Triệt phá ổ trộm cắp xe máy kỷ lục - chuyện bây giờ mới kể

Thứ Năm, 07/02/2019, 09:34
Trong những ngày cuối đông mưa phùn gió bấc, bên ấm trà nóng chúng tôi được Đại tá Dương Văn Giáp, nguyên trưởng phòng cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội bật mí về những chuyện chưa biết trong chuyên án triệt xóa đường dây trộm cắp xe máy xuyên quốc gia lớn nhất từ trước đến nay.


Khởi đầu một chuyên án

Có thể nói thời điểm những năm 2016, 2017 tình hình trộm cắp nói chung và trộm cắp xe máy nói riêng trên địa bàn TP Hà Nội diễn biến rất phức tạp. Thống kê sơ bộ cho thấy Năm 2016 toàn TP đã xảy ra gần 2.500 vụ trộm cắp, trong đó số vụ trộm cắp xe máy đã chiếm đến 30% tổng số các vụ án xảy ra.

Cơ quan Công an đã tổ chức điều tra khám phá được 455 vụ bắt 574 đối tượng. Còn trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn TP xảy ra 383 vụ trộm cắp xe máy. Cơ quan công an đã điều tra khám phá 232 vụ, bắt 287 đối tượng.

Mặc dù tỷ lệ điều tra khám phá án khá cao, song trên địa bàn TP vẫn liên tục xảy ra các vụ trộm cắp xe gắn máy, gây hoang mang trong dư luận quần chúng nhân dân, đòi hỏi phải có những biện pháp mạnh tay hơn nữa từ cơ quan chức năng.

Qua công tác điều tra cơ bản, Phòng CSHS xác định tại hai thôn Xuân Dương (xã Kim Lũ) và thôn Xuân Lai (xã Xuân Thu - đều thuộc huyện Sóc Sơn) có đến vài chục đối tượng thanh niên, trung niên chuyên hành nghề trộm cắp xe máy. Đặc biệt xuất hiện một ổ nhóm do một đối tượng đã có tiền án tiền sự cầm đầu, có dấu hiệu tổ chức đường dây trộm cắp, tiêu thụ khép kín.

Xe máy thường bị các đối tượng trộm cắp là xe thuộc loại đắt tiền như Honda SH, Airblade, Lead... Các đối tượng thường đi một cặp đôi với nhau, khi gây án thường đeo khẩu trang bịt mặt, sử dụng xe máy mang BKS giả. Khi thấy "hàng", một đối tượng sẽ đứng gần làm nhiệm vụ cảnh giới, đối tượng còn lại sẽ dùng vam phá khóa để trộm cắp. 

Chúng hầu như không gây án ở địa phương mà "nhảy" qua địa bàn các quận huyện khác để hành nghề như: Tây Hồ, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Hà Đông, Mê Linh, Đông Anh... và các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Lạng Sơn...

Tháng 9-2016 qua công tác phối hợp, Công an TP Hà Nội cũng nhận được thông báo của Công an tỉnh Lạng Sơn về việc đã khám phá chuyên án bắt giữ 5 đối tượng tiêu thụ xe máy trộm cắp bán sang Trung Quốc qua cửa khẩu Chi Ma (Lộc Bình, Lạng Sơn). 

Các đối tượng khai nhận đã tiêu thụ trót lọt hơn 300 xe gắn máy của một đối tượng ở Hà Nội (mà sau này được làm rõ là Nguyễn Quang Định tức Định "hoành", 39 tuổi, trú tại Kim Lũ, Sóc Sơn, Hà Nội).

Một đối tượng trộm cắp và tang vật cơ quan công an thu giữ.

Tháng 1-2017 Chuyên án triệt phá băng trộm cắp do Định cầm đầu được thành lập, Thiếu tướng Đinh Văn Toản, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội làm Trưởng ban chuyên án. 

Đại tá Dương Văn Giáp, Trưởng Phòng CSHS làm Phó ban chuyên án, trực tiếp chỉ huy cán bộ chiến sỹ Phòng CSHS bắt giữ các đối tượng, khám xét nơi ở, thu giữ tang vật, lập hồ sơ xử lý. Lực lượng tham gia chuyên án lên tới hơn 200 cán bộ chiến sỹ thuộc 10 đội nghiệp vụ của Phòng CSHS.

Ngoài ra còn có sự phối hợp của nhiều đơn vị nghiệp vụ khác của Bộ Công an; công an 27 tỉnh, thành phố như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình, Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Bình Phước, Tây Ninh...

Được biết Định thường xuyên "lô cốt" trong ngôi nhà của Long . Căn nhà này nằm trong một ngõ nhỏ, chỉ xe máy có thể đi vào được, rộng khoảng 700m² với nhiều căn phòng thông với nhau, được xây kiên cố với tường cao hơn 3m, phía trên là hàng rào dây thép gai lợp mái tôn. Đối tượng cũng cho lắp rất nhiều camera để có thể kiểm soát được người ra vào. Khi thấy người lạ xuất hiện, Định sẽ gọi cho đàn em lập tức có mặt để theo dõi rồi báo lại cho Định biết.

Xác định Nguyễn Quang Định là kẻ chủ mưu, cầm đầu, Ban chuyên án lên kế hoạch phải bắt giữ bằng được đối tượng này thì mới có thể giải quyết được vụ án. Chính vì vậy các phương án phải được tính toán hết sức cụ thể, tỉ mỉ. Và thực tế việc bắt và khám xét nhà của "ông trùm" đã diễn ra nhanh gọn song cũng hết sức gay cấn. Thậm chí lực lượng chức năng đã phải nổ súng trấn áp...

