COVID-19 không thể là cơ hội của khủng bố

Thứ Sáu, 29/05/2020, 15:31
Trong khi cả thế giới đang gồng mình chống lại sự lây lan của vi rút Corona, các tổ chức khủng bố, đi đầu là Nhà nước Hồi giáo cực đoan IS và Al-Qaeda lại nhìn nhận đại dịch như một cơ hội lớn để trỗi dậy và tiến hành những cuộc tấn công trả đũa nhằm vào các nước phương Tây.


Đại dịch COVID-19 đang chứng minh cho chúng ta thấy khả năng tàn phá khủng khiếp của nó, với trên 280 nghìn ca tử vong trên toàn thế giới. Những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID -19 lại là những quốc gia phương Tây đang đi đầu trong cuộc chiến chống khủng bố như Mỹ, Anh, Pháp, Đức… Trong khi cả thế giới đang gồng mình chống lại sự lây lan của vi rút Corona, các tổ chức khủng bố, đi đầu là Nhà nước Hồi giáo cực đoan IS và Al-Qaeda lại nhìn nhận đại dịch như một cơ hội lớn để trỗi dậy và tiến hành những cuộc tấn công trả đũa nhằm vào các nước phương Tây.

Ngày 6/5/2020, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố đại dịch Covid-19 là cuộc tấn công khủng khiếp nhất mà Hoa Kỳ đã từng phải gánh chịu trong suốt chiều dài lịch sử của mình. Hậu quả mà nó gây ra cho nước Mỹ còn tồi tệ hơn rất nhiều so với hậu quả mà cuộc tấn công do tổ chức khủng bố Al-Qaeda thực hiện vào ngày 11/9/2001 nhắm đến tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới tại New York, cướp đi sinh mạng của 2.753 người vô tội, và cuộc tấn công do Không lực Hải quân Nhật Bản thực hiện tại Trân Châu Cảng, Hawaii vào ngày 7/12/1941, giết hại 2.403 quân và dân Mỹ. Tính đến ngày 11-5-2020, đã có gần 81.000 ca tử vong do COVID-19 gây ra cho nước Mỹ, và tất nhiên đây vẫn chưa phải là số liệu thống kê cuối cùng.

Nếu như trận Trân Châu Cảng là nguyên nhân lớn dẫn đến sự tham chiến của Mỹ vào Chiến tranh Thế giới thứ hai, thì cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 đã châm ngòi cho cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ và các nước đồng minh phát động hướng đến các tổ chức khủng bố lớn nhỏ khắp nơi thế giới, đặc biệt là Al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo IS. 

Nếu như Chiến tranh Thế giới thứ hai đã trở thành lịch sử, thì cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ và các nước đồng minh dường như không có hồi kết. Mỹ, với tiềm lực quân sự và tài chính hùng hậu, cùng với sự hậu thuẫn của các quốc gia đồng minh phương Tây, đã liên tiếp giành nhiều thắng lợi trước các tổ chức khủng bố, tiêu diệt thủ lĩnh khủng bố khét tiếng của Al-Qaeda là Osama Bin Laden, đồng thời đẩy lùi và làm suy yếu đáng kể tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS, thành lập nên những chính phủ thân cận tại Afghanistan và Syria. Sự hận thù mà các tổ chức khủng bố dành cho các nước phương Tây là điều không phải bàn cãi.

Thành phố vắng bóng người do đại dịch COVID-19.

Khi đại dịch COVID-19 lan ra khắp thế giới, Mỹ và các nước phương Tây là những quốc gia chịu hậu quả nặng nề nhất. Chính phủ các quốc gia này phải tập trung toàn lực để khống chế sự lây lan của dịch COVID-19, cũng như tính toán cẩn thận để tung ra các gói cứu trợ dành cho nền kinh tế đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh. 

Bên cạnh đó, nhất là sau khi bản báo cáo do liên minh tình báo Ngũ Nhãn thực hiện được Chính phủ Úc công bố, Mỹ và các nước phương Tây đang sốt sắng hướng sự quan tâm của mình về phía Trung Quốc để tìm ra nguyên nhân của sự bùng phát dịch bệnh. Điều này đồng nghĩa với việc suy giảm sự quan tâm của Mỹ và các nước phương Tây đối với các tổ chức khủng bố tại Trung Đông.

