Cái chết thảm khốc của thủ lĩnh tối cao IS

Thứ Ba, 29/10/2019, 17:32
Ngày 27-10, Tổng thống Mỹ Donal Trump cho biết thủ lĩnh tối cao Nhà nước Hồi giáo (IS) Abu Bakr al-Baghdadi đã chết sau một cuộc đột kích trong đêm 26-1 của quân đội Mỹ ở Syria.

 "Kẻ côn đồ từng dành nhiều nỗ lực đe dọa người khác đã dành những giây phút cuối đời trong nỗi sợ hãi và hoảng loạn khi các lực lượng Mỹ bao vây hắn ta. Hắn ta chạy tới cuối đường hầm trong khi bị chó của chúng ta đuổi theo. Hắn kích hoạt đai bom tự sát bên cạnh ba con. Cơ thể hắn ta không còn nguyên vẹn, bị vùi lấp dưới đường hầm", ông Trump nói. 

Cái chết của Baghdadi là một thắng lợi quan trọng đối với Tổng thống Trump sau khi ông bất ngờ ra quyết định rút binh sĩ Mỹ khỏi Syria và nhận về hàng loạt ý kiến chỉ trích dữ dội, từ cả các thành viên đảng Cộng hòa, rằng động thái này sẽ giúp Nhà nước Hồi giáo (IS) hồi sinh.

Abu Bakr al-Baghdadi là ai?

Baghdadi, tên thật là Ibrahim Awwad Ibrahim al-Badri, sinh năm 1971 ở gần Samarra, phía bắc Baghdad, Iraq, có tiếng là một chiến thuật gia chiến trường có tổ chức và tàn nhẫn; được mô tả là kẻ truy nã gắt nhất thế giới.

Là người có thể trạng yếu đuối, lại bị cận thị nặng nên dù muốn tham gia quân đội Iraq dưới thời Tổng thống Saddam Hussein nhưng Baghdadi vẫn bị loại. Điểm số ở trường trung học của Baghdadi cũng không đủ tốt để đăng ký học các ngành luật, khoa học giáo dục và ngôn ngữ tại Đại học Baghdad. 

Có thông tin cho rằng sau đó Baghdadi đăng ký theo học Đại học Hồi giáo Baghdad, nay là Đại học Iraq, nơi hắn học luật Hồi giáo. Theo tiểu sử lưu hành trên các diễn đàn internet cực đoan vào tháng 7- 2013, hắn đã lấy bằng cử nhân , thạc sĩ và tiến sĩ về nghiên cứu Hồi giáo từ Đại học Hồi giáo Baghdad.

Theo Daily Telegraph, những người từng biết Baghdadi khi còn trẻ mô tả hắn là người nhút nhát, không ấn tượng. Trong hơn một thập kỷ, cho đến năm 2004, hắn sống trong một căn phòng gắn liền với một nhà thờ Hồi giáo địa phương nhỏ ở Tobchi, một khu phố nghèo ở rìa phía tây Baghdad , có cả người Hồi giáo Shia và Sunni .

Abu Bakr al-Baghdadi.

Năm 2003, sau khi Mỹ xâm chiếm Iraq, Baghdadi đã tham gia thành lập nhóm phiến quân Jamaat Jaysh Ahl al-Sunnah wa-l-Jamaah (JJASJ) với vai trò người đứng đầu ủy ban sharia. Baghdadi và nhóm này đã gia nhập Hội đồng Mujahideen Shura (MSC) năm 2006. Sau khi đổi tên thành MSC thành Nhà nước Hồi giáo Iraq (ISI) năm 2006, Baghdadi trở thành lãnh đạo của ISI và là thành viên của hội đồng tư vấn cao cấp của nhóm.

