"Canh bạc đen" của Tổng thống Peru Martín Vizcarra

Thứ Hai, 16/11/2020, 07:03
Peru đang rơi vào tình trạng bất ổn chính trị sau khi Quốc hội nước này bỏ phiếu phế truất đương kim Tổng thống Martín Vizcarra, còn đất nước thì đối mặt với một trong những đợt bùng phát COVID-19 tồi tệ nhất thế giới.


Đảo chính?

Mặc dù công chúng rất phẫn nộ trước quyết định của Quốc hội, Tổng thống Martín Vizcarra vẫn bình tĩnh khi tuyên bố ông sẽ không phản đối quyết định nói trên và sẽ từ chức. Cùng với các Bộ trưởng của mình vào tối muộn 9-11, Martín Vizcarra cho biết ông sẽ rời dinh Tổng thống.

Augusto Alvarez Rodrich, một nhà bình luận chính trị viết: "Những người bị tổn hại nhiều nhất bởi cuộc đảo chính này là người dân. Họ phải đối mặt với một viễn cảnh u ám, giữa sự suy thoái của chính trị vì những lợi ích cá nhân đầy tham vọng, vô độ và phi pháp".

Tổng thống Peru Martín Vizcarra phát biểu trước dinh Tổng thống sau khi bị Quốc hội phế truất. ảnh: AP

Theo tờ The Guardian của Anh, các nhà lập pháp từ 9 đảng khác nhau trong Quốc hội đã nhóm họp hôm 9-11 để luận tội Tổng thống với cáo buộc tham nhũng và yếu kém trong việc xử lý vấn đề đại dịch COVID-19. 105 trong số 130 nhà lập pháp của Peru đã bỏ phiếu để loại phế truất ông Martín Vizcarra. Trước đó đúng một tháng, trong một phiên tòa luận tội riêng biệt vì bị cáo buộc liên quan đến một vụ hợp đồng bất thường của chính phủ với một ca sĩ ít tên tuổi, Tổng thống Martín Vizcarra cũng từng phải đối mặt với thách thức về vai trò lãnh đạo của mình. Khi đó, Quốc hội đã thông qua kiến nghị bắt đầu thủ tục luận tội nhưng lại không thể thực hiện do chỉ nhận được 65 phiếu thuận, 36 phiếu chống và 24 phiếu trắng.

Tức là, Quốc hội đã có đủ số phiếu (theo quy định là 53 phiếu thuận) từ 130 thành viên để phê chuẩn việc bắt đầu thủ tục luận tội. Nhưng việc luận tội lại cần 87 phiếu thuận để loại Tổng thống Martín Vizcarra khỏi chức vụ. Khi đó, ông Martín Vizcarra đã bác bỏ mọi cáo buộc và khẳng định không từ chức. Còn Thủ tướng Peru Walter Martos chỉ trích động thái của Quốc hội và nhấn mạnh "những gì Quốc hội đang làm hiện nay là một cuộc đảo chính".

Đáng tiếc là lần này, các đảng phái trong Quốc hội đã thành công. Hiến pháp Peru quy định, Chủ tịch Quốc hội, Manuel Merino, là người tiếp theo thay thế ông Martín Vizcarra làm Tổng thống lâm thời. Ông Manuel Merino tuyên thệ nhậm chức vào ngày 11-11, tức chỉ vài tháng trước cuộc bầu cử dự kiến vào tháng 4-2021.

Cáo buộc chưa được chứng minh

Tổng thống Martín Vizcarra vốn xuất thân là một kỹ sư. Sau này ông tham gia chính trường và đã từng là Thống đốc vùng Moquegua (2011-2014), Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Peru (2015-2016) và Đại sứ Peru tại Canada (2017-2018).

Tổng thống Peru trong buổi bỏ phiếu đòi luận tội tại Quốc hội hồi tháng 9. ảnh: EPA

Trong cuộc tổng tuyển cử năm 2016, ông Martín Vizcarra đã chạy đua cho đảng Peruanos Por el Kambio với tư cách là ứng cử viên Phó Tổng thống và là bạn đồng hành cùng ứng viên Tổng thống Pedro Pablo Kuczynski. Ngày 23-3-2018, ông tuyên thệ nhậm chức Tổng thống sau khi ông Pedro Pablo Kuczynski từ chức. Với tuyên bố cải cách để chống tham nhũng, ông Martín Vizcarra đã giải tán Quốc hội Peru vào ngày 30-9-2019 và ngày hôm sau thì ban hành một nghị định về bầu cử Quốc hội để tổ chức vào 26-1-2020.

