Cái chết đến từ những viên kẹo ngọt

Thứ Tư, 11/09/2013, 13:56

Trong cuộc sống vợ chồng đôi khi không tránh khỏi nhàm chán, tẻ nhạt khi chung sống dưới một mái nhà. Và nhiều người đàn ông lấy đó là cái cớ để tìm kiếm cho mình niềm vui mới, nhưng dù sao với họ, vợ con, gia đình luôn là điều không thể thay thế. Khi chìm đắm trong niềm vui mới ấy, họ không thể nghĩ được rằng chính mình sẽ mang lại những mối họa không ngờ tới cho vợ con, những người mà họ yêu thương.

Ngoại tình…

Từ xưa đến nay, người ta vẫn thường ví đàn ông như những kẻ hiếu chiến thích đi chinh phục. Bởi thế mà ngay cả khi họ đã có người phụ nữ của riêng mình thì họ vẫn mong muốn có được những phụ nữ khác nữa. Trong cuộc sống vợ chồng đôi khi không tránh khỏi nhàm chán, tẻ nhạt khi chung sống dưới một mái nhà. Và nhiều người đàn ông lấy đó là cái cớ để tìm kiếm cho mình niềm vui mới, nhưng dù sao với họ, vợ con, gia đình luôn là điều không thể thay thế. Khi chìm đắm trong niềm vui mới ấy, họ không thể nghĩ được rằng chính mình sẽ mang lại những mối họa không ngờ tới cho vợ con, những người mà họ yêu thương.

John Preston Dunning là một phóng viên xuất sắc của Hãng tin AP vừa trở về từ nước ngoài và được thăng chức làm Giám đốc chi nhánh của AP ở San Francisco. Năm 1890, John gặp con gái của cựu nghị sĩ John Pennington ở Dover, Delaware, Elizabeth Mary trong một bữa tiệc lớn hằng năm của Hãng tin AP. Mary là một cô gái xinh đẹp thông minh và là con một gia đình danh giá. Họ nhanh chóng để ý nhau và hẹn hò, không lâu sau đó họ kết hôn với sự chúc mừng của tất cả mọi người bởi họ là một đôi trai tài gái sắc rất xứng đôi.

Cuộc sống hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ càng nhân lên khi Mary sinh được một cô con gái, nhưng cũng chính vì điều này mà mọi thứ bắt đầu thay đổi. Giống như nhiều bà vợ khác, Mary dồn hết sự quan tâm vào cô con gái của mình mà quên mất chồng, vì thế John bắt đầu chán nản tìm đến rượu và cờ bạc cá độ. Càng ngày mâu thuẫn của họ càng lớn và John càng lún sâu vào những thứ chết người đó.

Năm 1895, trụ sở chính của Hãng tin AP phát hiện ra John biển thủ công quỹ của công ty để trang trải cho những khoản nợ do cá độ nên đã sa thải anh ta. Khó khăn về tài chính càng khiến cho mâu thuẫn của hai vợ chồng lên cao và đỉnh điểm là khi Mary quyết định sẽ dẫn con gái về nhà ở Dover sống cùng cha mẹ, còn John sẽ ở lại tìm kiếm một công việc mới. Họ quyết định tạm thời xa nhau để bình tĩnh suy nghĩ lại mọi việc.

Trong thời gian xa vợ con, John đã vướng vào một mối tình với người phụ nữ khác. Khi tham gia vào một chuyến đạp xe từ thiện, John đã gặp và làm quen với Cordelia Botkin. Cordelia cũng có một cuộc hôn nhân thất bại với người chồng ở California dù họ chưa ra tòa nhưng đã không sống cùng nhau theo lời kể của cô. Hai con người cô đơn nhanh chóng tìm đến nhau và chìm đắm trong men tình mới mà quên đi người vợ, người chồng hợp pháp và cả những đứa con.

