Cận cảnh nơi đào tạo khủng bố

Thứ Sáu, 09/10/2020, 11:33
Chính giới Mỹ ngay từ thời cố Tổng thống Ronald Reagan (1911-2004) đã từng tuyên chiến với nạn khủng bố. Nhưng thực ra các trung tâm đào tạo, cũng là “những cái nôi” huấn luyện bọn khủng bố quốc tế vẫn ngang nhiên tồn tại cho đến nay tại nhiều địa danh trên lãnh thổ Hoa Kỳ.


Một ngôi trường như vậy hiện hữu ở quận Jefferson thuộc vùng ngoại ô thành phố Birmingham, một trung tâm công nghiệp của tiểu bang Alabama. Chính nơi đây đã từng đào tạo 2 tên Talwinder Singh Parmar và Inderjit Singh Reyat - những thành viên của tổ chức người Sikh quá khích Babbar Khalsa (BKI), luôn chống lại các đường lối chính sách của Chính phủ Ấn Độ. Đồng thời chúng cũng là thủ phạm tham gia vào “vụ khủng bố hàng không với số người thiệt mạng nhiều nhất trên một máy bay trong lịch sử”, khi rắp tâm gài bom lên chuyến bay số 182 của Hãng Hàng không dân dụng Ấn Độ Air India vào cuối tháng 6/1985, rồi kích hoạt cho bom nổ và cướp đi sinh mạng của 329 người vô tội khi bay ngang vùng trời Bắc Ireland.

Giám đốc kiêm giảng viên và chủ sở hữu ngôi trường tư ở Alabama là Frank Camper, chính thức thừa nhận khi được phỏng vấn: “Trong trường của tôi họ được học đầy đủ các biện pháp quân sự”. Bản thân tên H.Johal từng “tu nghiệp” suốt 2 tuần lễ liền trong ngôi trường này, qua một khóa đặc biệt chuyên về các cách gài và sử dụng bom, ám sát và gây bạo loạn, cũng như những phương thức mà bọn khủng bố quốc tế thường “ưa chuộng”.

F.Camper đang hướng dẫn các học viên sử dụng vũ khí quân sự.

F.Camper từng chỉ huy nhóm biệt kích đặc nhiệm ở miền Nam Việt Nam thời chiến tranh, sau trở thành nhân viên hợp đồng của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), rồi nghỉ hưu và mở trường chuyên đào tạo những kẻ “mê vũ trang”. F.Camper có khách hàng từ khắp nơi trên thể giới đổ đến như Đức, Hong Kong, Nhật Bản, Malaysia, Nam Phi, Mexico, Canada, Brazil, Venezuela, Costa Rica, Panama, Philippines…

Ban lãnh đạo của ngôi trường này hầu như không lưu tâm tới câu hỏi, rằng tại sao những người thuộc giới dân sự lại thích học bắn giết và làm chủ các cách thức khủng bố đến thế; miễn sao họ chịu nộp những khoản học phí hậu hĩnh là đủ. “Đa phần những người ghi danh vào các khóa học là các bác sĩ, luật sư, hay thậm chí có cả giám đốc… Nôm na là những người muốn thử những khả năng thể chất của mình…”, bà vợ Mavis Camper kiêm trợ lý của F.Camper trơ trẽn giải thích.

Mọi hoạt động rầm rộ của F.Camper tại Alabama đều diễn ra một cách hầu như công khai. Ngay cả giới nhân viên FBI cũng muốn cộng tác với những kẻ đã tốt nghiệp trường này cho những mục đích riêng của họ. Một quan chức cấp cao thuộc FBI thừa nhận: “Tính quốc tế hóa bao trùm trên lãnh địa của F.Camper. Nhưng chúng tôi luôn bắt buộc phải nhắn nhủ ông ta, là đừng nên đào tạo cho những tên muốn chống lại các chính phủ bạn bè của Hoa Kỳ”.

