Các cựu tù nhân của Guantánamo đã đi đâu?

Thứ Hai, 25/11/2019, 14:15
Vào năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đóng cửa Văn Phòng Đặc trách chịu trách nhiệm điều phối việc đóng cửa nhà tù Guantánamo, giám sát việc chuyển giao các cựu tù nhân về các nước Thế giới thứ ba và tiếp tục theo dõi hỗ trợ họ. Kể từ khi đó nhà chức trách Mỹ đã mất dấu của nhiều người trong số họ và nỗi lo lắng về một tình tạng tái phạm đã tăng lên.


Rất nhiều cựu tù nhân sau khi ra khỏi Guantánamo đã quay lại các vùng đất Syria do các lực lượng khủng bố kiểm soát để gia nhập vào lực lượng này.

40 người còn tiếp tục bị giam giữ ở Guantánamo

Trước đây, Văn phòng Đặc trách về việc đóng cửa nhà tù Guantánamo, do chính quyền Obama đã lập ra, có trách nhiệm giám sát việc phóng thích các tù nhân rồi tiếp đó là việc tiến hành giám sát và theo dõi sát từng trường hợp một.

Đến thời Donald Trump, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đóng cửa văn phòng này, đúng như những gì Trump đã cam kết khi ra tranh cử: tiếp tục duy trì sự hiện diện của một nhà tù quân sự Mỹ ở Cuba, hiện vẫn còn đang giam giữ 40 tù nhân.

Lính canh Mỹ  và các tù nhân ở nhà tù Guantánamo.

Trường hợp gây lo ngại nhất là trường hợp Abou Wa'e Dhiab. Cựu tù nhân gốc Syria này đã bí mật rời khỏi Uruguay vào mùa hè năm 2017. Theo José Gonzalez, một quan chức của Bộ Nội vụ Uruguay thì Dhiab đã đi bộ vượt qua biên giới nước này để vào Brazil sau đó bắt xe khách về SaoPaulo rồi bay về Thổ Nhĩ Kỳ. Còn theo sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Washington thì chưa có dấu hiệu nào để khẳng đinh chính xác rằng người này đã đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngay sau đó người ta đã phát hiện ra một số hành tung của Dhiab ở phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ, hắn đã thực hiện chót lọt một số chuyến đi đến tỉnh Idlib đang nằm dưới sự kiểm soát của Mặt trận Al-Nosra (đồng minh của Al-Qaida). Thông tin trên do Bộ Ngoại giao Syria đưa ra dựa trên các bằng chứng do tình báo Syria thu thập được. Họ cũng cho biết thêm rằng mẹ của cựu tù nhân này vẫn đang được bố trí ở tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Dhiab đã trốn khỏi Syria vào năm 2000 ( thông tin này này là một trong những điểm trùng khớp giữa thông tin của chính quyền Syria và các thông tin đã được giải mật của tình báo Mỹ). Hắn đã tham gia vào các lực lượng hồi giáo thánh chiến trước khi bị bắt vào năm 2002 ở Pakistan và bị đưa về giam giữ ở Guantánamo.

Một thỏa thuận tái hòa nhập cộng đồng

Trong thời gian bị giam giữ, Dhiab đã không ngừng gây ra những vấn đề cho những quản giáo của nhà tù Guantánamo: những cuộc tuyệt thực kéo dài để phản đối cái mà hắn gọi là việc giam giữ bất hợp pháp. Những vụ tuyệt thực đó đã dẫn đến những màn cưỡng bức ăn uống đầy bạo lực.

Việc mất dấu của Dhiab là hậu quả của một thỏa thuận "Tái hòa nhập cộng đồng"  được ký kết giữa chính quyền Obama và các nước đồng minh. Một thỏa thuận hết sức mong manh và dễ đổ vỡ, theo đánh giá của các chuyên gia và quả thật nó đã chuyển thành một tấn bi kịch khi dưới nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump.

Giờ đây Bộ Ngoại giao Mỹ không có đủ phương tiện hữu hiệu để lần theo dấu vết của các cựu tù nhân này nữa. Cũng không có bất cứ quan chức nào của cộng đồng tình báo hay Bộ Ngoại giao Mỹ còn muốn đề cập đến hoạt động của các nhân vật như Dhiab nữa.             