Cordelia như được sống trong thế giới ngập tràn hạnh phúc khi được sống cùng người tình, nhưng tất cả giống như một giấc mơ vụt tan biến khi chỉ hai tháng sau đó John bắt đầu tìm được một công việc mới và anh phải lên đường để đưa tin về cuộc chiến giữa Mỹ và Tây Ban Nha. Chờ đợi người mình yêu thương cũng là một niềm hạnh phúc và Cordelia chắc chắn sẽ sẵn sàng chờ đợi John trở về, nhưng mọi thứ trở nên tồi tệ khi anh ta đã nói lời chia tay cô trước khi đi. John nói rằng, mối quan hệ của họ nên chấm dứt ở đó và rằng anh ta rất nhớ vợ con, vì thế sẽ trở về Dover sống cùng họ sau khi kết thúc chuyến công tác.

Và hậu quả khôn lường

Quá sốc trước sự phũ phàng của John, Cordelia gần như không thể có bất kỳ phản ứng nào. Khi cô cố gắng níu kéo John và nói sẽ chờ đợi anh ta trở về nhưng sự thật trong mối quan hệ này chỉ có Cordelia coi là nghiêm túc, còn với John đây chỉ như một cuộc vui chơi qua đường và giờ vui chơi đã chán, anh ta muốn quay trở về bên vợ con mình. Cordelia đã hỏi John một câu: “Nếu không có vợ con, anh có về với em không?” nhưng John đã im lặng không nói mà quay đầu bước đi.

Cordelia Botkin.

Về phần vợ con của John, sau khi trở về sống cùng cha mẹ, Mary đã có một quãng thời gian vui vẻ mà đã lâu cô không còn cảm nhận được. Mùa hè năm 1898, Mary bắt đầu nhận được những lá thứ từ một người ký tên là bạn của gia đình gửi từ San Francisco. Trong thư, người gửi đã kể cho cô nghe về mối tình của chồng mình với một phụ nữ khác bằng giọng điệu bức xúc thay cho Mary.

Tháng 8/1898, Mary nhận được hộp quà sôcôla cũng từ người “bạn” đó với dòng chữ “Thân gửi tình yêu đến bạn và con gái”. Ngày 9-8-1898, sau bữa tối, mọi người ngồi uống trà trước hiên nhà và mở gói quà của người bạn bí ẩn. Người lớn nếm thử những thanh sôcôla và uống trà cùng nhau, còn bọn trẻ, trong đó có con gái của Mary, mải nô đùa nên không dùng sôcôla.

Ngày hôm sau, tất cả những người ăn sôcôla tối hôm trước đều bị bệnh. Họ bị một loại bệnh mà triệu trứng giống với bệnh dịch tả, trong đó Mary và chị gái đã ăn sôcôla nhiều hơn những người còn lại nên cả hai đã bị chết vài ngày sau đó trong bệnh viện.

John vẫn đang ở nước ngoài, khi nghe tin vợ mình qua đời đã cố gắng thu xếp trở về sau đó mười ngày. Khi về, cha của Mary đã đưa cho John tấm bưu thiếp kèm trong hộp quà từ San Francisco và John gần như ngã quỵ vì anh ta gần như đoán được ai là kẻ mạo danh. John không ngờ rằng chính mình đã mang tai họa đến cho vợ con.

Mặc dù đoán biết người tình của mình là thủ phạm nhưng John vẫn không dám nói ra. Trước những biểu hiện lạ của con rể, ông Pennington nghi ngờ rằng con gái mình đã bị đầu độc bởi hộp quà kia nên đã mang những thanh kẹo còn lại đi xét nghiệm. Kết quả cho thấy, một số thanh kẹo có hàm lượng asen cao. Các bác sĩ pháp y cho rằng, việc khám nghiệm tử thi sẽ không mang lại kết quả gì bởi họ cho rằng, việc nạn nhân bị nôn mửa liên tục trước khi chết đã làm rửa sạch những chất độc trong cơ thể.

