Brazil:

Tranh cãi về bản án 9,5 năm tù của cựu Tổng thống Lula da Silva

Thứ Hai, 24/07/2017, 07:49
Nếu bị tòa phúc thẩm phán y án sơ thẩm thì cựu Tổng thống Lula da Silva sẽ phải bóc lịch trong tù, không thể tái tranh cử. Ngoài bản án 9 năm 6 tháng tù giam về tội tham nhũng và lạm quyền do tòa sơ thẩm đưa ra hôm 12-7, cựu Tổng thống Lula da Silva còn là bị cáo trong 5 vụ án khác.


Theo cáo trạng, ông Lula da Silva đã nhận 1 căn hộ và 1 mảnh đất ở thành phố Sao Paulo của tập đoàn xây dựng OAS. Theo giới truyền thông, các công tố viên cũng đã điều tra về khoản tiền trị giá hàng triệu USD được OAS và các công ty khác tặng cho Viện Lula của cựu Tổng thống - nghi Viện Lula là "kênh nhận tiền trái phép từ Petrobras".

Tờ The Wall Street Journal từng đưa tin, ông Lula da Silva và cựu Đệ nhất phu nhân Marisa Leticia bị nghi không khai báo với cơ quan thuế về một căn hộ sang trọng thuộc sở hữu của họ. Bởi trên giấy tờ, căn hộ thuộc về OAS, nhưng theo công tố viên Jose Carlos Blat, họ có bằng chứng nó thuộc về cựu Tổng thống Lula da Silva.

Cựu Tổng thống Brazil Lula da Silva.

Cùng ngày 12-7, Công đảng đã bác bỏ bản án do Tòa sơ thẩm tuyên đối với ông Lula da Silva và đây là hành vi "đàn áp chính trị" hòng ngăn cản cựu Tổng thống tái tranh cử. Ông Lula da Silva hiện là ứng cử viên sáng giá cho chức Tổng thống Brazil trong cuộc bầu cử năm 2018 - luôn dẫn đầu tỷ lệ ủng hộ trong các cuộc thăm dò gần đây.

Công đảng cho rằng, hình phạt của Thẩm phán Sergio Moro, người thụ lý điều tra vụ bê bối tham nhũng tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrobras, đối với cựu Tổng thống Lula da Silva là một đòn giáng vào nền dân chủ và Hiến pháp. Và nhấn mạnh, sẽ bảo vệ cựu Tổng thống bởi ông Lula da Silva vô tội, đồng thời kêu gọi người ủng hộ xuống đường phản đối quyết định của Thẩm phán Sergio Moro.

Chủ tịch Gleisi Hoffmann cùng đông đảo lãnh đạo và các thành viên Công đảng đều bày tỏ tình đoàn kết với ông Lula da Silva. Cựu Tổng thống Dilma Rousseff coi quyết định của Thẩm phán Sergio Moro là sự nhạo báng và là nỗi hổ thẹn đối với Brazil, đồng thời khẳng định ông Lula da Silva vô tội.

Liên đoàn các chính đảng Mỹ Latinh và Caribe cho rằng, quyết định của Tòa án Brazil chống lại ông Lula da Silva là chiến lược của phe bảo thủ khu vực, hòng ngăn cản các chính trị gia tiến bộ trở lại cầm quyền.

Về phần mình, ngày 13-7, cựu Tổng thống Lula da Silva tố cáo bản án chống lại ông mang động cơ chính trị, và yêu cầu cơ quan pháp luật đưa ra bằng chứng làm cơ sở để kết tội. Đồng thời chỉ trích 300 trang của bản cáo trạng không có bất cứ bằng chứng cụ thể nào về hành vi tham nhũng chống lại ông.

Nhóm luật sư bào chữa cho ông Lula da Silva tuyên bố, sẽ kháng cáo lên Tòa án tối cao và Liên hợp quốc. Gần 9 tháng trước (26-10-2016), ông Cristiano Zanin Martins, luật sư của cựu Tổng thống cho biết, Cao ủy nhân quyền Liên hợp quốc đã ra văn bản thông qua đơn kiện của ông Lula da Silva, người sáng lập Công đảng ở Brazil.

Bởi theo luật sư Cristiano Zanin Martins, từ tháng 3-2016, ông Lula da Silva liên tục bị đàn áp với những cáo buộc tham nhũng, nhưng không có chứng cứ cụ thể, không có cơ sở pháp lý về vấn đề này. Nhưng thẩm phán Teori Zavascki đã quyết định đưa ông Lula da Silva vào danh sách những chính trị gia bị tình nghi tham nhũng tại Petrobras.

Hơn 1 năm trước (tối 10-3-2016), Tòa án Sao Paulo từng ra lệnh tạm giam cựu Tổng thống Lula da Silva, người sáng lập Công đảng. Theo quyết định tạm giam cựu Tổng thống, Tòa án Sao Paulo cho rằng, ông Lula da Silva có liên quan tới hoạt động rửa tiền, che giấu tài sản và làm giả giấy tờ.

Vì là con gái Bộ trưởng Y tế Ricardo Barros, nên cô dâu Maria Victoria Barros, ủy viên Hội đồng bang Parana, và quan khách dự đám cưới hôm 16-7 đã bị hàng trăm người quá khích tấn công bằng "bom trứng". Bố con Bộ trưởng Y tế Ricardo Barros phải dùng xe chống đạn dưới sự bảo vệ của lực lượng chống bạo động mới rời khỏi nhà thờ an toàn.

Người biểu tình tấn công lễ cưới vì cho rằng gia đình nhà Barros là "cận thần" của Tổng thống Michel Temer, người đang bị cáo buộc với nhiều tội danh, trong đó có tham nhũng. Gần 10 ngày trước (13-7), Ủy ban Hiến pháp và Tư pháp Hạ viện đã bác bỏ yêu cầu khởi tố của Viện kiểm sát đối với Tổng thống Michel Temer.

Việc này diễn ra sau khi 40 nghị sỹ bác bỏ kết luận của nghị sỹ Sergio Zveiter (chỉ có 25 nghị sỹ ủng hộ), người được chỉ định thụ lý vụ án tham nhũng của ông Michel Temer. Chủ tịch Hạ viện Rodrigo Maia thông báo, Hạ viện sẽ họp phiên toàn thể vào ngày 2-8 để bỏ phiếu về các cáo buộc tham nhũng chống lại Tổng thống Michel Temer. Nếu 2/3 trong tổng số 513 nghị sỹ thông qua đề nghị khởi tố, vụ án của ông Michel Temer sẽ được chuyển tới Tòa án Tối cao.

Tuệ Sỹ
.
.
.