Bật mí chuyện đào tạo nữ vệ sĩ ở Trung Quốc

Thứ Sáu, 16/02/2018, 14:19
Những năm gần đây, nghề vệ sĩ, nhất là vệ sĩ nữ ngày càng thu hút giới trẻ Trung Quốc. Nhưng ít ai ngờ được rằng, để trở thành người tin cẩn, bảo vệ cho các yếu nhân, các cô gái đã phải trải qua những khóa huấn luyện gian khổ với cường độ cao và độ khắc nghiệt không kém gì nam giới.

Theo tờ China Daily, sự bùng nổ kinh tế ở Trung Quốc khiến sự xuất hiện của các doanh nhân giàu có ngày càng gia tăng. Cùng với đó là xu hướng tìm, thuê vệ sĩ thân cận để được đảm bảo an toàn. Đáng chú ý là ngày nay, các đại gia Trung Quốc lại có sở thích là chọn cho mình các nữ vệ sĩ.

Vì vậy, lương của các nữ vệ sĩ ở Trung Quốc trong 5 năm qua luôn cao hơn lương của các nam vệ sĩ với mức thấp nhất là 40%. Nhiều chuyên gia an ninh lý giải rằng, việc lựa chọn nữ vệ sĩ đã mang lại giải pháp 2 trong 1 cho các đại gia.

Nghĩa là các nữ vệ sĩ vừa có thể kiêm vai trò thư ký, vừa làm vệ sĩ riêng. Người ta ước tính, đến năm 2020, Trung Quốc sẽ cần thêm tới 40.000 nữ vệ sĩ. Đây cũng chính là lý do khiến các trung tâm huấn luyện nữ vệ sĩ bỗng chốc "mọc lên như nấm" ở Trung Quốc.

Để trở thành vệ sĩ, các cô gái Trung Quốc phải trải qua những khóa huấn luyện khắc nghiệt.

Nhiều cô gái trẻ, đẹp, khỏe mạnh cũng thích nghề này và sẵn sàng trả một số tiền không nhỏ để có khoảng thời gian 10 tháng trải nghiệm, được đào tạo để trở thành "các nữ chiến binh xinh đẹp".

Chen Tong, ông chủ Công ty vệ sĩ Zhongzhou Tewei có trụ sở ở Bắc Kinh cho biết, dịch vụ thuê nữ vệ sĩ ngày càng nở rộ. Hiện tượng này xuất phát từ chính nhu cầu của những người thuê. Trên thực tế, các nữ vệ sĩ ở Trung Quốc cũng nổi trội hơn so với nam giới trong việc thực hiện đúng nguyên tắc mỗi khi làm việc. 

Chen Tong nói: "Các vệ sĩ nữ Trung Quốc đã dần tìm thấy chỗ đứng của họ trên thị trường. Họ có lợi thế hơn đối thủ nam vì họ có thể dễ dàng che giấu bản thân trong những bộ trang phục ưa thích, hoặc thậm chí có thể ăn mặc như thư ký, trợ lý và sẵn sàng khóa tay những kẻ tấn công trong những tình huống bất ngờ nhất. Số lượng triệu phú nữ và tỷ phú nữ ở Trung Quốc tăng cũng là một phần nguyên nhân khiến thị trường cho các nữ vệ sĩ ngày càng được mở rộng".

Cũng theo Chen Tong thì các nữ vệ sĩ khi hóa thân vào các vai trò khác nhau cũng giúp cho khách hàng giàu có của họ hòa hợp tốt hơn với cuộc sống đầy cám dỗ bên ngoài. Thêm vào đó, độ nhạy cảm của nữ giới cùng những cách đối phó tình huống khẩn cấp một cách khéo léo cũng giúp các nữ vệ sĩ ghi điểm, tạo được niềm tin hơn đối với các khách hàng, nhất là nữ giới và những đại gia khó tính.

Nhưng nói thế không có nghĩa là chỉ cần có vẻ đẹp ưa nhìn và vài chiêu đấu võ là có thể trở thành nữ vệ sĩ. Trên thực tế, các nữ vệ sĩ chuyên nghiệp ở Trung Quốc phải biết sử dụng tiếng Anh, biết lái xe một cách điệu nghệ, dùng súng thành thạo và có thể hạ gục được ít nhất 5 nam giới cao to cùng một lúc.

Cho nên, hiện nay, các nữ vệ sĩ ở Trung Quốc phần lớn là các cựu quân nhân hoặc những người từng tốt nghiệp các trường thể thao và cũng có khi là cựu vận động viên võ thuật. Số này chiếm tới gần 70%. 30% là những cô gái mới lớn, yêu thích nghề vệ sĩ, thích cuộc sống mạo hiểm và muốn kiếm được nhiều tiền. Như Yan Donglan (22 tuổi) chẳng hạn.

Trước khi trở thành nữ vệ sĩ của công ty Zhongzhou Tewei, cô có một cuộc sống khá bấp bênh với công việc là bán mỹ phẩm. Cách đây 3 năm, cô quyết định rời bỏ công việc gắn liền với chổi, cọ trang điểm và tham gia chương trình đào tạo khốc liệt để trở thành vệ sĩ.

Khóa đào tạo mà Yan Donglan tham gia do một công ty bảo vệ tư nhân ở Bắc Kinh tổ chức với số lượng 20 học viên. Đồng môn với Yan Donglan là những tân cử nhân của một số trường Đại học ở Thủ đô. Kết thúc khóa đào tạo, một học viên xuất sắc đã được cử sang huấn luyện tiếp tại Học viện an ninh quốc tế ở Israel.

Yan Donglan kể: "Ngoài những kỹ năng cứu nguy và thoát thân tuyệt đỉnh, khoá đào tạo cũng rất quan tâm tới học lực, khả năng ngoại ngữ cũng như cách ứng xử tình huống của các nữ học viên. Chúng tôi không chỉ được đào tạo về những kiến thức pháp luật sơ đẳng, những lễ nghi căn bản mà còn phải biết sơ cứu, biết lái xe hay thậm chí là biết một chút diễn xuất... Mọi tình huống xấu nhất đều được đưa ra, tạo dựng kịch bản để giúp chúng tôi đối mặt và tìm cách đối phó".

Cũng theo lời của Yan Donglan, khóa học này kéo dài tận 3 tháng và kinh khủng nhất là giai đoạn 3 của khóa học trong đó học viên phải trải qua những bài học thể chất nâng cao gồm vác thân cây cổ thụ chạy dưới biển hay trên nền cát lún, chiến đấu trong nước, nín thở lâu dưới nước, tập chống đẩy liên tục, xuống tấn trong khoảng thời gian cực dài, chạy bộ vòng quanh bờ biển...

Châu Anh
.
.
.