CHDCND Triều Tiên duyệt binh phá thế bí?

Thứ Năm, 27/04/2017, 21:34
Giữa lúc bàn cờ Mỹ - Triều Tiên đến hồi căng như dây đàn, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã cho tiến hành lễ duyệt binh rầm rộ để mừng sinh nhật lần thứ 105 của ông nội, cố lãnh đạo Kim Nhật Thành (Kim Il-sung). Lễ duyệt binh với hàng loạt vũ khí tối tân dường như đã khiến Mỹ phần nào “xuống tinh thần”, lấy lại thế cân bằng.


Rầm rầm rộ rộ

Hãng tin Yohap (Hàn Quốc) cho biết, từ tờ mờ sáng ngày 15-4, hàng trăm xe tải chở binh sĩ đã xếp hàng dọc khắp bờ sông Taedong để chuẩn bị diễu hành qua thủ đô Bình Nhưỡng.

Sự kiện này nhằm mục đích kỷ niệm 105 ngày sinh của nhà sáng lập nước Kim Nhật Thành, ngày quốc lễ được gọi là “Ngày Mặt trời”. Đúng như tên gọi “Ngày Mặt trời”, thời tiết Bình Nhưỡng sáng 15-4 nhiều nắng, xe quân sự và hàng chục nghìn binh lính lấp đầy Quảng trường Kim Nhật Thành khi ban nhạc quân đội chơi một khúc nhạc sôi nổi. Tiếng nhạc dừng khi lời thề trung thành với lãnh đạo đất nước Kim Jong-un vang lên.

Theo CNN, các hình ảnh chiếu trên truyền hình Triều Tiên sáng nay cho thấy hàng nghìn binh sĩ Triều Tiên xếp thành từng nhóm đội hình và diễu hành bên cạnh các xe tăng.  Hàng nghìn người dân Triều Tiên được cho là đã đổ về thủ đô Bình Nhưỡng để theo dõi lễ duyệt binh hoành tráng này.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un mặc vest đen duyệt đội danh dự, sau đó cùng các quan chức cấp cao trong đảng và quân đội lên khán đài nhưng không phát biểu. Khi binh sĩ các lực lượng dẫn đầu đoàn diễu hành qua quảng trường trong tiếng nhạc, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đứng trên khán đài giơ tay chào.

Một phi đội xuất hiện phía trên, bay thành hình số 105, tức 105 năm ngày sinh Kim Nhật Thành. Tiếp đó, các xe tăng, hệ thống tên lửa, pháo diễu hành qua khán đài.

Đầu tà đầu nhọn

Đó là hình dạng chung của tâm điểm cuộc duyệt binh: tên lửa. Đây là lần đầu tiên Triều Tiên công khai hình ảnh tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) Pukkuksong-2.

Theo AP, truyền hình Triều Tiên đã chiếu hình ảnh của một số loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trong lễ diễu binh, được cho là KN-08 và KN-14. Giới chuyên gia quân sự cho rằng nếu được phóng, các tên lửa này có khả năng vươn tới lục địa Mỹ.

Lễ duyệt binh rầm rộ.

Trong lễ duyệt binh, các binh lính Triều Tiên cũng kéo theo một tên lửa cỡ lớn khác, ngang kích cỡ của một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, nhưng một nhà phân tích quân sự Hàn Quốc cho biết tên lửa này chưa từng được nhìn thấy trước đây.

Các khí tài quân sự khác được thấy xuất hiện trong lễ duyệt binh gồm xe tăng, bệ phóng tên lửa, pháo và tên lửa được thiết kế để phóng từ tàu ngầm. Ngoài ra, truyền hình Triều Tiên còn chiếu hình ảnh của một loại tên lửa tầm trung rất mạnh mà các chuyên gia quân sự gọi là “Musudan”. Các tên lửa Musudan được cho là có tầm bắn vươn tới các căn cứ không quân của Mỹ tại Guam.

Trả miếng thật ngon

Nhìn bề ngoài, sự kiện nhằm mừng ngày sinh của cố lãnh đạo Kim Nhật Thành, tuy nhiên, sự kiện cũng nhằm gửi một thông điệp rõ ràng tới Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước khác về sức mạnh quân sự của một nước Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân.