Nếu như "ông trùm" Nguyễn Quang Định mượn nhà anh trai để dựng "lô cốt" làm nơi trung gian tiêu thụ xe máy ăn cắp, thì Hạ Văn Dũng - đối tượng chủ mưu, cầm đầu một nhánh khác - lại có những trò che mắt lực lượng công an đầy biến ảo. 

Nhà ở mãi trên Sơn Đông (Sơn Tây, Hà Nội) nhưng ngày ngày Dũng vẫn cưỡi con "Dim cọc cạch" (Honda Dream) xuống một khu vực kín đáo ở huyện Thanh Trì (Hà Nội) để trực tiếp điều hành đường dây trộm cắp xe máy rồi vận chuyển sang Campuchia tiêu thụ...

Cùng thời điểm tổ công tác số 1 thi hành lệnh bắt khẩn cấp, khám xét chỗ ở của Định "hoành", thì một tổ công tác khác của Phòng CSHS cũng đã có mặt tại một địa điểm trên địa bàn huyện Thanh Trì, tổ chức mật phục tóm gọn 4 đối tượng chuyên tổ chức trộm cắp và tiêu thụ xe máy do tên Dũng cầm đầu.

Theo Trung tá Phan Quang Vinh, Phó đội trưởng Đội chống tội phạm xâm phạm sở hữu, Phòng CSHS Công an TP Hà Nội, đầu năm 2017 sau khi Công an TP lập chuyên án để tổ chức điều tra đường dây trộm cắp xe máy "khủng" do "ông trùm" Nguyễn Quang Định cầm đầu, các trinh sát đã phát hiện trên địa bàn huyện Thanh Trì cũng có một ổ nhóm chuyên trộm xe máy với quy mô lớn. Ổ nhóm này hoạt động tương đối độc lập với đường dây của Định, song do là dân cùng "nghề" nên chúng vẫn có những quan hệ ràng buộc với nhau.

Qua quá trình rà soát, thu thập thông tin, Ban chuyên án phát hiện đường dây của Hạ Văn Dũng hoạt động rất tinh vi, liều lĩnh. Hằng ngày Dũng đi xe máy từ nhà ở Sơn Tây về Tả Thanh Oai (Thanh Trì) để "họp" với các đối tượng Tuấn, Triều, Mạnh, bàn cách tổ chức trộm cắp xe máy. Mỗi khi các đối tượng "ăn" được hàng, Dũng lập tức liên lạc với chân rết (là lái xe khách tuyến Bắc-Nam và các đối tượng ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương) chuẩn bị đón hàng.

Mỗi tuần Dũng "đẩy" xe trộm cắp từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh từ 1 đến 3 lần, mỗi lần chúng chuyển từ 3 đến 5 chiếc xe máy (đã được tháo bánh trước) nhét vào cốp xe ôtô khách để bán cho nhóm đối tượng ở Bình Phước, TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh.

Quá trình điều hành đường dây, Dũng chỉ liên lạc qua điện thoại di động. Tài xế nhà xe Bắc-Nam, các đối tượng nhận xe ở TP Hồ Chí Minh đều chỉ biết Dũng qua một cái tên giả, và cũng chưa bao giờ biết mặt hắn. 

Sau khi nhận được xe của Dũng gửi, các đối tượng sẽ chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng cho hắn. Cơ quan công an đã làm rõ chỉ trong vòng gần 1 năm, Dũng đã tổ chức trộm cắp, tiêu thụ trót lọt hàng trăm xe máy các loại, số tiền các đối tượng đã trả cho Dũng lên tới gần 3 tỷ đồng.

Trưa ngày 15-10-2017, sau khi được lệnh từ Ban chuyên án, hàng chục trinh sát Phòng CSHS bất ngờ ập vào căn lều ở xã Tả Thanh Oai, khi đối tượng Dũng vừa từ Sơn Tây xuống. Tiếp đó, các đối tượng Tuấn, Triều, Mạnh cũng nhanh chóng sa lưới pháp luật. Do công tác chuẩn bị được tổ chức kỹ càng nên việc bắt nhóm đối tượng này diễn ra một cách nhanh, gọn, không xảy ra bất kỳ sai sót nào.

Cũng trong ngày 15-10, tổ công tác do Trung tá Hoa Thanh Tùng, Phó trưởng Phòng CSHS đã có mặt tại TP Hồ Chí Minh, tổ chức bắt giữ các đối tượng Đỗ Quang Hà (49 tuổi, trú tại Bù Gia Mập, Bình Phước); Trịnh Thị Tuyết (40 tuổi, trú tại Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh). Hà, Tuyết chuyên nhận xe máy trộm cắp với số lượng lớn của Hạ Văn Dũng rồi bán cho một đối tượng người Campuchia tại khu vực biên giới Bình Phước, Tây Ninh.

Tổ công tác do Thượng tá Cao Văn Thái, Phó trưởng Phòng CSHS mật phục tại Đông Triều, Quảng Ninh đã bắt được nhóm đối tượng Nguyễn Văn Dũng (42 tuổi); Nguyễn Văn Việt (37 tuổi) cùng trú tại Đức Chính, Đông Triều và đối tượng Nguyễn Văn Lâm (31 tuổi, trú tại Trần Hưng Đạo, Đông Triều).

Ngoài ra, các đối tượng trộm cắp và tiêu thụ tài sản do trộm cắp có được như: Đinh Thị Hòa, Phạm Thành Trung, Hoàng Thành Hưng, Nguyễn Thị Bích Liên, Nguyễn Văn Thụy, Cao Văn Tân... cũng lần lượt sa lưới pháp luật. Các đối tượng sau đó đều phải ra trước vành móng ngựa và chịu những bản án nghiêm khắc của pháp luật...

Yên Chi - Minh Minh
.
.
.