Theo Alexander Vagg, người phát ngôn của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mike Pompeo, Văn phòng chống khủng bố đã được giao trách nhiệm "Xem xét lại tất cả các vấn đề liên quan đến thỏa thuận đã được ký giữa chính quyền Obama và các đồng minh ngoại quốc liên quan đến việc tái hòa nhập các cựu tù nhân của nhà tù Guantánamo" 

Lee Wolosky, người cuối cùng phụ trách Văn phòng Đặc trách về việc đóng cửa nhà tù Guantánamo khẳng định rằng ông đã nhận được rất nhiều thông điệp mang tính chất báo động từ các đồng ngiệp ngoại quốc (kể cả sau khi ông đã rời khỏi chính quyền khi ông Trump thắng cử), họ khẳng định rằng: "Không thể tìm thấy bất cứ đại diện nào của chính quyền Mỹ hiện tại để trao đổi về những vấn đề liên quan". 

Theo đánh giá của Lee Wolosky, sự mất dấu của Dhiab là rất đáng lo ngại. "Chúng tôi đã từng làm việc rất vất vả trong nhiệm kỳ của Obama, để có thể bảo đảm rằng hắn luôn luôn bị giữ ở Uruguay". Giai đoạn sau đó trong nhiệm kỳ của Trump, Dhiab đã thoải mái đi lại từ Uruguay sang Brazil, Achentina và Venezuela, thậm chí hắn còn bay cả sang Nam Phi rồi lại quay về Uruguay. Vào năm 2017, hắn đã dùng hộ chiếu giả để nhập cảnh Maroc, bị phát hiện hắn đã phải quay trở về Uruguay. "Theo tôi , hắn là một kẻ có thần kinh không ổn định nhưng rất nguy hiểm", Lee Wolosky kết luận.

Tỷ lệ tái phạm: 30%

Nơi đáng quan tâm nhất là tại Syria, bởi trong hoàn cảnh nhạy cảm ở đây, các cựu tù nhân của Guantánamo rất nhiều khả năng sẽ lại cầm lại vũ khí để tham gia vào các cuộc xung đột. Đã có hơn 2.000 lính Mỹ được triển khai ở đây để ngăn chặn xung đột.

Ở Uruguay, Dhiab chưa bao giờ tỏ ra cố gắng để tái hòa nhập, điều này trái ngược hẳn với năm cựu tù nhân còn lại, được gửi từ Guantánamo đến Uruguay để sinh sống và tái hòa nhập cộng đồng cùng đợt với hắn. Ở Montevideo Dhiab đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình và những cuộc tuyệt thực ở trước Đại sứ quán Mỹ để phản đối cái gọi là tình trạng sống chia cắt với gia đình.

Một góc nhà tù Guantánamo.

Theo những con số mới nhất được văn phòng Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia công bố , kể từ sau khi được phóng thích, trung bình đã có 30% những cựu tù nhân của Guantánamo (xấp xỉ 222 người)  đã tham gia trở lại hoặc bị nghi ngờ đã tham gia trở lại các tổ chức khủng bố, chí ít cũng đóng vai trò đồng lõa cho những tổ chức này. Trong số này có 196 trên tổng số 532 tù nhân được phóng thích và hồi hương dưới thời chính quyền Bush, phần lớn quay về Afghanistan, Pakistan hay Arab Saudi.

Chính quyền Obama thì đã chọn một cách khác để có thể phóng thích và chuyển giao các cựu tù nhân này. Đó là việc ký một thỏa thuận với hơn 30 nước, những nước này cam kết sẽ hỗ trợ Mỹ bằng việc tiếp nhận những tù nhân thuộc dạng không được phép hay không thể trở về chính đất nước của họ . Lý do là tình hình ở đó đang bất ổn hoặc họ sẽ có nguy cơ phải đối mặt với những sự truy bức hay trả thù, vi phạm quyền con người.  

Những nước "đón tiếp"

Mỗi nước trong số 30 nước tham gia vào thỏa thuận trên sẽ nhận trách nhiệm ''đón'' một vài cựu tù nhân của Guantánamo với một số các điều kiện cụ thể. Các thể thức tiếp nhận này chưa bao giờ được công bố công khai, nhưng theo một số nhân vật trong chính quyền Obama, các nước đón tiếp sẽ cung cấp nhà ở, tiền trợ cấp hàng tháng và các khóa học ngôn ngữ nước sở tại trong trường hợp cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho việc hòa nhập. Thông thường, các nước đón tiếp được khuyến cáo không cấp giấy tờ tùy thân cho các cựu tù nhân nhằm ngăn cản họ rời khỏi những nước này trong vòng hai năm đầu.

