Cài người bắt nhân viên Sở thuế “dỏm”

Thứ Hai, 07/11/2016, 16:15
Cảnh sát thành phố Thane (Ấn Ðộ) vừa điều tra 700 người giả làm nhân viên Sở thuế Mỹ (IRS) để “cướp” hàng chục triệu USD của các nạn nhân người Mỹ.


Cảnh sát trưởng Paramvir Singh cho biết trong vụ lừa đảo lớn nhất lịch sử Ấn Độ này, 70 nhân viên tổng đài điện thoại đã bị bắt, 630 người khác bị điều tra, và có thể sẽ bắt thêm nhiều người nữa. 

Ông Singh nói nhờ có tin chỉ điểm cho cảnh sát giúp phát hiện vụ lừa đảo này: cảnh sát cài người vào một trung tâm tổng đài để điều tra-xác minh, thu âm được toàn bộ những cuộc đe dọa. Cảnh sát cũng tịch thu 851 đĩa cứng ghi tất cả các cuộc gọi này. 

Nhóm nhân viên thuế “dỏm” bị bắt.

Ngày 4-10, khoảng 200 cảnh sát khám xét 9 địa điểm ở Thane, thủ phủ tài chính của Ấn Độ. Họ nhận định đường dây lừa đảo này do các trung tâm tổng đài điện thoại điều hành, các nhân viên được huấn luyện nói giọng Mỹ để giả làm nhân viên IRS “dỏm”. 

Hiện nhiều công ty nước ngoài giao việc cung cấp dịch vụ cho các tổng đài điện thoại ở Ấn Độ, nơi mà nguồn nhân công giá rẻ xử lý nhiều dịch vụ như đọc giờ chạy tàu, bán điện thoại di động. 

Vài năm qua, các công ty bắt đầu chuyển tổng đài điện thoại đến các nước khác như Philippines vì ưu tiên người nước này giỏi nói tiếng Anh giọng Mỹ.

Ở 9 trung tâm tổng đài tại Ấn Độ, nhân viên giả làm nhân viên IRS “dỏm”, gọi điện đến từng nạn nhân, xưng tên Mỹ và dọa các công dân Mỹ rằng IRS sẽ truy tố tội họ trốn nộp thuế, họ sẽ bị kết án tù nhiều năm và phải nộp phạt 100.000 USD. Các khoản “nợ chính quyền” này thường được chúng kê là 4.000, 5.000 hoặc 10.000 USD. 

Chúng yêu cầu nạn nhân giữ máy, bảo rằng cảnh sát sẽ khám nhà trong 30 phút nếu họ tắt điện thoại và dọa tiếp: “Quí vị phải nộp tiền,nếu không quí vị sẽ mất việc, mất tiền, mất nhà. Kế hoạch hưu trí của quí vị sẽ bị niêm phong và tịch thu, toàn bộ tiền lương và trợ cấp của quí vị bị niêm phong, hộ chiếu và thẻ căn cước của quí vị bị tịch thu, nếu quí vị là công dân nước khác thì sẽ bị trục xuất khỏi Mỹ. Số thẻ an sinh xã hội của quí vị sẽ bị chặn trong 7 nămtới và quí vị sẽ không được hưởng bất kỳ lợi ích như trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp thương tật, miễn trừ gia cảnh hoặc thu nhập, trợ cấp hưu trí ”.

Sau khi lừa nạn nhân khai báo các thông tin về tài khoản ngân hàng của họ, chúng rút tiền trong tài khoản. Nạn nhân cũng bị yêu cầu giữ máy, đến một cửa hàng bán lẻ mua thẻ trả trước, nạp hàng ngàn USD vào thẻ rồi chuyển tiền đến một số tài khoản ngân hàng ở Mỹ trước khi được chuyển về Ấn Độ. 

Cảnh sát Ấn Độ không cho biết số tiền đã bị chiếm đoạt, hoặc liệu công dân các nước khác có bị bọn nhân viên IRS “dỏm” này chọn làm mục tiêu hay không. 

Cảnh sát trưởng Singh nói các trung tâm tổng đài điện thoại đã hoạt động hơn một năm, nên ước tính chúng đã lừa được hàng tỉ rupee (tiền Ấn Độ) của khoảng 10.000 công dân Mỹ. Thông tin khác nêu chúng kiếm được 150.000 USD/ngày suốt một năm trước khi bị phát hiện. Ông Singh cũng cho rằng bọn trùm lừa đảo này có đồng bọn ở Mỹ, và chúng đã bỏ trốn.

Theo CNN, cơ chế hoạt động của đường dây lừa đảo này tương tự những vụ giả làm nhân viên IRS, đã lừa được hơn 15 triệu USD từ năm 2013 đến 2015. Trong vụ này, các nhà điều tra nghi những cuộc điện thoại hù dọa là từ Ấn Độ, thủ phạm giả làm nhân viên IRS ở Washington. Theo báo New York Times, Tổng cục IRS nói có hơn 1,7 triệu đơn khiếu kiện của số nạn nhân bị lừa đảo tổng cộng hơn 47 triệu USD trong 3 năm qua.

Gần đây, điều tra viên của Bộ Tài chính Mỹ đã lập hồ sơ truy tố hình sự 5 người ở 3 bang Mỹ, cáo buộc họ chiếm đoạt gần 2 triệu USD của hơn 1.500 nạn nhân bị trúng kế nhân viên thuế “dỏm”.

Anh Thao (theo Guardian)
.
.
.