Cải tạo lao động bắt buộc ở Nga

Thứ Hai, 07/11/2016, 10:01
Ngày 4-10, Cục phó Nhà tù liên bang Nga Valery Maximenko nói với Hãng thông tấn TASS: từ năm 2017, tù phạm Nga sẽ có một hình thức cải tạo mới là phải lao động bắt buộc.

Từ ngày 1-1-2017, Cục Nhà tù liên bang Nga sẽ mở 4 trại cải tạo ở các vùng  Tyumen, Stavropol, Tambov và Primorye. Trong khi đó, trại cải tạo lao động sẽ mở ở các vùng  Bashkiria, Trans-Baikal, Samara, Smolensk, Arkhangelsk,  Novosibirsk và ở nước Cộng hòa Karelia.

Ông Maximenko nói đây là một cách khác để tước quyền tự do, và “Lao động bắt buộc và lưu trú trong trại cải tạo có thể so sánh với công nhân làm việc xa nhà và sống ở nhà trọ. Chỉ có vài hạn chế như tù phạm không thể chọn việc, không thể rời trại nếu không được phép của ban quản giáo. Thực chất là không có sự hạn chế nào khác, họ sống như trong nhà trọ và một khi thụ án được 1/3 án tù, tù phạm có thể được phép sống với gia đình ngoài trại, nhưng trong thành phố có trại cải tạo”.

Theo báo Russia beyond the headlines (RBTH), sau khi tòa tuyên án tù, tù phạm sẽ tự đến các trại cải tạo để làm việc theo một hợp đồng lao động. Một tù phạm có thể sử dụng điện thoại di động và internet. Tù phạm bị bệnh có quyền đến bác sĩ và họ cũng được nghỉ phép 18 ngày sau 6 tháng lao động đầu tiên. 

Các điều khoản của Luật Lao động của nước Nga sẽ được áp dụng đầy đủ đối với các tù phạm, ngoại trừ quyền thôi việc hoặc quyền được nghỉ phép. Từ phán quyết của tòa, chính quyền sẽ giữ lại từ 5 - 20% số tiền lương tù phạm được lãnh. Tù phạm cũng sẽ phải đóng tiền chi phí sống trong một nhà trọ và trả án phí.

Ông Maximenko nói có thể sẽ áp dụng hình thức kỷ luật này trên toàn quốc, sẽ có 896 địa điểm để tù phạm thi hành án theo hình thức cải tạo lao động. Cục Nhà tù liên bang sẽ tìm cách sử dụng tù phạm có nghề nghiệp chuyên môn. Cùng lúc, việc này sẽ tùy thuộc sự thiếu hụt ở thị trường lao động và tùy thuộc người sử dụng lao động. 

Ở tầm mức rộng hơn, các tù phạm có tay nghề sẽ được sử dụng ở các lĩnh vực chỉ cần lao động tay chân vốn hiện có nhiều dân nhập cư tham gia. Cục Nhà tù liên bang sẽ xem các tiêu chuẩn tuyển dụng lao động của các xí nghiệp và thành phố.

Vẫn theo RBTH, cải tạo lao động là một hình thức kỷ luật có nêu trong Luật Hình sự Nga hồi cuối năm 2011, nhưng cho đến nay vẫn chưa áp dụng. Các mức kỷ luật này có nêu trong 186 điều khoản của luật này, chủ yếu là áp dụng với các tù phạm nhẹ tội và tù phạm phạm trọng tội lần đầu (ngoại trừ các tội liên quan ma túy). Hình thức kỷ luật này không áp dụng với trẻ vị thành niên, người khuyết tật, phụ nữ mang thai, người đến tuổi hưu và quân nhân.

RBTH cũng ghi nhận rằng trong khi nhiều tội phạm Nga “ngựa quen đường cũ” ngay sau khi mãn án tù, một số cựu tù phạm đã trở thành những nhà thầu thành đạt, tự lập nghiệp sau khi học được kỹ năng nghề nghiệp trong nhà tù. 

