CISEN và chiến dịch tình báo chống tội phạm ma túy Mexico

Thứ Năm, 31/01/2019, 21:24
Trước nạn bạo lực ma túy ngày càng lan tràn, chính quyền Mỹ tăng cường sử dụng các chiến dịch tình báo giúp chính quyền Mexico xác định và tiêu diệt các ông trùm ma túy...


Theo một số quan chức cao cấp Mỹ, mối quan hệ hợp tác chống các tập đoàn ma túy Mỹ La tinh giữa cơ quan tình báo Mexico “Trung tâm nghiên cứu và An ninh quốc gia Mexico (CISEN)” và Cơ quan Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ (ODNI) cũng như Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) được một số nhà quan sát đánh giá là “hành động song phương chưa từng có” sau ngày 11-9-2001. 

Sự hợp tác này đạt mức cao nhất dưới thời chính quyền tổng thống Mexico Felipe Calderon khi mà người của CIA –  phối hợp một phần với Cơ quan bài trừ ma túy Mỹ (DEA) và Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) -  dính líu sâu vào lãnh thổ Mexico cũng như các mạng viễn thông dân sự của nước này. 

Tháng 12-2012, Enrique Pena Nieto nhậm chức Tổng thống Mexico và thông báo với Washington rằng Mexico thành lập 5 “trung tâm phối hợp tình báo khu vực” phối hợp hoạt động với “lực lượng siêu cảnh sát” mới bao gồm 10.000 người. 

Trước nạn bạo lực ma túy ngày càng lan tràn, chính quyền Mỹ tăng cường sử dụng các chiến dịch tình báo giúp chính quyền Mexico xác định và tiêu diệt các ông trùm ma túy - bao gồm định vị các cuộc gọi bằng điện thoại di động, nghe lén điện thoại, chặn bắt các tín hiệu điện tử và theo dõi các dữ liệu kỹ thuật số. 

Vào đầu năm 1997, DEA thành lập các Đơn vị điều tra bảo mật (SIU) với thành viên là những người nước ngoài – ban đầu ở Bolivia, sau đó đến Peru và Mexico và cuối cùng ở 9 quốc gia khác. 

Vào giữa năm 2006, DEA có hai đơn vị SIU với tổng cộng 184 thành viên chỉ riêng ở Mexico. Hiện nay, có 6 hay 7 đơn vị SIU ở Mexico, được tài trợ bởi DEA, CIA và ít nhất một cơ quan thực thi pháp luật của Mỹ. 

Mexico không cho phép các đặc vụ Mỹ tham gia trực tiếp vào các cuộc đột kích song họ có thể dính líu vào việc lập các kế hoạch tác chiến hay thậm chí chỉ huy chúng từ xa. 

CIA cũng huấn luyện cho các đơn vị của Mexico một số kỹ năng đặc biệt như là: các chiến thuật đột kích, cách bảo vệ các quan chức cao cấp, cách thu thập thông tin tình báo cũng như thu thập và bảo vệ những bằng chứng có thể được sử dụng trước tòa án. 

Để chống lại gián điệp của các tập đoàn ma túy, các thành viên an ninh phải qua kiểm tra nói dối, xét nghiệm ma túy và thẩm tra lý lịch. Mặc dù vậy, thông tin về các chiến dịch đột kích vẫn bị lộ ra ngoài do bọn gián điệp của bọn tội phạm ma túy cài vào bên trong bộ máy an ninh của Mexico. 

Năm 2009, trong nhiệm kỳ đầu của tổng thống Mỹ Barack Obama, những vụ giết người hết sức man rợ trở nên phổ biến ở khắp Mexico – vài đầu người bị ném trên sàn nhảy, khoảng nửa chục xác người bị treo trên cầu, những quả bom được gài bên trong các xác chết. 