Vào thời điểm khi ông Trump tiếp quản Nhà Trắng, Văn phòng Đặc trách về việc đóng cửa nhà tù Guantánamo đã chuyển 142 người sang 30 nước để theo dõi việc tái hội nhập xã hội, ổn định đời sống hoặc bảo hộ cho họ. 52 người đã được gửi về quê hương của họ, phần lớn các tù nhân đến từ châu Âu, châu Phi hay các nước vùng Vinh.

Rex Tillerson, Bộ trưởng bộ Ngoại giao Mỹ (bị cách chức tháng 3-2018) đã quyết địnhđóng cửa văn phòng này, mọi vấn đề được chuyển giao cho Vụ Tây Bán cầu đảm nhiệm, kể từ đó  quá trình vận hành những thỏa thuận đã ký giữa Mỹ và các nước khác trong việc đón tiếp các cựu tù nhân vấp phải rất nhiều trở ngại.

Một dự án đầu voi đuôi chuột

Trong tháng 4 năm nay. Senegan đã trục xuất hai cựu tù nhân Libya về đất nước của họ với cái cớ rằng họ đã hoàn thành các thử thách bắt buộc. Một trong số đó, Awad Khalifa, đã từng từ chối trở về quê hương vì lo sợ về những gì đang chờ đợi họ ở quê nhà. Và sau đó quả thật cả hai cũng đã biến mất không để lại một dấu vết, theo như Ramzi Kassem, luật sư người Mỹ của Khalifa cho biết.

Rất nhiều cố gắng được đưa ra để truy tìm tung tích của Khalifa kể cả việc "cầu viện đến Liên Hiệp Quốc và các tổ chức khác"  đều không có kết quả. Nếu anh ta biết trước rằng mình có thể bị trục xuất về Libya, có thể anh ta đã khước từ việc ra khỏi nhà tù Guantánamo vào tháng 4-2016.

Ramzi Kassem khẳng định: "Kể cả việc nhà tù Guantánamo có kinh khủng đến mức nào, khách hàng của tôi vẫn có những lý do để tin rằng , nếu trở về Libya , anh ta sẽ còn gặp nhiều điều tồi tệ hơn thế".

Các luật sư và nhiều cựu tù nhân Guantánamo đã phàn nàn rằng nhiều nước đón tiếp được chọn thật sự không phù hợp cho những người đến từ vùng Trung Cận Đông, như trường hợp của Abdel Malik Wahab Al-Rahabi, một cựu tù nhân Yemen được bố trí tái định cư ở Monténégro vào năm 2016.

Đối với anh ta đất nước này rất xinh đẹp và thân thiện, chính quyền cũng hào hiệp cho phép vợ con anh ta chuyển đến cùng sinh sống, nhưng ngôn ngữ và văn hóa quá khá biệt là rào cản mà gia đình anh ta không thể vượt qua để hòa nhập xã hội.

Khi phân tán các cựu tù nhân của Guantánamo đi 30 nước, chính quyền Obama có ý định tốt đẹp và cũng được cân nhắc kỹ là tạo dựng một cơ hội cho những con người đã bị tước mất hơn mười năm cuộc đời khi bị giam ở Guantánamo có thể bắt đầu lại từ đầu ở một đất nước mới. Dẫu rằng không phải mọi trường hợp đều có kết thúc tồi tệ, tuy nhiên dưới sức ép tâm lý muốn nhanh chóng đóng cửa nhà tù này, chính quyền Obama đã quá vội vàng khi ký thỏa thuận với một số nước không có đủ khả năng quan tâm sát sao tới các cựu tù nhân này.

Hơn thế nữa kể từ khi ông Trump nhận chức ở Nhà Trắng, Văn phòng đặc trách về việc đóng cửa nhà tù Guantánamo, nơi được giao nhiệm vụ tiếp tục theo dõi cuộc sống của các cựu tù nhân sau khi được phóng thích, đã bị xóa sổ. Trên thực tế ở Bộ Ngoại giao Mỹ hiện nay không còn ai được giao nhiệm vụ hay có mối quan tâm về số phận của các cựu tù nhân này nữa. Điều đó cũng làm suy giảm lòng tin vào Mỹ từ những nước đồng minh đã chia sẻ những khó khăn với Mỹ khi đứng ra nhận tiếp đón và giúp đỡ các cựu tù nhân Guantánamo tái hòa nhập cuộc sống.

Dương Thắng (tổng hợp)
.
.
.