Với kết quả xét nghiệm đó, cái chết của hai chị em Mary và Leila Deane đã được đưa lên thành một vụ đầu độc và bắt đầu mở rộng điều tra. Cảnh sát Dover đã đề nghị sự phối hợp điều tra của cảnh sát San Francisco.

Sau một thời gian im lặng vì sợ bị mọi người lên án, John đã quyết định nói cho cảnh sát nghi ngờ của mình. Những vật chứng là chiếc hộp bánh có dấu bưu điện San Francisco và tấm bưu thiếp với dòng chữ “Thân gửi tình yêu đến bạn và con gái” cùng với lời khai của John, cảnh sát đã khoanh vùng điều tra nhắm đến Cordelia.

Tại San Francisco, Cảnh sát trưởng Lees bắt đầu tìm đến tất cả những cửa hàng thuốc đã bán asen trong vòng vài tháng trở lại thời điểm đó. Kết quả là một cửa hàng trên phố Market Street đã bán asen cho một phụ nữ hồi tháng 6, tức là hai tháng trước khi vụ đầu độc Mary xảy ra. Người nhân viên bán hàng nói vẫn nhớ người phụ nữ mua hàng vì hôm đó cô ta có vẻ lo lắng và đã lớn tiếng khi cô nhân viên chậm trễ vừa bán hàng vừa gọi điện thoại. Và những mô tả của nhân viên đó rất trùng hợp với Cordelia.

Tiếp tục điều tra, Cảnh sát trưởng Lees đã gặp bác sĩ riêng của Cordelia và ông này cho biết, hồi tháng 6, Cordelia đã hẹn gặp ông chỉ để hỏi về tác hại của asen với con người. Với vỏ hộp kẹo sôcôla được cảnh sát Dover chuyển đến, cảnh sát San Francisco nhanh chóng xác định được loại kẹo đó được bán ở cửa hàng bánh kẹo lớn Haas. Nhân viên ở đây nói, khoảng đầu tháng 8 có một phụ nữ vào mua hàng và hỏi họ liệu cô ta có thể mua nửa hộp vì muốn để những viên kẹo tự mình làm vào nửa hộp còn lại và họ đã đồng ý. Những mô tả về người phụ nữ hôm đó cũng rất giống với Cordelia.

Bằng chứng cuối cùng cần xác minh là tấm bưu thiếp với những chữ viết trên đó. Những chuyên gia phân tích chữ viết hàng đầu trong cả nước ngồi lại với nhau và họ khẳng định, nét chữ trong tấm bưu thiếp và nét chữ trong những bức thư Cordelia gửi cho John là trùng khớp.

Với tất cả chứng cứ rõ ràng đó, tháng 10/1898, Cordelia chính thức bị bắt giữ và chờ xét xử. Tháng 12/1898, trong phiên tòa xét xử, Cordelia vẫn một mực khẳng định mình vô tội. Mặc dù mọi bằng chứng đã khá rõ ràng, nhưng một trở ngại đó là tất cả chỉ là bằng chứng gián tiếp, không phải tất cả những thanh kẹo đều có asen và tử thi của nạn nhân đã không được khám nghiệm để xác định nguyên nhân cái chết. Cuối cùng sau bốn giờ nghị án, các thẩm phán tòa án tối cao thành phố San Francisco ra phán quyết  Cordelia có tội, với hai tội danh giết người cấp độ đầu tiên. Cordelia bị kết án tù chung thân không ân xá và bị giam giữ tại nhà tù San Quentin.

Cordelia Botkin đã phải trả giá cho tội ác mình đã gây ra. Lý do cho hành động của mình vì tình yêu chỉ là sự bao biện. Tình yêu không chấp nhận con người ta dùng mọi cách kể cả giết người để có được và có lẽ người sẽ phải sống trong ân hận cả đời, không chỉ là Cordelia Botkin mà còn cả John Dunning. Anh ta sẽ không bao giờ tha thứ cho bản thân vì đã đánh đổi những phút vui thú bên ngoài bằng cả mạng sống của người vợ mình yêu thương

Nhật Linh
.
.
.