Các đối tượng buôn người giao dịch gần 7,9 tỷ USD mỗi năm qua Facebook

Chủ Nhật, 15/07/2018, 11:32
Dư luận đang quan tâm tới cuộc họp của tại Bộ trưởng Bộ Nội vụ các nước Liên minh châu Âu (EU) thành phố Innsbruck của Áo diễn ra hôm 12-7 để thảo luận về chính sách người di cư. 


Bởi nhiều khả năng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đức Horst Seehofer muốn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Italy Matteo Salvini đồng ý tiếp nhận lại số người di cư tới biên giới Đức sau khi nhập cảnh qua Italy. 

Trước đó (10-7), Italy đã không cho phép một tàu thương mại mang cờ Italy đưa người di cư tới nước này. Và việc này diễn ra trong bối cảnh Phó giám đốc điều hành của Cơ quan phòng chống tội phạm quốc gia Anh (NCA) Tom Dowdall vừa khuyến cáo các hãng truyền thông xã hội lớn nên sử dụng "sức mạnh bộ não" của họ vào việc chống lại hoạt động phi pháp của các tổ chức buôn người. 

Theo ông Tom Dowdall, các đối tượng buôn lậu, vận chuyển người di cư trái phép đang khai thác Facebook để thực hiện những giao dịch trị giá gần 7,9 tỷ USD/năm. Ông Tom Dowdall còn cho biết, các phương tiện truyền thông xã hội thực sự quan trọng đối với mạng lưới tội phạm có tổ chức bởi chúng cung cấp dịch vụ của các tổ chức tội phạm cho những người di cư trên khắp Địa Trung Hải. 
Bọn buôn người giao dịch hàng tỷ USD qua Facebook.

"Các mạng lưới tội phạm tạo ra lợi nhuận lên tới gần 7,9 tỷ USD/năm và hoạt động vận chuyển lậu người di cư vẫn diễn ra sôi nổi bất chấp việc đóng cửa trại tị nạn Calais", ông Tom Dowdall thông báo. 

Đồng thời cảnh báo, các băng nhóm tội phạm ngày càng tinh vi khi lập các trang Facebook dưới dạng các doanh nghiệp có chứng nhận đáng tin cậy và an toàn, để lừa người di cư. Vẫn theo ông Tom Dowdall, các mạng lưới tội phạm có tổ chức vẫn đang đưa lậu người di cư vào Anh, đặc biệt qua các đường biển ngắn, các cảng xuyên biên giới từ miền Bắc nước Pháp.

Theo thống kê, trong khi số lượng người di cư được đưa qua Địa Trung Hải bằng thuyền đã giảm, thì số người chết và mất tích vẫn tiếp tục gia tăng ở mức độ cao. Mấy ngày trước (8-7), hãng AFP dẫn lời người đứng đầu Cơ quan bảo vệ biên giới châu Âu (Frontex) Fabrice Leggeri cho biết, lộ trình phía Tây Địa Trung Hải từ Morrocco tới Tây Ban Nha có thể biến thành "đường mòn chủ chốt" tiếp theo cho người di cư tìm đường tới châu Âu. 

"Nếu bạn hỏi tôi về mối quan ngại lớn nhất hiện nay. Tôi sẽ nói là Tây Ban Nha", ông Fabrice Leggeri khuyến cáo khi trả lời phỏng vấn tờ Welt am Sonntag của Đức mới đây. Khuyến cáo của ông Fabrice Leggeri được đưa ra sau khi tàu Open Arms chở 60 người di cư được giải cứu ngoài khơi Libya cập cảng tại thành phố Barcelona của Tây Ban Nha sau khi Italy và Malta từ chối tiếp nhận hôm 4-7. 

Theo dữ liệu do Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) công bố, trong 6 tháng đầu năm 2017, số người di cư tới Tây Ban Nha là 6.513 người, và có tới 6.000 trường hợp di cư bất hợp pháp được ghi nhận chỉ riêng trong tháng 6-2018. Điều này cho thấy, lộ trình kể trên sẽ trở thành con đường chính đưa người di cư tới "lục địa già".

Giới truyền thông vừa dẫn lời lãnh đạo Đức, Áo và Italy cho biết, sẽ có các cuộc thảo luận về việc làm cách nào chặn con đường qua Địa Trung Hải mà hàng chục nghìn người di dân sử dụng để tới châu Âu. 

Ngày 5-7, sau khi có cuộc hội đàm với Thủ tướng Áo Sebastian Kurz ở Vienna, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đức Horst Seehofer cho biết, kế hoạch của Berlin sẽ không dồn gánh nặng lên Áo và nước này nên làm việc với Italy, điểm đầu của hầu hết di dân đến châu Âu. 

Theo thỏa thuận vừa đạt được giữa Bộ trưởng Bộ Nội vụ Horst Seehofer và đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Angela Merkel, Đức sẽ siết chặt kiểm soát biên giới và thành lập "những trung tâm trung chuyển" kín để giam giữ người di cư tại biên giới Áo. 

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Nội vụ Italy Matteo Salvini cho biết, sẽ cố gắng đạt được thỏa thuận với Đức trước cuộc họp của các Bộ trưởng Nội vụ EU ở thành phố Innsbruck của Áo diễn ra hôm 12-7. "Nếu chúng ta không chặn đứng dòng người từ phía Nam, thì đó sẽ là vấn đề đối với mọi người. Tình hình này rất nguy hiểm", ông Matteo Salvini nhấn mạnh.

Theo giới truyền thông, với tư cách Chủ tịch luân phiên EU 6 tháng cuối năm, Áo đã đưa ra 3 ưu tiên trong chương trình nghị sự để giải quyết khủng hoảng người tị nạn hiện nay. Cùng ngày 5-7, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã họp với Thủ tướng Hungary Viktor Orban tại thủ đô Berlin, và đã tranh cãi về vấn đề người di cư. 

Trước đó (30-6), người phát ngôn Chính phủ Hungary Zoltan Kovacs đã bác bỏ thông tin nói rằng, nước này đã đạt được thỏa thuận với Đức về hồi hương người tị nạn. Cho đến nay lãnh đạo 3 nước Hungary, Ba Lan và Cộng hòa Czech vẫn phản đối chính sách mở cửa tiếp nhận người nhập cư của Đức, đồng thời từ chối tiếp nhận số người nhập cư theo hạn ngạch phân bổ của EU.

Khắc Tuấn
.
.
.