Quân đoàn an ninh biên giới đầu tiên của EU

Thứ Tư, 13/11/2019, 14:35
Lực lượng biên phòng châu Âu (Frontex) bắt đầu từ ngày 24-10 sẽ mở rộng hoạt động và tuyển mộ thêm lính biên phòng cho quân đoàn thường trực của mình.


Tăng nhân sự gấp 9 lần

Ngày 8-11, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua một quy định được Uỷ ban châu Âu (EC) đề xuất vào năm ngoái nhằm củng cố các lực lượng an ninh hiện có và thành lập quân đoàn an ninh biên giới độc lập, mặc đồng phục đầu tiên trong khối. Trong một tuyên bố trên trang web của mình, EU cho biết,  lực lượng biên phòng cho khu vực Schengen, được gọi là Frontex sẽ được mở rộng thành một đội quân thường trực gồm 10.000 lính biên phòng vào năm 2027.

Quân đoàn biên giới EU vừa tuyển mộ thêm 700 lính biên phòng.

Quyết định này cũng làm tăng sự ủy nhiệm của Frontex để tạo điều kiện hợp tác lớn hơn với các nước ngoài EU. Hiện tại Frontex có khoảng 1.300 sĩ quan được triển khai tại một thời điểm nhất định cho các nhiệm vụ ngắn.

"Điều này sẽ mang lại cho Frontex mức độ tham vọng phù hợp để đối phó với những thách thức mà Châu Âu đang phải đối mặt trong việc quản lý di cư và biên giới bên ngoài khối", tuyên bố có đoạn viết. Được biết, EU đã triển khai lực lượng an ninh biên giới tới biên giới bên ngoài của khối cho các mục đích quản lý chung hoặc trong các trường hợp khủng hoảng, như năm 2015 khi khoảng một triệu người xin tị nạn trong đó có nhiều người từ Syria, nơi bị chiến tranh tàn phá, đã vào EU.

Tin từ hãng AP cho hay, EU quyết định cho quân đoàn Frontex mới một bộ đồng phục riêng đầu tiên. Từ 24-10, Frontex đã bắt đầu tuyển dụng hơn 700 lính biên phòng mới để huấn luyện trong 6 tháng trước khi được giao nhiệm vụ chính thức.

Các quốc gia thành viên vẫn chịu trách nhiệm quản lý biên giới bên ngoài của của nước họ. Nhưng các thành viên của quân đoàn Frontex sẽ có nhiệm vụ kiểm tra danh tính và uỷ quyền hoặc từ chối nhập cảnh trong một số trường hợp.

Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker cho biết, Ủy ban sẽ tăng cường lực lượng an ninh biên giới và "cung cấp cho cơ quan này các thiết bị riêng, cho phép họ đối phó với các thách thức phát sinh".

Trong khi đó, Fabrice Leggeri - Giám đốc điều hành của Frontex khẳng định: "Frontex sẽ có đồng phục riêng, mang vũ khí và sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới vào tháng 1-2021. Dự kiến, đến năm 2027, quân đoàn này sẽ có khoảng 10.000 nhân viên. Nhiệm vụ của Frontex bao gồm ngăn chặn tội phạm xuyên biên giới, cũng như các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ, nhưng chức năng chính là kiểm soát các cửa khẩu biên giới bất thường vào châu Âu".

Và những bức tường biên giới tỷ USD

Liên minh châu Âu có hơn 12.000 km đường biên giới trên bộ, 45.000 km đường biên giới trên biển và 600 sân bay quốc tế. Trước tình trạng người nhập cư trái phép ngày càng gia tăng như hiện nay, ngoài việc xây dựng đội ngũ biên phòng hiện đại, hiệu quả, các nước EU còn dự kiến chi hàng tỷ USD để cải thiện an ninh biên giới trong đó có việc xây dựng các bức tường biên giới.

Một báo cáo mới nhất cho hay, trong vòng 11 năm từ năm 2006 đến 2017, các quốc gia thành viên EU đã chi ít nhất 752 triệu USD cho các hoạt động hàng hải và 1,1 tỷ USD cho "bức tường ảo", bao gồm các mạng lưới thông tin và giám sát được thiết kế để theo dõi sự di chuyển của con người.

Nhiều bức tường biên giới, bao gồm hàng rào dây được dựng bởi Hungary, Áo và Slovenia, được xây dựng vào năm 2015 để giải quyết sự gia tăng lớn về người di cư và người tị nạn vào châu Âu vào năm đó.

Trong ngân sách tiếp theo cho giai đoạn 2021-2027, EU đã thực hiện các cam kết tài chính to lớn đối với biên giới của mình, phân bổ 8,92 tỷ USD vào chi tiêu cho Quỹ quản lý biên giới tích hợp; 2,2 tỷ USD cho cơ sở dữ liệu nhận dạng và hệ thống giám sát biên giới Eurosur; gần 13 tỷ USD cho lực lượng Frontex.

"EU không phải là một cánh cửa mở hay một pháo đài", người phát ngôn của EC nói với Al Jazeera: "Những gì chúng tôi cố gắng làm trong những năm qua là làm cho biên giới EU an toàn hơn và được quản lý tốt hơn. Mục đích của EU không phải là ngăn chặn di cư, mà là cứu sống và bảo vệ người di cư. Chúng tôi tiếp tục cung cấp các con đường an toàn và hợp pháp cho những người cần bảo vệ thông qua tái định cư. Kể từ năm 2015, hai chương trình tái định cư thành công của EU đã giúp hơn 63.000 người có nơi trú ẩn ở EU".

Châu Anh
.
.
.