COVID-19, vũ khí mới của khủng bố?

Bản chất sơ khai của các nhóm khủng bố, đó là khai thác và cơ hội. Chính vì thế, khủng bố nhìn nhận khủng hoảng như những cơ hội tuyệt vời thay vì thách thức dành cho chúng. Các nhóm khủng bố có khả năng cao trong việc thích nghi và sáng tạo ngay cả trong những hoàn cảnh bất lợi nhất. Chúng có thể biến những thực tế đang diễn ra trên thế giới thành những câu chuyện có lợi cho sự hoạt động và tồn tại của chúng. 

Trong một tuyên bố mới đây, Nhà nước Hồi giáo IS và Al-Qaeda đều cùng khẳng định COVID-19 là "một chiến binh của thánh Allah" được cử xuống để trừng phạt các nước phương Tây vì những hành động chống lại người Hồi giáo. 

Trong khi Mỹ đang tập trung quân lực và các hoạt động ngoại giao nhằm đối phó với những bất lợi đến từ Nga và Trung Quốc, cũng như đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 và tái thiết nền kinh tế sau đại dịch, các nhóm khủng bố đã tận dụng sự lơ là của Mỹ để triển khai một số cuộc tấn công tại các quốc gia mà chúng đang đóng quân như Afghanistan, Syria, Pakistan, Bán đảo Arab nhằm củng cố thêm cho giả thuyết về COVID-19 của mình. 

Tháng 3/2020, các tay súng của Nhà nước Hồi giáo IS đã thực hiện một cuộc tấn công vào một buổi lễ ở Kabul, Afghanistan làm ít nhất 32 người thiệt mạng. Cuối tháng 3/2020, IS cũng nhận trách nhiệm về một vụ đánh bom tự sát và nổ súng hàng loạt tại Sikh Gurdwara ở Kabul khiến ít nhất 25 người chết. Tại Taji, Iraq, nhóm khủng bố Hezbollah đã thực hiện một số cuộc tấn công bằng tên lửa đã khiến ba người chết, trong đó có một binh sĩ người Anh.

Không chỉ dừng lại tại khu vực Trung Đông, các tổ chức khủng bố còn nhắm đến châu Phi như một địa điểm mới để thể hiện sức mạnh cũng như thực hiện các hoạt động tuyển lựa thành viên mới. Trong khi thế giới tập trung vào việc ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, Boko Haram, một nhóm khủng bố được cho là một nhánh của IS, đã thực hiện hàng loạt vụ tấn công tại khu vực Tây Phi. 

Ngày 5/3/2020, bảy người đã thiệt mạng khi hai kẻ đánh bom tự sát của Boko Haram đã tấn công một ngôi làng ở miền bắc Cameroon. Ngày 23/3/2020, một nhóm binh sĩ của Boko Haram đã liên minh với Al-Qaeda để thực hiện một cuộc tấn công vào một căn cứ quân sự trên Bán đảo Boma, khu vực hồ Chad, giết chết 92 binh sĩ. 

Ngày 24/3/2020, một nhóm các binh sĩ khác của Boko Haram đã liên minh với Nhà nước Hồi giáo IS vùng Tây Phi (ISWAP) thực hiện một cuộc phục kích một đoàn xe quân sự của Nigeria ở Gorgi, bang Yobe, khiến ít nhất 47 binh sĩ đã thiệt mạng. Tháng 4/2020, phiến quân Hồi giáo đã giết 52 người dân ở Mozambique. Tại Mali, 20 người đã bị giết tại một căn cứ quân sự, vụ việc được chính phủ nước này mô tả như là một cuộc tấn công khủng bố.

Các tổ chức khủng bố thực hiện nhiều cuộc tấn công trong đại dịch COVID-19.

Trong khi các nhóm khủng bố như IS, Al-Qaeda chọn cách thức "truyền thống", thực hiện các cuộc tấn công đẫm máu, để tạo ảnh hưởng và tiếng vang, thì nhóm khủng bố khét tiếng Taliban lại khiến cả thế giới bất ngờ khi chọn thực hiện chiến lược "diễn biến hòa bình" để chứng minh cho người dân thấy khả năng lãnh đạo của mình giữa lúc dịch COVID-19 đang hoành hành khắp nơi trên thế giới. 