Tại Nga và nhiều nước khác, việc giúp cựu tù phạm hòa nhập vào xã hội và có việc làm là một vấn nạn căng thẳng. Nhiều người muốn có việc làm thích hợp luôn gặp phải sự nghi ngờ, miễn cưỡng của nhiều công ty và nhân muốn thuê cựu tù phạm. Những cựu tù phạm khác thì không có tay nghề cần thiết và đã quên lối sống tự lập.

Dù vậy, vẫn có những cựu tù phạm không chỉ tự khởi nghiệp, họ còn giúp các cựu tù phạm khác có việc làm. 

Yevgeny Morozov, sau khi mãn án hồi tháng 10-2015 đã mở một xưởng mọc ở vùng Noginsk (ngoại ô Moscow) và cùng các cựu tù đóng đồ nội thất chất lượng mà giá phải chăng. Chỉ nửa năm sau, dân địa phương ưng sản phẩm của xưởng ông. Morozov kể ông từng có ý tưởng lập xưởng mộc từ trước khi bị tù, và đã quen nhiều thợ mộc giỏi trong tù. Từ đó họ ước mơ sẽ làm ăn chung sau khi mãn án.

Ở trong tù, các tù phạm lao động bắt buộc từ 8 giờ đến 11 giờ 30, gồm đóng bàn ghế, gò nồi, may quần áo, thêu khăn trải giường. Morozov cho biết, nếu không đi làm, tù phạm sẽ bị phạt biệt giam. Tù phạm tự do chọn việc, thường được trả lương từ 600 - 700 rúp, cao nhất là 1.500 rúp (22 USD) mỗi tháng.  

Morozov chọn nghề mộc, sau khi ra tù ông nhận những hợp đồng xây dựng. Rồi sau khi đủ vốn, ông mở một xưởng mộc nhỏ (300m2) với 8 nhân viên. Vợ ông làm giám đốc, lo quảng cáo hàng và giúp các cựu tù phạm có việc làm ổn định. Morozov kể thường thì trong 1,2 năm sau khi mãn án tù, các cựu tù phạm thường thất nghiệp và họ chỉ còn mỗi cách giải khuây là “nhậu tới bến”.

+ Ở các nhà tù, tù phạm trọng tội hoặc tái phạm mặc quần áo tù màu xanh xám, đội mũ. Bên phải ngực áo phải đeo bảng tên, số hiệu của điều khoản luật hình sự mà họ phạm, và mức án tù.

+ Tù phạm có các chữ SUON (chế độ nghiêm khắc) là những “kẻ không thể cải tạo”, trong một năm chỉ được hai lần thăm nuôi ngắn, 1 lần thăm nuôi dài và chỉ được nhận 2 túi quà thăm nuôi.

+ Ở những khu giam nhốt có trích dẫn những phát biểu của người nổi tiếng (như của Tổng thống Vladimir Putin) về chủ đề “tội ác và trừng phạt”. Tù phạm được cho ra sân 90 phút/ngày. 

 + Từ đầu những năm 2000, số thanh-thiếu niên Nga bị kết án tù ở các trại giáo dưỡng đã giảm đáng kể: Năm 2003 có 16.491 thanh-thiếu niên ở những trung tâm cải tạo này, nhưng năm 2013 chỉ cỏn 1.683 người. Nhiều tội phạm chưa đủ 18 tuổi thường chỉ bị quản thúc, phải hoàn thành các yêu cầu để được tự do như tuân thủ giờ qui định, tiếp tục học tập hoặc lao động.

+ Theo Cục Nhà tù liên bang Nga, từ đầu tháng 3.2016 có 650.613 tù phạm. Khoảng 526.343 tù phạm sống ở 720 trại cải tạo.

+ Theo Cục trên, năm 2015 có 194.310 người lần đầu tiên đi tù, trong khi 199.472 người đi tù lần thứ hai, thứ ba, thứ tư hoặc thứ năm. 

Vĩnh Thụy (theo RBTH)
.
.
.