Ngày 16-5-2010, Baghdadi tuyên bố là thủ lĩnh của Nhà nước Hồi giáo Iraq (ISI), còn được gọi là al-Qaeda ở Iraq (AQI). Là lãnh đạo của ISI, Baghdadi chịu trách nhiệm chủ mưu các hoạt động quy mô lớn như vụ đánh bom tự sát ngày 28- 8-2011 tại Nhà thờ Hồi giáo Umm al-Qura ở Baghdad, đã giết chết nhà lập pháp nổi tiếng của Sunni Khalid al-Fahdawi. Tháng 5-2014, Baghdadi tuyên bố thành lập nhà nước Hồi giáo tại Mosul, Iraq, và đó cũng là lần xuất hiện công khai duy nhất của hắn.

Vào thời kỳ đỉnh cao quyền lực, IS cai trị hàng triệu người tại vùng lãnh thổ chạy từ phía Bắc Syria tới các thị trấn và làng mạc dọc lưu vực sông Tigris và Euphrates tới vùng ngoại thủ đô Baghdad của Iraq. Tên của Baghdadi còn được nhắc đến các vụ tấn công ở 8 quốc gia do các phần tử IS thực hiện, nhằm vào 92 mục tiêu khác nhau.

Giới chức Mỹ có mặt tại Phòng Tình huống Nhà Trắng trong đêm 26-10: từ trái sang: Cố vấn An ninh quốc gia Robert O'Brien, Phó Tổng thống Mike Pence, Tổng thống Trump, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Tướng Mark Milley và Chuẩn tướng Marcus Evans. (Ảnh: Nhà Trắng)

Cuộc truy lùng quyết liệt

Tháng 10- 2011, Mỹ chính thức liệt Baghdadi vào danh sách những kẻ khủng bố bị săn lùng và treo phần thưởng trị giá 10 triệu đô la. Năm 2016, Bộ Ngoại giao Mỹ đã trao phần thưởng lên tới 25 triệu đô la cho thông tin hoặc thông tin tình báo dẫn đến việc bắt giữ hoặc tử vong của Baghdadi.

Mùa thu năm 2017, hai sào huyệt của IS tại Mosul và Raqqa ở Iraq và Syria lần lượt thất thủ và Baghdadi cùng tàn quân tháo chạy về khu vực biên giới giữa hai nước và rút vào hoạt động ngầm. Bị treo thưởng với cái giá tới 25 triệu USD, Baghdadi hiểu rằng mình là đối tượng săn lùng của nhiều lực lượng. 

Hắn được cho là đã sử dụng các biện pháp để tránh sự giám sát, không bao giờ sử dụng điện thoại di động, thường xuyên thay đổi nhà an toàn và tránh đi lại trong các đoàn xe có thể thu hút sự chú ý. 

Mắc chứng hoang tưởng ảo giác, sức khỏe lại suy yếu hơn bởi những vết thương trên chiến trường và căn bệnh tiểu đường, Baghdadi liên tục thay đổi địa điểm ẩn náu. Hắn đã làm điều đó thường xuyên trong suốt cuộc đời của mình, liên tục dịch chuyển giữa miền Đông Syria và Tây Iraq. 

Đó là một chặng đường dài đối với một kẻ chỉ tin tưởng rất ít người ở bên ngoài Iraq, và không tin một ai ngoại trừ vài tay chân thân tín nhất. Và đó là một nơi dường như không thể bị phát hiện, theo các quan chức tình báo châu Âu, những người cuối cùng đã lần ra Baghdadi tới thị trấn miền Đông Syria, Baghuz hồi tháng 1-2019.

Vào giữa tháng 9- 2019, tình báo Iraq xác định được một người đàn ông Syria từng được huy động để đưa trái phép hai người vợ của anh em Baghdadi, là Ahmad và Jumah, đến tỉnh Idlib, Syria, đi qua lối Thổ Nhĩ Kỳ. Chính tên buôn lậu này trước đó đã giúp chuyển những đứa con của Baghdadi ra khỏi Iraq.

