Bùng nổ thuốc lá lậu ở châu Âu

Thứ Năm, 10/08/2017, 08:17
Thị trấn Nyiregyhaza, miền Đông Hungary (chỉ mất mấy chục phút lái xe là đến biên giới Ukraine) đã trở thành một trong những tụ điểm chính của thị trường thuốc lá lậu sau khi Chính phủ Hungary quyết định đóng cửa 90% cơ sở bán lẻ thuốc lá ở nước này.


Thuốc lá lậu ở đây được bán công khai, ngay trên phố với giá 2 euro/bao, rẻ bằng một nửa giá bán trong các cửa hàng. Việc mạnh tay trong việc quản lý kinh doanh thuốc lá sau khi đóng cửa 90% cơ sở bán lẻ thuốc lá (dù được cấp phép trước đó - giảm từ 42.000 xuống còn 5.300 địa điểm được phép bán thuốc lá) đã đẩy giá thuốc lá lên cao.

Và quyết định của Chính phủ Hungary đang tạo điều kiện để thị trường thuốc lá lậu có cơ hội bùng nổ. Việc này không những khiến tiền thuế thu được từ kinh doanh thuốc lá bị giảm đáng kể (khoảng 33%), mà còn tạo cơ hội làm giàu cho những kẻ buôn lậu thuốc lá.

Số thuốc lá lậu bị thu giữ.

Theo đánh giá của Interpol, riêng năm 2013 có khoảng 700 tỷ điếu thuốc lá được buôn lậu trên thế giới và việc này đem lại lợi nhuận khoảng 50 tỉ USD. Và buôn lậu thuốc lá trở thành loại hình kinh doanh nhiều lợi nhuận hơn cả buôn lậu ma túy.

Gần 2 năm trước (cuối tháng 8-2015), sau vụ bắt giữ hơn 1,5 triệu bao thuốc lá, cảnh sát Ukraine đã tăng cường các chiến dịch truy quét nạn buôn lậu thuốc lá. Bởi các nhóm buôn lậu đã vận chuyển hàng tỷ điếu thuốc lá từ Ukraine vào các nước Liên minh châu Âu (EU), bởi giá thuốc lá ở đây rẻ hơn từ 3 đến 5 lần so với thị trường EU.

Trước đó (11-7-2015), giới truyền thông Ukraine từng đưa tin về vụ đấu súng tại Mukachevo khiến 1 người chết và 9 người bị thương. Việc này diễn ra khi thành viên Right Sector đấu súng với cảnh sát tại thị trấn Transcarpathian thuộc khu vực Mukachevo.

Và nguyên nhân có thể bắt nguồn từ việc tranh giành thị phần buôn lậu thuốc lá giữa các nhóm - bọn buôn lậu có thu nhập lên tới 10 triệu euro/tháng. Bởi sau vụ đấu súng kể trên, Thủ tướng Arseny Yatsenyuk đã yêu cầu sa thải toàn bộ số nhân viên và lãnh đạo hải quan Transcarpathian. Bộ trưởng Nội vụ Aresen Avakov cũng ra lệnh điều tra các hoạt động buôn lậu và lạm dụng quyền lực tại thị trấn này.

Hội đồng châu Âu từng thông qua (trung tuần tháng 12-2013) nhiều quy định về việc siết chặt sản xuất, bán sản phẩm thuốc lá, hình thức vỏ bao, và buôn bán thuốc lá điện tử.

Theo đó, vỏ bao thuốc lá hoặc bao bì bất kỳ sản phẩm thuốc lá nào phải dành 65% bề mặt cho các cảnh báo về tác hại của hút thuốc lá đối với sức khỏe con người thay vì tỷ lệ 30% trước đó. EU cũng cấm bán tự do thuốc lá điện tử thể tích trên 10 ml, đồng thời có chứa trên 20 mg nicotin trên 1 ml thể tích.

Nga cấm hút thuốc lá tại nhiều địa điểm công cộng.

Gần 1 tháng trước (12-7), tờ The Guardian công bố kết quả điều tra cho thấy, các công ty thuốc lá đa quốc gia đã dùng nhiều chiêu trò dọa dẫm với các nước châu Phi như Uganda, Namibia, Togo, Gabon, Cộng hòa Dân chủ Congo, Ethiopia và Burkina Faso, để ép họ phải xóa hoặc nới lỏng các biện pháp bảo vệ người dân khỏi thuốc lá.

Và trong số những hãng thuốc lá bị điều tra có Hãng thuốc lá British American Tobacco (BAT) có trụ sở tại Anh, là một trong các nhà sản xuất thuốc lá lớn nhất thế giới với các nhãn hiệu nổi tiếng như 555 State Express, Kent, Craven A…

Theo số liệu công bố nhân Ngày Thế giới không thuốc lá (31-5) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, thuốc lá là nguyên nhân khiến 7 triệu người tử vong mỗi năm và con số này tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Ngoài ra, thuốc lá còn khiến gia đình và Chính phủ các nước tổn thất hơn 1.400 tỷ USD mỗi năm. Trong khi đó trang mạng Quartz cho biết, trong 15 năm qua, doanh số bán thuốc lá tại Mỹ tuy giảm 37%, nhưng doanh thucủa các hãng sản xuất thuốc lá vẫn tăng 32% trong năm 2016, đạt khoảng 93,4 tỷ USD.

Điều này chứng tỏ, giá bán thuốc lá đã "tăng ổn định" trong các năm qua - từ 3,73 USD lên 6,42 USD/gói. Theo thống kê của hãng nghiên cứu thị trường độc lập Euromonitor International, người Mỹ đã chi tiền cho thuốc lá nhiều hơn tổng chi phí họ dành cho bia và nước có ga cộng lại. 

Hơn 2 năm trước (1-6-2015), một tòa án ở Canada đã tuyên phạt 3 công ty thuốc lá là Imperial Tobacco Canada, Rothmans Benson & Hedges và JTI-MacDonald gần 12 tỷ USD để bồi thường thiệt hại cho người hút thuốc. Đây là khoản tiền bồi thường lớn nhất trong lịch sử Canada có liên quan tới thuốc lá. Số tiền phạt kể trên dùng để bồi thường cho khoảng 100.000 người sau những cáo buộc 3 công ty thuốc lá này đã bán sản phẩm độc hại gây ra bệnh ung thư và các bệnh khác. Nguyên đơn là những người sống ở bang Quebec và theo họ, Imperial Tobacco Canada, Rothmans Benson & Hedges và JTI-MacDonald đã không cảnh báo về những mối nguy hại ảnh hưởng tới sức khỏe có liên quan tới hút thuốc.

Khắc Tuấn
.
.
.