Cơ quan FBI cũng đã bắt được 3 cựu học trò người Sikh của F.Camper, với cả một “kho bom” trong khu phố Queen ngay trung tâm thành phố New York, đô thị lớn nhất nước Mỹ, nhằm ám sát Thủ tướng Ấn Độ Rajiv Gandhi (1944-1991), khi ông này qua thăm chính thức Hoa Kỳ lúc còn đương chức; cũng như khám phá các kế hoạch khủng bố khác như tàng trữ vũ khí tấn công quân đội chính quy trong vụ Đền Vàng dạo đầu tháng 6-1984, hay cho nổ tung các cây cầu chiến lược, gây hỏa hoạn trong các khu phố quan trọng, hoặc đánh bom nhà máy điện nguyên tử ở Ấn Độ…

Còn trong một vụ khác, cảnh sát Mỹ đã tóm được 4 tên chủ mưu ám sát một vị Bộ trưởng người Ấn Độ đang chữa mắt tại Mỹ, 3 tên trong số đó từng “tu nghiệp” tại ngôi trường của F.Camper ở Alabama. 

Bất chấp những điều trên, F.Camper vẫn bình chân như vại, ngôi trường dạy khủng bố vẫn ngang nhiên tồn tại và chủ sở hữu của nó không hề “mất một sợi lông chân” nào. Ngay cả viên Giám đốc văn phòng FBI tại Alabama Richard Schwein còn quả quyết: “Tôi không thấy vấn đề nổi cộm nào phát sinh từ F.Camper cả, bởi ông ta đâu có vi phạm luật pháp, trong đó cho phép mọi người có toàn quyền hành động tại các lãnh địa thuộc sở hữu riêng của mình, chớ có gây án mạng là được”(!).

Không chỉ luật pháp bang Alabama chấp nhận những ngôi trường dạy khủng bố như kiểu của F.Camper, giới cựu bình từ các chiến trường ngoại quốc về, các nhân viên FBI mất việc, cũng như giới sĩ quan quân đội Mỹ phục viên từng khai trương những cơ sở “dạy đánh nhau” tại các tiểu bang như California, Florida, Arizona, Virginia, hay Michigan…

Những mảnh vỡ được tìm thấy từ chiếc phi cơ B.747 số hiệu 182 của Air India, sau khi bị gài bom phát nổ vào ngày 23/6/1985.

Nhưng theo đánh giá của giới chuyên môn, thì trường của F.Camper là một trong những “trung tâm hàng đầu” so với gần 100 cơ sở đào tạo tương tự nhan nhản trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Đa phần chúng ẩn sau mỹ từ “mục đích tự vệ để tồn tại”, được quảng bá rùm beng như phòng ngừa cho tai nạn hạch tâm, thảm họa thiên tai…

Trong giáo trình của các trung tâm huấn luyện nêu trên không chỉ dạy người ta cách ăn kiến để khỏi chết đói, cách giết những giống vật nguy hiểm đe dọa đến tính mạng, hay cách mồi lửa trong điều kiện tự nhiên… Với khoản học phí tối thiểu từ 700 USD trở lên, các học viên còn được dạy cách bắn súng lục và súng tự động, chế tạo và gài bom, cũng như cả những phương cách giết người bằng tay không... Những người đổ đến đây học chỉ vì các lý do rất đơn giản, như muốn thử các phản xạ của bản thân qua thực nghiệm(?!).

Nhưng chính nhiều người trong số họ sau khi tốt nghiệp, lại trở thành các “cố vấn dày dạn kinh nghiệm” cho các phong trào ly khai chống đối nhiều chính phủ khác nhau tại Trung Mỹ, châu Phi, cũng như huấn luyện bọn phản động Cuba lưu vong tập trung chủ yếu ở thành phố Miami (tiểu bang Florida)…

Khi cựu Tổng thống George W.Bush (Bush-con) còn tại vị trong Nhà Trắng, trùng với thời điểm tổ chức khủng bố quốc tế Al-Qaeda tấn công nước Mỹ, ít ra người ta cũng từng muốn các cơ sở đào tạo quân sự tư nhân cần phải đặt dưới sự kiểm soát thường xuyên của giới hữu trách, nhưng mọi việc vẫn cứ buông trôi… Các ngôi trường “dạy khủng bố” như dạng của F.Camper vẫn mặc nhiên tồn tại mà không gặp bất cứ trở ngại nào, cho dù cách đây hơn 2 thế kỷ, ngay từ năm 1794 một đạo luật “cứng rắn” đã được Quốc hội Mỹ phê chuẩn, là nghiêm cấm công dân của Hợp Chúng quốc Hoa Kỳ can thiệp trực tiếp hoặc gián tiếp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền.

Thu Hường (tổng hợp)
.
.
.