi các cáo buộc Tổng thống Dilma Rouseff và cựu Tổng thống Lula da Silva có liên quan tới vụ tham nhũng tại Petrobras không ngừng được đưa ra.

Ngày 23-3, cảnh sát Brazil công bố tài liệu thu được sau khi khám xét trụ sở chính của Tập đoàn cơ khí và xây dựng lớn nhất Mỹ Latinh Odbrecht SA, trong đó có một danh sách 200 chính trị gia thuộc 18 đảng. Và cảnh sát nghi ngờ đây là danh sách những người từng nhận hối lộ của Odbrecht SA.

Trước đó (22-3), cảnh sát đã bắt 14 lãnh đạo của Odebrecht SA để phục vụ công tác điều tra xung quanh vụ tham nhũng tại Petrobras. Các công tố viên đã buộc tội Odebrecht SA hối lộ Petrobras để có các hợp đồng trị giá hàng chục triệu USD. Và cảnh sát cũng đã tìm thấy bằng chứng về việc Odebrecht SA sử dụng "phân chia cấu trúc" để phối hợp thanh toán các khoản hối lộ một cách có hệ thống.

Cùng thời gian kể trên, cựu Chủ tịch Odbrecht SA Marcelo Odebrecht, người vừa bị tuyên mức án 19 năm 4 tháng tù giam vì tội tham nhũng, rửa tiền và thành lập băng đảng, có ý định tiết lộ chi tiết về các khoản hối lộ của tập đoàn này.

Khoảng 20 ngày trước (8-3), Thẩm phán Sergio Moro đã đưa ra mức án kể trên. Đoàn luật sư bào chữa của ông Marcelo Odebrecht coi mức án này là "không công bằng và là một sai lầm pháp lý nghiêm trọng", và đã làm đơn kháng án. Và tuyên bố của cựu Chủ tịch Marcelo Odebrecht được giới truyền thông đăng tải hôm 23-3 đang gây chấn động chính trường Brazil bởi Odbrecht SA là một trong những nhà tài trợ lớn nhất cho các chiến dịch tranh cử ở Brazil - từng quyên góp một khoản tiền lớn cho chiến dịch tranh cử của Tổng thống Dilma Rousseff.

Hơn nữa, trước đây ông Marcelo Odebrecht luôn từ chối khai báo, nhưng sau một thời gian suy nghĩ, cùng tác động của gia đình nên đã đưa ra quyết định kể trên để đổi lấy những lợi ích tư pháp.

Thiện Lân
.
.
.