Thành phố Ciudad Juarez thuộc bang Chihuahua miền Bắc Mexico trở thành vùng đất của những kẻ giết người. Lúc đó, Tổng thống Obama phê chuẩn tăng cường các biện pháp song phương dẫn đến sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John O. Brennan và đối tác Mexico là giám đốc Valdes của cơ quan tình báo Mexico - CISEN.

Valdes, Giám đốc CISEN.

Hai quốc gia Mỹ - Mexico cũng xây dựng những cơ sở hạ tầng phức tạp cùng với thỏa thuận về chia sẻ thông tin tình báo nhạy cảm, thường là trong thời gian thực. Garza, cựu đại sứ Mỹ ở Mexico City, gọi đó là “chất keo” của mối quan hệ an ninh. 

Năm 2011, mối quan hệ này càng được mở rộng với sự ra đời của một trung tâm phối hợp tình báo do CIA chỉ huy ở Mexico City, một trung tâm tương tự khác do DEA tài trợ ở thành phố Monterrey miền Bắc Mexico - một pháo đài cảnh sát liên bang Mexico với chằng chịt hệ thống máy vi tính cũng như các trung tâm điều tra riêng biệt của quân đội và cảnh sát liên bang. 

Ngoài ra, bên trong trụ sở CISEN cũng có một trung tâm điều tra đặc biệt với sự hỗ trợ của tình báo Mỹ. Valdes, Giám đốc CISEN cho đến tháng 9-2011, cho biết: “Họ cung cấp cho chúng tôi thông tin tình báo, giúp chúng tôi xây dựng các trung tâm tình báo và huấn luyện cho chúng tôi về tầm quan trọng của sự kết nối giữa thông tin và các chiến dịch đột kích. Cả hai CIA và DEA đều hết sức giúp đỡ và chúng tôi cũng nhận được sự ủng hộ ở mức cao nhất từ Washington”. 

Cơ sở hạ tầng cũng bao gồm các trụ sở hành pháp cấp địa phương với các phòng chiến sự tạm thời được lập ra giữa các chiến dịch quy mô của cảnh sát liên bang và quân đội Mexico tiến hành ở các thành phố như Ciudad Juarez, Tijuana và Acapulco. Để ủng hộ các chiến dịch chống ma túy ở Mexico, chính quyền Mỹ sắp xếp tổ chức các phiên họp xử lý tình huống phức tạp trong căn cứ Fort Bliss ở Texas dành cho các đối tác Mexico.

Căn phòng chứa những thùng đựng các chất bột được cho là methamphetamine thô bị bắt giữ được trong một nông trại vùng ngoại ô Guadalajara, Mexico, vào tháng 2-2012.

Các thông tin do mạng lưới điệp viên và các nguồn chỉ điểm của DEA cung cấp dẫn đến việc giết chết trùm ma túy Arturo Beltran Leyva vào tháng 12-2009. 

Cartel của ông trùm này không chỉ vận chuyển một lượng khổng lồ cocaine vào lãnh thổ Mỹ mà còn thâm nhập sâu vào bên trong tổ chức chính quyền Mexico. Cái chết của ông trùm ma túy mang lại chiến thắng đáng kể đầu tiên trong chiến dịch quân sự chống ma túy của chính quyền Mexco. 

Ngoài ra, sự tiêu diệt Beltran Leyva cũng giúp củng cố mối quan hệ hợp tác an ninh Mỹ - Mexico. Trong một sứ mạng thành công khác, vào mùa hè năm 2010, DEA định vị được nhiều cuộc gọi điện thoại di động của ông trùm ma túy chào đời ở Mỹ là Edgar Valdez Villarreal - người có biệt danh là “La Barbie” do có bộ dạng của búp bê – giúp chính quyền Mexico truy đuổi hắn ta qua 5 bang nước này. “La Barbie” bị bắt giữ vào tháng 8-2010 ở Mexico và được dẫn độ sang Mỹ để xét xử. 

Thiên Minh
.
.
.