Campuchia:

Tướng CSGT bị lính tố tham nhũng

Thứ Năm, 01/09/2016, 12:07
Trung tướng Run Rathveasna, chỉ huy đơn vị kiểm tra điều lệnh của cảnh sát giao thông Campuchia, bị cấp dưới tố cáo tham ô, ưu ái người thân quen và lạm quyền.

Theo Đơn vị chống tham nhũng (ACU) của cảnh sát Campuchia, tướng Rathveasna "ăn chặn" tiền công làm thêm giờ của CSGT, những người phải làm việc trong dịp Tết. Ông còn bị tố cáo “cầm đầu”một mạng lưới cố tình làm trái, ví dụ vụ xin biển số xe CS thông qua một quan chức chuyên về kỹ thuật, chứ không thông qua Bộ Nội vụ.

Kiểm soát giao thông ở ngoại thành thủ đô là “chỗ thơm”

Cảnh sát quốc gia Campuchia được chính phủ cấp 12 xe tuần tra hiệu Mazda, tướng Rathveasna bị tố “âm mưu” bán các xe này, thông qua một chương trình cho thuê và bán xe công vụ. Vấn đề là bán xe, ông bỏ túi riêng được 32.000 USD.

Vị trung tướng này còn “xà xẻo” tiền bằng nhiều cách khác, thí dụ, chặt khoản tiền phạt người vi phạm luật giao thông. Trang web ACU viết: "Những cáo buộc ông Rathveasna bỏ túi riêng khoảng 3 triệu riel (750 USD) mỗi tháng, và ông còn hưởng 10 % tiền phạt lỗi vi phạm luật giao thông ở thủ đô Phnom Penh và các tỉnh thành".

Những người cáo buộc còn tố cáo ông Rathveasna đưa người thân cận vào chức đội trưởng các đội CSGT, và chỉ định những người thân này không tuân theo các quy trình, thủ tục. Những người thân này được bố trí chỉ huy các chốt kiểm soát giao thông trên quốc lộ, những nơi được coi là “chỗ béo bở”.

Theo một CSGT làm việc ở Đại lộ Norodom, thủ đô Phnom Penh, các đơn vị tuần tra giao thông ở ngoại ô thủ đô luôn kiếm được nhiều tiền hơn đồng nghiệp trong nội thành, vì họ có thể phạt các loại xe tải, xe container.

Cuối năm 2015, chính phủ Campuchia cho biết: CSGTcó quyền giữ 70% số tiền phạt lái xe phạm lỗi. Khoản tiền này tăng 50% so với trước đây, và là một phần trong luật giao thông mới của Campuchia. Luật này có hiệu lực từ tháng 1-2016.

Viên cảnh sát nói qui định này đã giúp nạn tham nhũng trong lực lượng CSGT giảm đáng kể. Nhưng một cảnh sát khác đề nghị giấu tên, nói với báo Cambodia Daily: nạn tham nhũng “là chuyện thường ngày” trong lực lượng, và ở Campuchia nói chung. Ông nói: “Ai cũng biết những vụ nhám nhúa này”.

Tướng Rathveasna giải thích việc một số “anh em” ở các tổ CSGT chưa nhận được tiền công làm thêm giờ: họ chưa điền đầy đủ vào các loại giấy tờ cần thiết, và ông chối chuyện “âm mưu bán xe của đơn vị”.

Nói chuyện qua điện thoại với báo Cambodia Daily, tướng Rathveasna khẳng định vô tội, nhưng không cho biết ông đã giải trình thế nào với ACU: "Tôi không muốn bình luận gì thêm, vì tôi đã giải thích với ACU. Tôi chỉ muốn nói rằng anh em dưới quyền vu cáo tôi. Đó là lý do ACU đăng tải những giải thích của tôi".

Tuy nhiên, hồi tháng 5, Bộ trưởng Nội vụ Sar Kheng nói CSGT đã không nhận được khoản chia tiền phạt lỗi vi phạm luật giao thông, và vị Bộ trưởng đã dọa sẽ giáng cấp các sĩ quan (được giấu tên) nếu họ không chịu "chỉnh đốn trong một thời hạn ngắn".

Lúc đó, Bộ trưởng Sar Kheng nói: "Cho đến nay, anh em chưa nhận được tiền chia. Vậy thì số tiền đó đi đâu? Chúng tôi gọi đó là bất công. Họ làm việc gian khổ dưới ánh nắng gay gắt mà lại không được hưởng tiền công".

Sau đó, ACU tuyên tướng Rathveasna không hề có sai phạm gì. Chủ tịch ACU Om Yen giải thích: 

Các đơn vị tuần tra phải thuê xe tuần tra, và những người cáo buộc đã sai khi phàn nàn việc họ không được trả tiền công làm thêm giờ, vì họ chưa làm giấy tờ báo cáo đầy đủ. 

Ông cũng nói những người tố cáo có quyền kháng nghị nếu họ chưa hài lòng với kết luận của ACU. Vị lãnh đạo ACU nói ông vẫn có thể mở cuộc điều tra về những cáo buộc tướng Rathveasna, nếu như “lính” của ông không hài lòng với giải trình của ông.

Giáo dục chống tham nhũng cho học sinh từ lớp 4 đến lớp 6

Công khai đăng tải các cáo buộc tham nhũng do cán bộ- chiến sĩ CSGT gởi đến đã là một hoạt động phổ biến của ACU. Theo báo Bưu điện Phnom Penh, từ ngày 27.7, Bộ Giáo dục-thanh niên-thể thao Campuchia cũng mở rộng chương trình giáo dục chống tham nhũng của ACU cho học sinh từ lớp 4 đến lớp 6.

Người phát ngôn của Bộ nói chương trình giảng dạy này được tổ chức trong 3 tiết học/tuần, xác định tham nhũng là lạm quyền, đưa-nhận hối lộ và xung đột quyền lợi.

Chương trình cũng hướng dẫn Luật chống tham nhũng cho các học sinh. ACU cùng tổ chức Minh bạch quốc tế ở Campuchia (TI Cambodia) đã đưa nội dung chương trình vào giảng dạy cho học sinh cấp trung học từ hai năm qua.

Nhưng các chuyên gia về nhân quyền nói: ACU không có chức năng giảng dạy chống tham nhũng cho học sinh. Nhà tư vấn nhân quyền và pháp lý Billy Tai nói: dù đây không là ý tưởng không hay, nhưng những gì học sinh tiếp thu được từ chương trình sẽ “hoàn toàn khác với thực tế xã hội mà con em chúng ta chứng kiến. Tôi không dám đoan chắc rằng ACU sẽ đạt được kết quả có ý nghĩa”.

Ông Phil Robertson, phó chủ nhiệm tổ chức Giám sát nhân quyền ở châu Á, nói: “Việc ACU truyền đạt các nguyên tắc chống tham nhũng là thói đạo đức giả đỉnh cao”.

Nhưng chủ nhiệm Kol Preap của TI Cambodia nói chương trình giáo dục chống tham nhũng giúp thay đổi suy nghĩ của người dân và về lâu dài, họ sẽ “ôm lấy” văn hóa chống tham nhũng.

Vĩnh Thụy
.
.
.