Từ cuối tháng 2/2020, nhóm Taliban đã tuyên bố dừng các hoạt động quân sự trong khu vực do họ quản lý tại Afghanistan để tập trung vào các công tác hỗ trợ y tế dành cho người dân nơi đây, hướng dẫn họ đeo khẩu trang và sử dụng găng tay, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, và khuyến khích người dân thực hiện giãn cách xã hội, thiết lập các trung tâm cách ly dành cho những người bị nhiễm COVID-19 kêu gọi người dân cầu nguyện tại nhà thay vì đến các nhà thờ Hồi giáo, dừng toàn bộ các hoạt động cộng đồng. 

Nhóm này cũng tích cực sử dụng tài khoản WhatsApp của mình để chia sẻ cho cộng đồng hình ảnh các đoàn công tác của Chính phủ đang sử dụng các trang thiết bị bảo hộ trong khi thực hiện các công tác hỗ trợ y tế. 

Ngoài ra, dù có lịch sử luôn tấn công các nhân viên y tế của các tổ chức quốc tế, coi họ như những kẻ thù do phương Tây phái đến, thì nay Taliban tuyên bố tháo bỏ lệnh cấm đối với Tổ chức Y tế Thế giới và Hội Chữ thập đỏ quốc tế trên các vùng đất do nhóm này chiếm đóng, cho phép họ được tiến hành các hoạt động cứu trợ nhân đạo tại đây. 

Thậm chí, Suhail Shaheen, người phát ngôn của Taliban, đã tuyên bố trên Twitter rằng, Ủy ban Y tế của Taliban sẵn sàng hỗ trợ và hợp tác với Tổ chức Y tế Thế giới và tất cả các tổ chức y tế quốc tế khác trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19. 

Với sự dịch chuyển trọng tâm chú ý của Mỹ từ khu vực Trung Đông sang Trung Quốc và Nga, rõ ràng chiến lược "diễn biến hòa bình" mà Taliban đang áp dụng đã cho thấy hiệu quả, với việc củng cố niềm tin của người dân dành cho họ tại 75 quận của Afghanistan mà nhóm này đang chiếm đóng. COVID-19, một cách bất ngờ, đang mở ra cơ hội lớn cho Taliban thực hiện những bước đi chính trị của mình tại Afghanistan.

Trong một nghiên cứu mới đây, các chuyên gia về chống khủng bố đã đặt ra giả thuyết về việc các nhóm khủng bố sẽ tìm cách vũ khí hóa COVID-19 và sử dụng nó trong các cuộc tấn công khủng bố. Trong giả thuyết này, các nhóm khủng bố sẽ xác định những người bị nhiễm COVID-19 và tìm cách đưa những người này đến những nơi tập trung đông người nhằm phát tán virus vào đám đông. 

Có một thực tế rằng, trong hơn 10 năm qua, các nhóm khủng bố vẫn luôn nghiên cứu và tìm cách phát triển vũ khí sinh học, phục vụ cho các cuộc tấn công nhắm vào các nước phương Tây của chúng. Mặc dù cho đến nay, các nhóm khủng bố vẫn chưa thành công trong việc chế tạo ra vũ khí sinh học, nhưng COVID-19 cùng với khả năng lây nhiễm nhanh chóng của mình, có thể là lời giải cho những nỗ lực của chúng.

COVID-19 và những thách thức dành cho khủng bố

Không có ngoại lệ nào đối với COVID-19. Những kẻ khủng bố, giống như bao nhiêu người bình thường khác, vẫn sẽ bị nhiễm bệnh nếu tiếp xúc với người bị nhiễm COVID-19. Những người thân và bạn bè của chúng cũng vậy. Và dù những kẻ khủng bố luôn sẵn sàng đánh bom liều chết, chúng chắc chắn không muốn chết khi chưa thể thực hiện được cái mà chúng gọi là "mong muốn của thánh Allah trừng phạt kẻ thù phương Tây". 

Thêm vào đó, với việc nền kinh tế thế giới bị tàn phá bởi đại dịch COVD-19, nguồn tài chính cung cấp cho các cuộc tấn công khủng bố trên khắp thế giới chắc chắn cũng bị ảnh hưởng nặng nề, khiến cho nhiều cuộc tấn công khủng bố đã được lên kế hoạch từ trước phải bị lùi lại hoặc thậm chí bị hủy bỏ.

