Bulgaria: Điều tra người đứng đầu Ủy ban Chống tham nhũng

Thứ Tư, 10/04/2019, 21:46
Quyết định điều tra đối với người đứng đầu Ủy ban Chống tham nhũng cấp cao Plamen Georgiev đang gây phản ứng khác nhau.


Bởi cùng ngày, Trưởng Công tố tối cao Sotir Tsatsarov ra quyết định kể trên, Thủ tướng Boyko Borisov đã kêu gọi những người có tên trong cuộc điều tra "nên từ chức hoặc tạm nghỉ việc để chờ kết quả thanh tra". 

Theo giới truyền thông, cuộc điều tra được tiến hành sau khi trang mạng bivol.bg đưa tin về việc có nhiều điều không thống nhất giữa khai báo bất động sản và thu nhập chính thức của ông Plamen Georgiev. 

Theo thông tin trên trang mạng bivol.bg, 1 căn hộ 3 tầng hạng sang ở thủ đô Sofia đã được ông Plamen Georgiev mua năm 2017 với giá thấp hơn giá thị trường. Dư luận cho rằng, vì ông Plamen Georgiev là người đứng đầu Ủy ban Chống tham nhũng cấp cao nên mới mua được căn hộ hạng sang ở thủ đô Sofia với giá hời. 

Được biết, Ủy ban Chống tham nhũng cấp cao do ông Plamen Georgiev lãnh đạo chỉ chịu sự quản lý của Quốc hội, và độc lập với chính phủ. Và là người đứng đầu Ủy ban điều tra tham nhũng nên ông Plamen Georgiev luôn được giao nhiệm vụ kiểm tra những bất thường giữa thu nhập chính thức và bất động sản của các công chức và chính trị gia. Do đó, vụ bê bối của người đứng đầu Ủy ban chống tham nhũng cấp cao đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Người đứng đầu Ủy ban Chống tham nhũng cấp cao Plamen Georgiev.

Giới truyền thông cho biết, trong quyết định hôm 4-4, Trưởng Công tố tối cao Sotir Tsatsarov thông báo, đã ra lệnh mở thêm nhiều cuộc điều tra mới trong khuôn khổ vụ bê bối "Apartment Gate" về mua bán bất động sản với giá ưu đãi từng khiến một số chính trị gia cao cấp phải từ chức. 

Ông Plamen Georgiev là 1 trong 3 người có tên trong quyết định điều tra vì bị cáo buộc khai báo không trung thực về việc cùng vợ đã mua 1 căn hộ hạng sang ở thủ đô Sofia. 

Ngay sau khi nhận quyết định, ông Plamen Georgiev đã đồng ý tạm nghỉ việc cùng tuyên bố, sẽ hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra. Nhưng người đứng đầu Ủy ban chống tham nhũng cấp cao tuyên bố, không làm gì sai trái và cho rằng đã bị vu khống.Hai người còn lại là con trai của Giám đốc Cơ quan Điều tra quốc gia Borislav Sarafov, và vợ của Chủ tịch Tòa án tối cao Lozan Panov. 

Theo giới truyền thông, quyết định điều tra đối với người đứng đầu Ủy ban chống tham nhũng cấp cao Plamen Georgiev diễn ra trong bối cảnh uy tín của Thủ tướng Boyko Borisov và chính phủ của ông bị giảm xuống còn 13% - theo kết quả thăm dò mới nhất của Trung tâm nghiên cứu Alpha Research. 

Trong khi đó, cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) đang đến gần (diễn ra vào cuối tháng 5), nhưng đảng GERB của Thủ tướng Boyko Borisov chỉ nhận được 33,9% sự ủng hộ, trong khi đảng Xã hội (BSP) đối lập chính ở Bulgaria nhận được 33,4%.Uy tín của đảng GERB và Thủ tướng Boyko Borisov bị suy giảm sau những bê bối về bất động sản bị "lộ sáng".

Được biết, những bê bối tương tự như của người đứng đầu Ủy ban chống tham nhũng cấp cao Plamen Georgiev cũng từng bị trang mạng bivol.bg đưa tin. Điển hình là các thương vụ bất động sản sang trọng được bán với giá thấp hơn giá thị trường đã dẫn tới việc Bộ trưởng Tư pháp cùng 2 Thứ trưởng từ chức, còn Phó Chủ tịch đảng GERB cầm quyền Tsvetan Tsvetanov phải rời khỏi Quốc hội. Tuy cả 4 chính trị gia kể trên đều khẳng định họ không làm gì sai, nhưng vụ bê bối đó đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của Thủ tướng Boyko Borisov. 

Tỷ lệ ủng hộ nội các của Thủ tướng Boyko Borisov giảm mạnh khi có tới 67% người được hỏi cho rằng, vụ bê bối kể trên là bằng chứng cho thấy có sự lạm dụng quyền lực và 57% người cho rằng chẳng ai chống tham nhũng cả!

Người dân Bulgaria với các khẩu ngữ và cờ tổ quốc biểu tình ở thủ đô Sofia.

Gần 2 năm trước (4-8-2017), Bulgaria thành lập tòa án đặc biệt để xét xử các vụ tham nhũng cấp cao, liên quan đến bộ trưởng, nghị sỹ và thị trưởng. Và đây là một phần trong kế hoạch sửa đổi luật hình sự nhằm tăng cường vai trò của hệ thống tư pháp của Bulgaria. 

Nhưng quyết định kể trên lại vấp phải sự chỉ trích từ Liên đoàn thẩm phán Bulgaria và các tổ chức phi chính phủ. Bởi theo họ, quy chế đặc biệt của tòa án đặc biệt đồng nghĩa với việc có phán quyết sẽ bị "mang động cơ chính trị", không giải quyết vấn đề vì thiếu các cuộc điều tra hiệu quả, cũng như đưa ra các cáo buộc thích đáng. 

Trước đó (3-9-2015), Quốc hội Bulgaria từng bác bỏ dự luật chống tham nhũng do chính phủ của Thủ tướng Boyko Borisov đề xuất, trong đó có điều khoản đưa hàng nghìn quan chức cấp cao của nước này vào diện giám sát chặt chẽ. 

Theo dự thảo luật kể trên, Bulgaria sẽ lập ra một cơ quan chống tham nhũng ở cấp cao nhất để giám sát khoảng 10.000 quan chức cấp cao. Khi đó, Phó Thủ tướng Meglena Kouneva đã tỏ ý thất vọng trước "sự thiếu quyết tâm chống tham nhũng" tại Quốc hội - nhiều nghị sỹ lo ngại dự luật này sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của họ. 

Mạnh Phong
.
.
.