Căng thẳng Nga - phương Tây

Thứ Ba, 09/10/2018, 10:05
Thời gian gần đây, căng thẳng quan hệ giữa Nga - phương Tây đã leo lên những nấc thang mới với nhiều động thái công kích từ phương Tây như cáo buộc Nga đứng sau vụ đầu độc cựu điệp viên; Đức kêu gọi nói chuyện với Nga “bằng sức mạnh”, Mỹ kêu gọi phong tỏa hàng hải Moskva…


Liệu những diễn biến này có biến tướng trở thành một cuộc chiến tranh lạnh mới?

Từ chất độc thần kinh

Ngày 28-9, tờ Telegraph của Anh đưa tin Cảnh sát chống khủng bố và các lực lượng an ninh của Anh tin rằng nghi phạm thứ ba trong vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal là sĩ quan tình báo Nga. 

Nguồn tin cho biết, giới chức Anh đã theo dõi nghi phạm thứ ba và tin rằng người này có vai trò thám thính ở Salisbury (Anh), thu thập các thông tin như nơi ở, thói quen sinh hoạt của Skripal để giúp 2 nghi phạm còn lại lên kế hoạch tấn công. 

Trước đó, hồi đầu tháng 9, giới chức Anh đã công bố ảnh 2 công dân Nga mà họ nghi ngờ là nghi phạm trong vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal. Hai nghi phạm được xác định là Alexander Petrov và Ruslan Boshirov. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên tiếng bác bỏ những cáo buộc trên, khẳng định Chính phủ Nga biết rõ đó là 2 công dân bình thường và không có tiểu sử phạm tội. Hai nghi phạm Alexander Petrov và Ruslan Boshirov sau đó cũng tham gia trả lời phỏng vấn trên Đài Truyền hình Quốc gia Nga, bác bỏ có liên quan đến vụ đầu độc Skripal.

Sergei Skripal từng là Đại tá phục vụ trong Cơ quan Tình báo quân đội Nga (GRU). Ông này bị bắt vào năm 2004 và bị kết án 13 năm tù vào năm 2006 vì tội hoạt động gián điệp cho Anh. 

Tháng 7-2010, Skripal được trả tự do trong một cuộc trao đổi điệp viên lớn nhất trong lịch sử giữa Nga và Mỹ. 

Hôm 4-3 năm nay, ông Skripal và con gái được phát hiện bất tỉnh nhân sự trên một băng ghế trong công viên ở Salisbury, Anh. 

Giới điều tra Anh cho biết hai cha con họ có thể đã bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok.

Anh cáo buộc Nga có liên quan đến nghi án đầu độc cựu điệp viên hai mang này. Trong khi đó, Nga nhiều lần bác bỏ cáo buộc và cho rằng Anh không cung cấp đủ bằng chứng. Vụ việc khiến quan hệ Anh - Nga leo thang căng thẳng khi hai bên quyết định trục xuất nhà ngoại giao của nhau. Nhiều đồng minh của Anh cũng tham gia trục xuất các nhà ngoại giao Nga. 

Ngày 30-9, Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt tiếp tục khiến tình hình thêm căng thẳng khi cảnh báo Nga sẽ phải “trả giá đắt” cho những hành động của mình nếu tiếp tục đe dọa Anh và phá vỡ các quy tắc quốc tế. Cho đến nay, Nga vẫn bác bỏ mọi cáo buộc liên quan đến vụ việc này và cho rằng, những cáo buộc của Anh là hoàn toàn không có bằng chứng.

Đến “nói chuyện bằng sức mạnh”

Trong một phiên điều trần trước Quốc hội Đức về quan hệ với Nga, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen tuyên bố nước Đức “cần nói chuyện với Nga bằng sức mạnh”. Tuyên bố này ngay lập tức đã gặp nhiều phản ứng quyết liệt, đầu tiên là  ngay từ trong Quốc hội Đức. “Phải chăng các ngài đã quên rằng năm 1941 nước Đức chúng ta cũng đã từng tiến về phía Đông bằng sức mạnh?”, Đại biểu Quốc hội Đức Sahra Wagenknecht thuộc đảng Cánh tả đã chất vấn.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen tuyên bố cần nói chuyện với Nga bằng sức mạnh.

Bà Sahra Wagenknecht thuộc đảng Cánh tả, là một trong những chính khách kịch liệt phê phán chủ trương của Thủ tướng Đức Angela Merkel và chính phủ của bà cùng với Mỹ đối đầu với Nga. 

Trong nhiều lần họp và phát biểu trước Quốc hội Đức, bà Sahra Wagenknecht thường mặc áo đỏ và gọi “nước Đức là chư hầu của Mỹ”, nên báo chí nước này đặt cho bà biệt danh là “cơn giận màu đỏ”. 

