COVID-19 và cuộc chiến với nạn tin giả

Thứ Sáu, 11/09/2020, 07:26
Những thông tin không chính xác về COVID-19, những câu chuyện hư cấu không đúng sự thật, các phương pháp điều trị và những cách phòng ngừa virus SARS-CoV-2 chưa được kiểm chứng lan truyền rộng rãi một cách có chủ đích hoặc vô tình đã gây hoang mang trong cộng đồng, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng cho con người.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã gọi đây là đại dịch thông tin, gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng. Ngoài ra, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã từng nhận định thông tin sai lệch lan truyền trên mạng là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với xã hội. Một trong những khu vực hiện bị tác động nhiều nhất của nạn tin giả là ASEAN.

Khu vực ASEAN với 653,9 triệu dân, 837,9 triệu thuê bao di động, 415 triệu thuê bao Internet, 401 mạng xã hội. Chính vì thế, ASEAN trở thành “vùng đất màu mỡ” cho tin giả. Indonesia là quốc gia có 255 triệu dân, trong đó có tới 130 triệu người sử dụng internet. 

Hồi đầu tháng 3-2020, cảnh sát nước này đã phát hiện và bắt giữ những kẻ lập ra nhóm mang tên Gia đình mạng quân đội Hồi giáo (MCA), chuyên sản xuất tin tức giả mạo nhằm bôi xấu lãnh đạo, gây bất ổn chính trị và thậm chí làm nhiễu thông tin về cuộc chiến chống tham nhũng ở nước này. 

Từ ngay sau khi dịch bùng phát, Indonesia cũng đã thực hiện bắt giữ hơn 80 vụ liên quan đến việc tung tin giả, tin không chính xác về dịch COVID-19. Chính phủ Singapore cũng đã phải đối mặt thách thức lớn khi hàng loạt tổ chức và cá nhân tung tin giả để trục lợi, bôi nhọ chính phủ một cách hết sức tinh vi.

Nghiên cứu cho thấy tin tức giả là mối quan tâm lớn nhất trong nhiều năm qua tại ASEAN, 60% số người được hỏi trên tất cả các nền tảng đồng ý rằng thông tin giả mạo là mối quan tâm lớn nhất của họ khi sử dụng các nền tảng truyền thông trực tuyến, 50% là lo lắng về nội dung không trung thực và 39% lo ngại về nội dung không phù hợp hoặc thông tin sai.

Sau cuộc họp với đại diện một số công ty công nghệ, trong đó có các “đại gia” công nghệ Facebook, Line, Netflix…, Tổng thư ký Ủy ban Viễn thông, Phát thanh và Truyền hình quốc gia Thái Lan Takorn Tantasith đề xuất các công ty công nghệ thành lập các trung tâm tại mỗi nước thành viên của ASEAN nhằm ngăn chặn làn sóng tin giả và các tài khoản giả mạo. 

Theo sáng kiến này, các công ty cung cấp các dịch vụ số hóa trên nền tảng Internet (OTT) lập một trung tâm để xác minh thông tin. Những trung tâm này sẽ đóng vai trò như “một lối tắt” giúp chính phủ các nước dễ dàng hơn khi phát hiện và báo thông tin sai lệch cho những công ty dịch vụ OTT. Từ đó, các nhà cung cấp có thể nhanh chóng gỡ bỏ nội dung không phù hợp theo chỉ thị của nhà chức trách. 

Trung tâm chống tin giả của Thái Lan đã chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-11-2019 với mục đích khoanh vùng các thông tin nghi là giả, kiểm chứng và công bố thông tin đúng cho công chúng thông qua một trang web mới và trên các ứng dụng như Facebook và Line.

Ngày 2-10-2019, Luật Bảo vệ khỏi sự thao túng và lừa dối trực tuyến của Singapore được Quốc hội nước này thông qua, được áp dụng đối với các nền tảng mạng xã hội, các cổng tin tức, các nền tảng như nhóm chat, thảo luận trực tuyến. Trong đó, mục tiêu quan trọng mà Singapore hướng tới là các mạng xã hội như Facebook, Youtube, Twitter,… Chính phủ Singapore có thể yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ Internet hoặc các nhà cung cấp dịch vụ trung gian chặn mọi hoạt động tiếp cận để bảo vệ các trang thông tin điện tử hoặc phải đối mặt với mức phạt 20.000 USD/ngày với số tiền phạt có thể lên tới 500.000 USD.

Đầu năm nay, Indonesia đã đưa vào hoạt động cơ quan an ninh mạng mới nhằm đối phó với vấn đề tuyên truyền chủ nghĩa cực đoan trên Internet và ngăn chặn tin tức giả trên các phương tiện truyền thông xã hội, trong bối cảnh hàng triệu người của quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới này đang ngày càng lo ngại về những trò lừa đảo trên Internet.

Theo đó, từ đầu năm 2020 đến nay, đã có 42 trang Facebook và 34 tài khoản Instagram đã bị gỡ bỏ do có những bài viết gây ra sự thù địch, bạo lực tại Tây Papua. với hình phạt tối đa là 5 năm tù giam theo Luật Thông tin điện tử của nước này.

Tại Philippines, theo đạo luật được Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ký ngày 31-8-2019, hình phạt tối đa đối với đối tượng vi phạm có thể lên tới 6 tháng tù giam, kèm khoản nộp phạt 200.000 peso (khoảng 3.900 USD). Đạo luật bổ sung Bộ Luật hình sự sửa đổi trước đó cũng đã được Quốc hội Philippines thông qua, với nhiều quy định xử phạt nghiêm ngặt hơn. 

Theo nội dung đạo luật mới, bất kỳ tin đồn thất thiệt nào đe dọa tới trật tự công cộng hoặc gây phương hại lợi ích cũng như uy tín quốc gia đều sẽ bị xử phạt. Đối tượng vi phạm sẽ chịu án tù giam từ hơn 1 tháng cho tới 6 tháng, đồng thời phải nộp phạt từ 40.000 peso tới 200.000 peso.

Tin giả được nhìn nhận như một trong những mối đe dọa lớn nhất mà thế giới đang phải đối phó, trong đó có các nước ASEAN. Những biện pháp mạnh tay của Chính phủ các nước ASEAN nhằm đối phó với đại dịch tin giả chắc chắn sẽ góp phần quan trọng trong việc kiểm soát dịch bệnh cũng như tạo ra môi trường mạng an ninh, an toàn cho cộng đồng. 
Thanh Bình
.
.
.