Trong hơn 2 năm làm Tổng thống, Martín Vizcarra luôn hành động và có các quyết định độc lập với các đảng phái chính trị. Việc thúc đẩy cải cách chống tham nhũng trong ngành lập pháp và tư pháp cùng lời thề không tham gia tranh cử Tổng thống khi nhiệm kỳ kết thúc vào năm 2021 của Martín Vizcarra đã khiến ông trở thành kẻ thù trong Quốc hội nhưng lại là "người hùng" trong lòng dân.

Thực tế, Tổng thống Peru đã nhiều lần xung đột với Quốc hội. Và việc luận tội là đỉnh điểm của sự đối đầu gay gắt giữa Tổng thống với các nhà lập pháp đối lập. Chưa hết, trong việc đối phó với sự lây lan của đại dịch COVID-19, Martín Vizcarra đã thiết lập lệnh lưu trú tại nhà và phát hành quỹ cứu trợ, bất chấp tình trạng bất bình đẳng hiện hữu, tình trạng quá tải của nền kinh tế… Kết quả là, tổng sản phẩm quốc nội của Peru giảm 30%, làm gia tăng áp lực chính trị đối với chính phủ của ông.

Các cuộc thăm dò của Ipsos hồi năm 2019 cho thấy, sự ủng hộ dành cho Tổng thống Martín Vizcarra bắt đầu giảm vào đầu năm, ở mức 44%. Nhưng vào thời điểm ông giải tán Quốc hội, tờ The Washington Post mô tả ông là "một Tổng thống được lòng dân một cách bất ngờ".

Sau khi Quốc hội bị giải tán, tỷ lệ tán thành của ông Martín Vizcarra đã tăng từ 44% lên 75%, theo Viện Nghiên cứu Peru (IEP), trong khi 76% số người được hỏi công nhận ông là Tổng thống hợp hiến của Peru. Một cuộc thăm dò khác cho thấy 85,1% người được hỏi tán thành chính sách kinh tế của chính phủ và 89,1% công nhận ông là Tổng thống. Nhưng sau cuộc bầu cử lập pháp đầu năm 2020, tờ The Economist đã viết "Bằng cách vô địch trong cuộc chiến chống tham nhũng, ông Martín Vizcarra đã đạt được thành tích hiếm có đối với một Tổng thống Peru còn được ưa chuộng".

Nhưng chỉ 8 tháng sau, các nghị sĩ Quốc hội đã cáo buộc Tổng thống Martín Vizcarra "không đủ năng lực và đạo đức" để lãnh đạo đất nước… Để minh chứng cho nhưng cáo buộc này, các nghị sĩ đối lập đã tung ra những bản ghi âm bị rò rỉ trong đó Tổng thống được cho là đang trao đổi với các trợ lý để che giấu việc văn phòng của ông trả lương cho một ca sĩ địa phương ít tiếng tăm làm cố vấn văn hóa. Ca sĩ này được cho là đã biểu diễn các buổi hòa nhạc để ủng hộ ông Martín Vizcarra tranh cử năm 2016.

Quân đội được huy động để kiểm soát việc thực hiện lệnh hạn chế ra ngoài hồi tháng 4. ảnh: AP

Tiếp đó, Martín Vizcarra còn bị cáo buộc nhận hối lộ trị giá 2,3 triệu Soles (hơn 500.000 USD) từ các công ty giành được hợp đồng xây dựng khi ông còn là Thống đốc Moquegua. Tổng thống Peru đã bác bỏ mọi cáo buộc này và gọi đây là "trò bẩn" nhằm hạ uy tín của ông. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận giọng nói của mình trong băng ghi âm. Jo-Marie Burt, một chuyên gia người Peru từ Văn phòng Washington về nhóm vận động Mỹ Latinh từng viết: "Hầu hết những người quan sát mà tôi đã nói chuyện đều không nghĩ rằng Tổng thống và các đồng minh phạm phải tội ác nghiêm trọng đáng bị luận tội. Bản thân ông Martín Vizcarra đã hứa sẽ tham gia một cuộc điều tra vào cuối nhiệm kỳ của mình".