“Các lực lượng phòng vệ và tấn công mạnh nhất của chúng ta đang xếp thành từng hàng, sát cánh bên nhau để đặt dấu chấm hết cho sức mạnh quân sự của chủ nghĩa đế quốc”, truyền hình Triều Tiên đưa tin về lễ duyệt binh. “Cuộc diễu binh ngày hôm nay sẽ là cơ hội để thể hiện sức mạnh quân sự hùng mạnh của chúng ta”.

Choe Ryong-hae, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, được xem là quan chức cấp cao số 2 Triều Tiên, tuyên bố Triều Tiên sẵn sàng đối phó với mọi cuộc tấn công từ Mỹ: “Chúng ta sẽ đáp trả một cuộc chiến tranh toàn diện (của Mỹ) bằng một cuộc chiến tranh toàn diện và một cuộc chiến tranh hạt nhân theo phong cách tấn công hạt nhân của chúng ta”.

Trong khi đó, phát thanh viên Triều Tiên cao giọng trên truyền hình: "Nếu Mỹ tạo ra bất cứ nguy cơ nào với Triều Tiên, chúng ta sẽ dùng đến những quả tên lửa mạnh mẽ có tầm bắn đến nước Mỹ, thiêu đốt nước Mỹ!". Trước buổi lễ, quốc gia này đã cảnh báo Mỹ chấm dứt "hành vi kích động quân sự" của họ nếu không sẽ phải đối mặt với sự trả đũa.

Mỹ sợ “té khói”?

Ngay sau lễ duyệt binh được cho lớn nhất lịch sử Triều Tiên, Bình Nhưỡng còn “thừa thắng xông lên” bằng việc cho phóng một loại tên lửa chưa xác định được là loại gì. Cụ thể, vào lúc 21 giờ 21 phút ngày 15-4 theo giờ GMT (4 giờ 21 phút sáng 16-4 theo giờ Hà Nội), Triều Tiên đã phóng tên lửa từ khu vực Sinpo thuộc tỉnh Nam Hamkyong.

Tuy nhiên, vụ phóng này dường như đã thất bại. Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ cho biết quả tên lửa của Triều Tiên vừa bắn thử đã "nổ tung gần như ngay sau khi nó được bắn đi".

Với những động thái mạnh mẽ biểu dương sức mạnh và thể hiện tinh thần “bất khuất” của Bình Nhưỡng, giới quan sát cho rằng Mỹ còn lâu mới dám bấm nút chiến tranh.

Các nhà phân tích an ninh quốc tế cho rằng Mỹ rất khó có thể phát động một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Triều Tiên, bởi những hậu quả quá lớn mà Washington và các nước đồng minh, đặc biệt là Hàn Quốc, có thể phải hứng chịu.

Nhà nghiên cứu Melissa Hanham tại Trung tâm Nghiên cứu không phổ biến vũ khí James Martin (Mỹ), cho rằng ngay cả khi đòn tấn công phủ đầu của Mỹ vô hiệu hóa được các vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, Bình Nhưỡng vẫn sở hữu hỏa lực phi hạt nhân hùng hậu cùng đội quân thường trực đông đảo.

Việc thủ đô Seoul của Hàn Quốc chỉ nằm cách khu phi quân sự khoảng 50km là một trong những rào cản lớn nhất ngăn liên quân Mỹ - Hàn có hành động quân sự trực tiếp đối với Triều Tiên. Trong khi đó, chuyên gia về Triều Tiên tại Viện Brookings (Mỹ), ông Jonathan D. Pollack, cho biết kể từ sau năm 1953, các chiến lược gia Mỹ đã từng cân nhắc nhiều kế hoạch tấn công quân sự vào Triều Tiên.

Tuy nhiên, tất cả các bản đánh giá kế hoạch tác chiến đều có một kết luận rằng dù Mỹ có thể giành chiến thắng, "cái giá" phải trả vẫn là "đắt khủng khiếp," đặc biệt đối với đồng minh Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới và là nơi sinh sống của hơn 25 triệu dân. Theo chuyên gia Pollack, kế hoạch tấn công phủ đầu Triều Tiên là "chiến lược mạo hiểm quá mức".

Bàng Cương
.
.
.