Buôn lậu kem tẩy trắng da ở châu Phi

Thứ Sáu, 18/01/2019, 12:37
Jane Ndagire chỉ trích thậm tệ những sản phẩm tẩy trắng da buôn lậu vào Uganda đã làm hư hỏng làn da tự nhiên của cô. Khi sắp bước sang tuổi 40, Ndagire được một số người mách bảo sử dụng loại kem gọi là Caro Light sẽ tẩy trắng da hiệu quả chỉ trong 1 tuần! 


Ndagire kể: "Chỉ trong vòng 3 ngày, tôi nhận thấy ngay sự khác biệt. Gương mặt tôi trở nên sáng hơn trước đây khá nhiều. Tôi thích thú thoa kem lên khắp người". Nhưng sau vài tháng, Ndagire bắt đầu cảm thấy da mặt nóng rát khi tiếp xúc ánh nắng và trên da bắt đầu nổi mụn nhọt. Cuối cùng, Ndagire quyết định từ bỏ ý muốn tẩy trắng da bằng sản phẩm nguy hại. 

Thực ra các sản phẩm tẩy trắng da mà Ndagire, cùng với hơn 100 phụ nữ khác, sử dụng bị cấm ở Uganda từ năm 2016 do có chứa thủy ngân và hydroquinone gây hại cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, loại mỹ phẩm độc hại vẫn được bán lén lút ở Uganda. Mỗi năm, hàng tấn sản phẩm tẩy trắng da nằm trong danh sách mặt hàng cấm được buôn lậu vào Uganda và phần lớn đi qua đường biên giới với Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC). 

Kem tẩy trắng da thuộc mặt hàng cấm được bán trong một cửa hàng ở thủ đô Kampala.

Dicksons Kateshumbwa, Thanh tra Hải quan Uganda, phát biểu: "Những con đường mòn được bọn buôn lậu sử dụng nằm rải rác khắp vùng biên giới, trong khi đất nước chúng tôi là láng giềng sát bên DRC, nguồn sản xuất kem tẩy trắng da. Ngoài ra, sản phẩm cũng đổ vào khu vực Đông Phi qua ngõ này". 

Năm 2016, nhân viên của Kateshumbwa chăn bắt được 93 lô hàng mỹ phẩm ký gửi bất hợp pháp vào Uganda và con số giảm còn 61 năm 2017. Tháng 3-2018, chính quyền Uganda ra lệnh thiêu hủy 2 chiếc xe tải chở mỹ phẩm cấm tại khu vực gần thủ đô Kampala. Sau đó, 16 tấn hàng mỹ phẩm tịch thu được giữ trong trụ sở hải quan ở Kampala. Ngoài ra, 8,5 tấn mỹ phẩm khác được giữ trong nhà kho ở Mbarara phía Tây và 1,6 tấn khác ở Pakwach phía Bắc Kampala. 

Những tài xế chở mỹ phẩm qua biên giới được trả công bèo bọt chỉ khoảng 1 USD cho một chuyến. Hàng cấm thường được giấu kín trong những thùng đựng chuối xanh hay thùng nhựa đựng xăng có lớp đáy bí mật. Nhiều căn nhà ở vùng biên giới Mpondwe và tỉnh Kasese được bọn buôn lậu sử dụng làm nhà kho giấu sản phẩm tẩy trắng da.

Nigeria chiếm kỷ lục về số người sử dụng các sản phẩm tẩy trắng da (ở châu Phi chiếm 77%), sau đó đến Togo (59%), Nam Phi (35%) và Mali (25%) - theo báo cáo tháng 6-2012 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Giới chuyên gia nhận định, thị trường châu Phi với dân số trẻ tuổi đang bùng nổ là nơi hái ra tiền cho các công ty mỹ phẩm tẩy trắng da. Phụ nữ giàu có chọn sử dụng những sản phẩm hợp pháp có chất lượng bảo đảm, trong khi những người nghèo chỉ có thể mua các loại kem tẩy trắng bán trên đường phố chứa hỗn hợp không rõ nguồn gốc rất nguy hiểm. 

Mỹ phẩm cấm được chính quyền Uganda tịch thu từ bọn buôn lậu.

Các hóa chất độc hại chứa trong sản phẩm tẩy trắng buôn lậu gây tổn hại đường hô hấp, thận và hệ sinh sản. Chúng có thể gây ung thư, tác động đến hệ thần kinh và gây dị dạng cho thai nhi. Những nguy hiểm do sử dụng một số loại kem tẩy trắng da bao gồm các dạng ung thư máu như là bạch cầu, ung thư gan và thận cũng như các bệnh về da nghiêm trọng - theo cảnh báo của bác sĩ và nhà nghiên cứu Lester Davids ở Đại học Cape Town (Nam Phi). 

Các bác sĩ chuyên khoa da liễu ghi nhận ngày càng nhiều trường hợp mắc bệnh về da do sử dụng sản phẩm tẩy trắng da. Chính quyền các quốc gia châu Phi cũng đang cố gắng kiểm soát một chất có tác dụng tẩy trắng da gọi là glutathione được sử dụng để tiêm hay uống (dưới dạng thuốc viên). Trước làn sóng đua nhau làm trắng da như thế, chính quyền các quốc gia châu Phi đã có những lệnh cấm chính thức hay tiến hành các chiến dịch thông tin tuyên truyền người dân không nên lạm dụng sản phẩm tẩy trắng da nguy hiểm đến sức khỏe.

Ajuma Nasenyana, người mẫu ở miền Bắc Nigeria đại diện cho các thương hiệu Victoria's Secret và Vivienne Westwood, bình luận: "Ở châu Phi, phụ nữ càng có nước da trắng càng được cho là đẹp. Hy vọng tình thế sẽ thay đổi và nước da đen được đánh giá cao". Nhưng, thách thức phía trước còn nhiều nếu muốn thay đổi suy nghĩ phụ nữ châu Phi".

Thanh tra Kateshumbwa bình luận: "Do nhu cầu tiêu thụ sản phẩm tẩy trắng da là rất lớn cho nên chúng tôi luôn đối mặt với thách thức khủng khiếp trong cuộc chiến chống lại bọn buôn lậu. Chúng tôi luôn cố gắng chặn đứng sản phẩm độc hại tuồn vào thị trường trong nước và truy tố bọn tội phạm ra tòa án. 

Năm 2017, chúng tôi truy tố thành công 42 vụ trước tòa án". Về phần mình, Jane Ndagire - người hiện đang tìm kiếm sự chữa trị nơi một bác sĩ da liễu - mong muốn chính quyền thông tin mạnh mẽ hơn nữa đến người dân Uganda về mối nguy hại của sản phẩm tẩy trắng da.

Di An
.
.
.