Bà Sarah cho rằng phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Đức chỉ “đổ thêm dầu vào lửa” bởi Quân đội Đức đã không thể đánh bại người Nga khi mạnh nhất, còn bây giờ thực tế là hoàn toàn không thể. Đức đang đứng dưới "chiếc ô" an ninh của quân đội Mỹ.

Khối ủng hộ phương Tây, tất nhiên, phản ứng với gay gắt với những lời phát biểu này của bà Sahra và cáo buộc bà có quan điểm thân Kremlin. Tuy nhiên, bà Sarah không bao giờ che giấu việc bà muốn nước Đức liên minh chặt chẽ với Nga.

Và “phong tỏa hàng hải”

Trong một tuyên bố gây sốc ngày 30-9, Bộ trưởng Nội vụ Mỹ Ryan Zinke nói Mỹ có khả năng phong tỏa đường biển đối với Nga nhằm ngăn chặn nguồn xuất khẩu dầu mỏ. Theo Washington Examiner, đây là phát biểu của ông Ryan Zinke tại một sự kiện của ngành công nghiệp ở thành phố Pittsburgh (bang Pennsylvania). 

“Nga từ trước tới nay vẫn bổn cũ soạn lại”, ông Zinke nói, đồng thời khẳng định nền kinh tế Nga phụ thuộc rất nhiều vào khả năng xuất khẩu năng lượng. “Tôi tin lý do họ xuất hiện ở Trung Đông là bởi họ muốn chào hàng năng lượng của mình giống như họ đã làm ở Đông Âu”.

Khi được hỏi về việc Mỹ sẽ đối phó với Nga và Iran như thế nào, ông Zinke đưa ra hai cách. “Chúng ta có biện pháp quân sự, song tôi không muốn lựa chọn này. Bên cạnh đó, chúng ta có biện pháp kinh tế”, ông nói. “Điều này có nghĩa là chúng ta sẽ thay thế năng lượng mà hai nước này cung cấp. Chúng ta có thể làm vậy bởi Hoa Kỳ là quốc gia sản xuất dầu mỏ và khí đốt lớn nhất trên thế giới”.

Việc phong tỏa đường biển của Nga có thể được coi là một phương án nhằm ngăn chặn tuyến vận tải dầu khí xuất khẩu sang Trung Đông và hạn chế vai trò của Moskva trên thị trường năng lượng toàn cầu. Theo quan chức này, nguồn thu nhập chính của nền kinh tế Nga vẫn là bán dầu khí. Nga đang tích cực theo đuổi chính sách xuất khẩu năng lượng tới Trung Đông bởi Moskva muốn bán dầu khí đến thị trường này, như việc đang làm ở Đông Âu và Nam Âu.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump từ lâu đã phản đối những dự án nhằm cung cấp dầu mỏ và khí đốt cho các quốc gia khác, bao gồm dự án đường ống khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2. 

Ông Trump đã nhiều lần kêu gọi các nước đồng minh châu Âu ngừng hoạt động xây dựng đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 chạy dọc biển Baltic tới một trung tâm tiếp nhận khí đốt ở Đức. 

Đây là dự án có sự tham gia của Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga với các công ty Engie của Pháp, OMV AG của Áo, Tập đoàn Shell của Anh và Hà Lan, Công ty Uniper và Wintershall của Đức. Mục tiêu của nó là nhằm cung cấp 55 tỉ mét khối khí đốt mỗi năm cho Liên minh châu Âu.

Washington đang mong muốn kêu gọi các nước châu Âu mua khí tự nhiên hóa lỏng của mình và khẳng định dự án của Nga là một trong những cách để nước này kiểm soát chính trị đối với châu Âu. Mỹ cũng đã thực hiện nhiều phương án để cản trở và đối phó với dự án này.

Phản ứng trước tuyên bố gây sốc nói trên, Thượng nghị sĩ Nga Alexei Pushkov cho rằng đó là hành động phi lý. "Người đứng đầu Bộ Nội vụ Mỹ đã cáo buộc Nga có ý định cung cấp tài nguyên năng lượng cho Trung Đông và đe dọa phong tỏa biển của chúng tôi. Ngoài việc đây là chuyện hoàn toàn phi lý, thì về mặt pháp lý quốc tế, nếu Mỹ phong tỏa biển của Nga sẽ tương đương với lời tuyên chiến", ông Pushkov viết trên mạng xã hội Twitter.

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov cáo buộc phương Tây “tống tiền chính trị, gây sức ép kinh tế và dùng vũ lực” nhằm ngăn chặn sự nổi lên của các cường quốc đối địch. Ông Lavrov còn cho rằng phương Tây muốn “níu giữ vị thế tự coi như những lãnh đạo thế giới của mình và không do dự sử dụng mọi biện pháp” để đạt được mục tiêu này.

Bàng Cương
.
.
.