Ông Martín Vizcarra là Tổng thống Peru thứ 6 liên tiếp bị cáo buộc tham nhũng. Theo luật, ông không thể bị điều tra chính thức cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ. Và phiên luận tội, bỏ phiếu trong Quốc hội được cho là đã ngắt mọi kết nối các vấn đề quan trọng mà Peru đang phải đối mặt.

Một nguồn tin cho hay, trước cuộc bỏ phiếu hôm 9-11, Tòa án Hiến pháp đã từ chối yêu cầu của chính phủ về việc dừng các thủ tục tố tụng, nói rằng điều đó là không cần thiết vì các nhà lãnh đạo đối lập đã nói rằng họ không ủng hộ việc luận tội. Các thẩm phán cũng đã đệ đơn một vụ kiện riêng, yêu cầu tòa án làm khó để ngăn chặn âm mưu phế truất Tổng thống.

Giáo sư luật Andres Calderon tại Universidad del Pacifico ở Lima cảnh báo, các thủ tục tố tụng sẽ gây mất tập trung cho chính phủ khi họ đang tìm cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau một trong những cuộc suy thoái lớn; và Peru là một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong vì COVID-19 cao nhất, tính theo đầu người.

Tổng thống Martín Vizcarra sinh ngày 22-3-1963, ở Lima, trong một gia đình cha theo nghiệp chính trị còn mẹ là giáo viên. Bố của ông là Thị trưởng Moquegua và từng là thành viên Hội đồng lập hiến năm 1978.

Martín Vizcarra tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật quốc gia ở Lima năm 1984 đồng thời cũng lấy bằng Quản trị của Trường Quản trị kinh doanh. Ông khởi nghiệp chính trị từ quê hương Moquegua, nơi ông tranh cử với tư cách là một liên kết độc lập với đảng APRA cho chức Thống đốc vào năm 2006 nhưng không thành. Năm 2008, Vizcarra dẫn đầu các cuộc biểu tình, được gọi là "Moqueguazo", xung quanh việc thanh toán khai thác không bình đẳng. Ông đã đến Lima để tham gia hòa giải, giải thích các vấn đề thanh toán với Hội đồng Bộ trưởng Peru, những người đã đồng ý thực hiện những thay đổi cần thiết xung quanh vấn đề này.

Năm 2011, Martín Vizcarra được bầu làm Thống đốc Moquegua. Trong nhiệm kỳ của mình, các chỉ số xã hội được cải thiện và ông tránh được các vấn đề tham nhũng, một thành tích mà tờ Washington Post từng mô tả là "một trong những ví dụ hiếm hoi" ở Peru. Ông cũng hòa giải một cuộc xung đột khai thác khác giữa công ty khai thác mỏ Anglo American và người dân do lo ngại về khả năng ô nhiễm nguồn nước bởi hoạt động khai thác của một mỏ đồng.

Martín Vizcarra được bầu làm Phó Tổng thống trong cuộc tổng tuyển cử năm 2016, tranh cử bên cạnh Pedro Pablo Kuczynski. Ngay sau khi đắc cử, ông được giao làm Bộ trưởng Giao thông và Truyền thông trong khoảng một năm. Trận lũ lụt vào cuối năm 2016 và đầu năm 2017 đã tàn phá phần lớn đất nước Peru và ông lại được giao nhiệm vụ quản lý và xử lý cuộc khủng hoảng. Với những cáo buộc hối lộ và quan liêu làm cản trở việc xây dựng sân bay quốc tế Chinchero ở Cusco, Martín Vizcarra đã hủy bỏ nhiều hợp đồng cho đến khi cuộc điều tra của Văn phòng Kiểm sát viên hoàn tất. Sau khi đối mặt với khiếu nại của các đối thủ chính trị và được triệu tập để cung cấp nhiều giờ làm chứng xung quanh nhiệm vụ tái thiết sau trận lũ lụt ảnh hưởng đến Peru, ông đã từ chức Bộ trưởng. Sau đó, ông lại được bổ nhiệm làm Đại sứ Peru tại Canada. Ông trở lại Peru trong quá trình luận tội đầu tiên chống lại Tổng thống Pedro Pablo Kuczynski.

Chi Anh
.
.
.