Ngoài ra, các cuộc tấn công khủng bố thường nhắm đến đám đông, những nơi tập trung đông người để đảm bảo về số lượng người bị thương vong. Tuy nhiên, dịch COVID-19 lại đang tạo ra khái niệm mới cho thế giới, giãn cách xã hội, khi mọi người phải thực hiện việc giữ khoảng cách với nhau, hủy bỏ các sự kiện cộng đồng, thậm chí là không ai được ra khỏi nhà. 

Và nếu không có đám đông hoặc những nơi tập trung đông người, chắc chắn các nhóm khủng bố sẽ phải cân nhắc hủy bỏ một số cách thức tấn công truyền thống như đánh bom hoặc lao xe vào đám đông do những cuộc tấn công này sẽ không còn mang lại hiệu quả như kế hoạch ban đầu của chúng.

Một vụ khủng bố xảy ra ở châu Phi.

Một trong những mục đích mà các cuộc tấn công khủng bố nhắm đến, đó là tạo tiếng vang trên truyền thông. Phần lớn các cuộc tấn công khủng bố nhắm vào đám đông là để thu hút sự chú ý của truyền thông để gieo rắc sự sợ hãi trên khắp thế giới, qua đó tạo dựng được tiếng vang và ảnh hưởng của mình tại một số quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay truyền thông trên thế giới chỉ tập trung vào các thông tin về dịch COVID-19, và sẽ thật nực cười nếu những kẻ khủng bố thực hiện những vụ tấn công mà không có một ai quan tâm cả. Nỗi sợ hãi COVID-19 đang bao trùm cả thế giới, lấn át cả nỗi sợ hãi dành cho khủng bố. 

Chủ nghĩa khủng bố thời hậu COVID-19

Các nhóm khủng bố đã nhìn nhận sự bùng phát dịch COVID-19 theo nhiều góc độ khác nhau. Các nhóm khủng bố như IS và Al-Qaeda coi COVID-19 như "sự trừng phạt của thánh Allah" dành cho các quốc gia phương Tây và những người không theo đạo Hồi, và tranh thủ sự tập trung của Mỹ và các nước phương Tây trong việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để tiến hành những cuộc tấn công mở rộng vùng đất chiếm đóng sang khu vực Tây Phi, nơi mà COVID-19 chưa kịp chạm đến. 

Trong khi đó, một số nhóm khủng bố như Taliban và Hezbollah lại tranh thủ sự yếu kém trong công tác y tế của Chính phủ các quốc gia nơi chúng đang hiện diện để thực hiện các hoạt động cứu trợ y tế, chung sức với các tổ chức y tế quốc tế trong nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh COVID-19, qua đó tăng cường ảnh hưởng và tạo niềm tin của người dân nơi chúng đang chiếm đóng, thực hiện những bước đi chính trị của những nhóm này.

Trước sự bùng phát của đại dịch COVID-19, Chính phủ các nước cũng đã điều động một số lực lượng chống khủng bố của mình tham gia hỗ trợ các công tác y tế cộng đồng, cũng như định nghĩa lại những hành vi khủng bố, bao gồm cả những hành vi chống lại cộng đồng như ho vào mặt người khác. 

Trong khi Mỹ và các nước phương Tây đang phải đau đầu tìm cách cứu vớt nền kinh tế quốc gia trước sự tàn phá của dịch COVID-19, tổ chức Al-Qaeda lại coi sự đình trệ trong việc phát triển kinh tế của Mỹ, với hàng triệu người thất nghiệp, khiến Chính phủ Mỹ phải khẩn cấp thông qua gói cứu trợ 02 tỷ đô la để vực dậy nền kinh tế, tránh khả năng gây ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu, như một món quà mà thánh Allah dành cho chúng.

Khủng bố thường sinh ra tại những nơi mà chính phủ thể hiện rõ sự yếu kém trong công tác quản lý nhà nước hoặc nơi mà người dân cảm thấy họ đang bị bỏ rơi bởi chính phủ. 

Tại nhiều quốc gia phương Tây, cùng với sự khủng hoảng kinh tế trầm trọng, hàng triệu người mất việc làm, các thành phố bị phong tỏa, người dân phải ở trong nhà, không được tự do ra ngoài, cuộc sống của mỗi người bị đảo lộn, làn sóng bất mãn của người dân với Chính phủ tại một số quốc gia phương Tây đang ngày một gia tăng. 

