CHDCND Triều Tiên có thể đã phát triển vũ khí sinh học

Thứ Ba, 14/11/2017, 10:26
Trong khi CHDCND Triều Tiên nhiều lần đe dọa sẽ dùng sức mạnh hạt nhân để xóa sạch Nhật Bản và Mỹ, họ lại phủ nhận không tiến hành bất kỳ chương trình vũ khí sinh học nào. Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự và tình báo nước ngoài tin rằng Triều Tiên đang che giấu một chương trình vũ khí sinh học khủng khiếp - bao gồm bệnh dịch hạch, bệnh than và bệnh đậu mùa, báo Express (Anh) cho biết.


13 loại dịch bệnh

Tờ Express dựa trên các dữ liệu vừa được báo cáo của Công ty tình báo AMPLYFI và Đại học Harvard, cho biết Triều Tiên rất tự hào về kho vũ khí sinh học của mình, mà họ cho rằng có thể thả hoặc tuồn lậu vào các quốc gia thù địch của Bình Nhưỡng. Và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chỉ cần mất 10 ngày để lắp ráp một tên lửa có khả năng gieo rắc các căn bệnh kinh hoàng cho các đối thủ lớn nhất của mình.

Nhóm thực hiện cho biết đã lục lọi trên internet để tìm kiếm các manh mối trực tuyến và phát hiện 23.000 trang web có chứa các tài liệu tham khảo chiến tranh sinh học có liên kết đến Triều Tiên. Báo cáo cảnh báo Triều Tiên sẽ không tôn trọng các tiêu chuẩn an toàn quốc tế hoặc các quy tắc chiến tranh. Điều này thực sự là một mối đe dọa, đã khiến Seoul, Tokyo, Washington và London nhấn chuông báo động.

Báo cáo mang tên "Chương trình Vũ khí sinh học của Triều Tiên” cho biết: "Triều Tiên có thể sản xuất các loại vũ khí sinh học theo kiểu quân đội, cụ thể là bệnh than. Phát biểu gần đây nhất của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc là Triều Tiên có 13 loại vũ khí sinh học mà họ có thể chế thành vũ khí trong vòng 10 ngày. Bệnh than và bệnh đậu mùa là những dịch bệnh mà họ có thể gieo rắc".

Báo cáo cho biết Triều Tiên có khả năng gieo rắc 13 dịch bệnh: bệnh than, ngộ độc, dịch tả, sốt xuất huyết Hàn Quốc, bệnh dịch hạch, bệnh đậu mùa, sốt thương hàn, sốt vàng da, kiết lỵ, sốt Malta, tụ cầu khuẩn, sốt thương hàn và độc tố bạch cầu... Và cho biết ông Un có thể sử dụng nhiều cách để gieo rắc tác nhân dịch bệnh trên toàn thế giới. "Tên lửa, máy bay không người lái, máy bay, máy phun thuốc trừ sâu... là những phương tiện tiềm tàng để phân phát vũ khí sinh học”, báo cáo viết. Báo cáo nói binh lính cũng có thể được sử dụng để vận chuyển vũ khí sinh học vào Hàn Quốc.

Nên chuẩn bị  phương án đối phó

Các tác giả lưu ý rằng mối đe dọa của vũ khí sinh học thường bị bỏ qua trong lúc mối đe dọa của chương trình hạt nhân của Triều Tiên ngày càng gia tăng. Nhưng khi người anh cùng cha khác mẹ của ông Kim Jong-un bị ám sát với tác nhân thần kinh VX vào tháng 2-2017, nó đã làm tăng thêm mối quan tâm đối với các chương trình của các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác của Triều Tiên.

“Nếu được sử dụng trên quy mô lớn, những vũ khí này có thể không chỉ gây ra cái chết của hàng chục ngàn người, mà còn khiến cho xã hội bị hoảng loạn và tê liệt”, báo cáo cảnh báo.

Các tác giả cho rằng sẽ rất khó để đánh giá khả năng vũ khí sinh học của Triều Tiên vì các chương trình vũ khí như vậy không để lộ ra ngoài những dấu hiệu dễ nhận biết, không giống như việc thử bom hạt nhân dưới lòng đất, gây ra tiếng nổ và rung chấn rất mạnh như động đất.

“Trong khi các chương trình hạt nhân có thể được quan sát bởi số lượng các vụ thử hạt nhân và sự thành công của các cuộc thử nghiệm tên lửa, thì việc vũ khí hóa và nuôi cấy vi khuẩn là không thể nhìn thấy được đằng sau những cánh cửa đóng kín”, báo cáo viết.

Theo các tác giả, cũng sẽ rất khó khăn khi xác định xem liệu các cơ sở của Triều Tiên đang được sử dụng cho mục đích nông nghiệp có mục đích kép, để sản xuất hoặc chế tạo vũ khí sinh học, hay không? Trong khi đó, ông Kim Jong-un đã nhấn mạnh cải cách nông nghiệp là “tiền tuyến của chủ nghĩa xã hội”, bao gồm cả những nỗ lực tăng cường sản xuất thuốc trừ sâu sinh học.

Dựa trên những phát hiện này, báo cáo cho rằng các nước cần chuẩn bị các phương án chống lại chiến tranh sinh học của Triều Tiên: "Việc chuẩn bị chống lại chiến tranh sinh học là rất cấp bách và cần thiết, nó cũng là biện pháp phòng ngừa các đợt dịch bệnh tự nhiên đang ngày càng đe doạ đến thế kỷ 21”.

"Quân đội và các cơ sở y tế công cộng nên hợp tác để khẩn trương chuẩn bị cho cơ chế "phản ứng kép ". Điều này bao gồm khả năng đánh giá nguy cơ tốt nhất của quân đội và các cộng đồng tình báo, hệ thống phát hiện và phản ứng y tế công cộng mạnh mẽ, chiến lược truyền thông khủng hoảng phối hợp tốt giữa các bên liên quan và sự tuân thủ từ một thông báo công khai", báo cáo viết.

Gia Huy
.
.
.