Các quan chức tình báo Iraq nói rằng họ có thể sử dụng được một người đàn ông và một phụ nữ được cho là vợ của anh ta, cũng như một trong những người cháu trai của Baghdadi, để cung cấp thông tin về tuyến đường mà "người vận chuyển" sử dụng và điểm đến của những người mà anh ta chịu trách nhiệm vận chuyển. 

Thông tin đó nhanh chóng được chuyển đến Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA). Đến giữa tháng 10, một kế hoạch bắt giữ hoặc tiêu diệt Baghdadi đã được lên chi tiết. 

Theo tiết lộ của Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Robert O'Brien hôm 27-10, chiến dịch này được đặt tên là "Kayla Mueller", nhằm vinh danh một nhân viên cứu trợ ở Arizona, Mỹ bị Baghdadi bắt làm nô lệ và sau đó chết ở Raqqa, Syria.

Những gì còn sót lại của ngôi nhà nơi Baghdadi ẩn náu và chết tan xác dưới hầm ngầm.

Giới chức Iraq cho hay họ đã cung cấp thông tin cập nhật theo thời gian thực cho Washington khi Baghdadi di chuyển đến Idlib, Syria. Vào giữa tháng 10, các quan chức Mỹ và Iraq ngày càng tin chắc rằng Baghdadi thực sự đang ở tỉnh Idlib, di chuyển giữa các ngôi nhà khác nhau trong một ngôi làng tên là Barisha, cách không xa biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. 

Thời điểm này, các phương tiện kỹ thuật mà Washington triển khai đã phát huy hiệu quả khi xác định được những người hắn ta sống cùng và vị trí hắn ẩn náu. Trong số này có một người đàn ông là Abu Mohammed al-Halabi, thủ lĩnh của nhóm "thánh chiến" đối thủ Hurras al-Dein, và cũng là một người cùng đi ít tin cậy nhất với tên trùm IS. 

Ngôi nhà mà al-Halabi đang ở được xây dựng vào đầu năm 2018 bên trên một hệ thống đường hầm. Đó là nơi ẩn náu lý tưởng cho một kẻ chạy trốn và sẽ cần tới một lực lượng mạnh để tấn công nơi này.

Theo tờ Newsweek, chiến dịch đặc biệt của đặc nhiệm Mỹ, do đích thân Tổng thống Mỹ Donald Trump phê chuẩn 1 tuần trước khi diễn ra. Đặc nhiệm Mỹ đã huy động 6 trực thăng, hai xe bọc thép chở quân và nhiều lính đặc nhiệm truy kích một đoàn xe tại thị trấn Huras al-Din, gần khu vực Barisha thuộc tỉnh Idlib. 

Lực lượng tấn công ập đến địa điểm tại Idlib lúc 1 giờ sáng và đối mặt với một loạt tiếng súng từ mặt đất. Trong các cuộc đụng độ ác liệt xảy ra sau đó, ít nhất 9 thành viên của IS đã bị tiêu diệt ngoài Baghdadi. Nhiều người trong số họ là thành viên gia đình.

Các chuyên gia pháp y đã có mặt ngay, mang theo những mẫu DNA của Baghdadi và các phương tiện để so sánh chúng với xác chết tại hiện trường. Họ nhanh chóng khớp những gì mình có với những gì đội đặc nhiệm thu được từ vụ nổ dưới lòng đất. Hai giờ sau cuộc đột kích, nhóm thực thi chiến dịch đã có thể xác nhận rằng họ thực sự đã lùng ra mục tiêu của mình.

Cái chết của Baghdadi được coi là thắng lợi quan trọng với Trump trong bối cảnh ông bị chỉ trích dữ dội vì quyết định rút quân khỏi Syria, động thái được cho là sẽ tạo điều kiện để IS hồi sinh. 

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cũng tỏ ý nghi ngờ mức độ quan trọng của chiến dịch này, cho rằng cuộc đột kích chỉ "khiến al-Baghdadi bị loại bỏ sớm, nhưng tổ chức của hắn vẫn không thay đổi".

Minh Khuê (tổng hợp)
.
.
.