Các tổ chức khủng bố chắc chắn sẽ không bỏ qua cơ hội này để tuyên truyền về sự xuất hiện của COVID-19 như một sự trừng phạt của thánh Allah dành cho những người không có đức tin, dụ dỗ lôi kéo những người đang gặp khó khăn trong thời gian dịch bệnh hoành hành theo đạo Hồi, từ đó trở thành thành viên mới của tổ chức, kích động những người đang có tư tưởng bất mãn với chính phủ thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng cảnh sát cũng như các nhân viên y tế, những người đang phải căng mình để đảm bảo sự an toàn cho người dân trước sự lây lan của dịch bệnh.

Giữa tâm dịch tại Mỹ và các nước phương Tây, Trung Quốc đang bị cáo buộc về nguồn gốc của COVID-19 đang ngày một gia tăng trên khắp thế giới, ngay cả tại các nước Hồi giáo, khiến cho Trung Quốc nói riêng, và người dân đến từ khu vực Đông Á nói chung, có thể trở thành những mục tiêu tấn công của các phần tử quá khích. 

Mới đây, nhiều cáo buộc cho thấy Bắc Kinh đã có những động thái đàn áp nhóm người dân tộc thiểu số Hồi giáo vùng Duy Ngô Nhĩ, khiến cho làn sóng bài Trung Quốc ngày một gia tăng trong cộng đồng các quốc gia Hồi giáo. 

Mặc dù chưa xuất hiện bất kì cuộc tấn công nào mang tính chất khủng bố nhắm vào Trung Quốc, không loại trừ các tổ chức khủng bố sẽ hướng sự chú ý của mình sang Trung Quốc nhằm thực hiện các cuộc tấn công liều chết, nhất là trong trường hợp đại dịch COVID-19 lan rộng tại các quốc gia Hồi giáo.

Sau khi đại dịch kết thúc, các chuyên gia chống khủng bố trên thế giới sẽ cần rất nhiều thời gian để có thể đưa ra một bức tranh toàn cảnh về những thay đổi của chủ nghĩa khủng bố thời hậu COVID-19. 

Có thể đó là sự ra đời của những phương thức tấn công khủng bố mới, sử dụng những vũ khí sinh học có tính lây lan mạnh như COVID-19, những vùng đất mới do khủng bố chiếm đóng tại châu Phi, hay sự chuyển hướng ủng hộ của người dân dành cho các tổ chức khủng bố như Taliban sau khi những nhóm này thực hiện những bước đi chính trị dưới hình thức hỗ trợ y tế dành cho người dân trong lúc đại dịch bùng phát.

Khi các nước phương Tây tìm cách đưa nền kinh tế thế giới vượt qua khủng hoảng sau giai đoạn bùng phát dịch bệnh, ngân sách của các nước này dành cho các lực lượng chống khủng bố chắc chắn sẽ bị cắt giảm, giúp cho các nhóm khủng bố có thể dễ dàng hơn trong việc thực hiện các cuộc tấn công đẫm máu tại khu vực Trung Đông.

Thế giới đang chứng kiến sự thất bại trong hợp tác quốc tế khi phải đối phó với COVID-19, và trong khi có vô số hành động đẹp được các công dân trên thế giới dành cho nhau, sự bất mãn và cảm giác bị xã hội bỏ rơi ở một bộ phận người dân ngày một gia tăng sẽ kéo theo những hình thức bạo lực chính trị mới. Một số hình thức bạo lực chính trị sẽ tạo ra những ý thức hệ mới, trong khi một số khác sẽ trỗi dậy theo những cách chưa từng có tiền lệ. 

Đại dịch kết thúc không có nghĩa là chủ nghĩa khủng bố sẽ kết thúc. Thay vào đó, nó có khả năng phát triển theo hướng cực đoan hơn. Và trong khi thế giới đang loay hoay khắc phục hậu quả nặng nề do đại dịch COVID-19 gây ra, chủ nghĩa khủng bố sẽ nắm lấy cơ hội để một lần nữa gieo rắc nỗi sợ hãi khắp năm châu.

Bùi Huy Minh (tổng hợp)
.
.
.