Cảnh báo nguy cơ từ mạng 5G

Thứ Hai, 09/04/2018, 15:26
Mặc dù đến năm 2025 mạng di động 5G có tốc độ siêu nhanh mới ra đời, nhưng Cơ quan an ninh mạng châu Âu (ENISA) vừa đưa ra cảnh báo xung quanh những chính sách nóng vội về mạng di động 5G vì cho rằng, việc kết nối di động nhanh chóng sẽ kéo theo những nguy cơ cao về tấn công mạng. 


Giám đốc điều hành ENISA Steve Purser cho rằng, các thỏa thuận về thông tin vô tuyến hiện nay được xây dựng không dựa trên tầm nhìn về an ninh, và điều này khiến cho việc đảm bảo an toàn trở nên gần như bất khả thi. ENISA đưa ra cảnh báo về sự an toàn của hệ thống mới này xuất phát từ thực tế cho thấy, phương thức kết nối mạng sử dụng nền tảng 4G rất dễ bị tổn thương trước các hình thức tấn công mạng. 

Do đó, thế hệ mạng tương lai với tốc độ nhanh hơn cũng có nguy cơ lặp lại các sai lầm trước đó. Theo kết quả một cuộc điều tra mới được ENISA thực hiện đối với 39 nhà mạng viễn thông tại châu Âu cho thấy, 61% doanh nghiệp được hỏi cho biết họ bị tấn công dưới 10 lần/năm, trong khi 7% thừa nhận bị hơn 100 vụ tấn công/năm. Phần lớn các nhà mạng chỉ áp dụng những biện pháp an ninh tối thiểu như bảo vệ đường truyền để ngăn chặn những kẻ tấn công nhằm vào tin nhắn điện thoại. 

Mạng 5G siêu nhanh có thể dẫn tới nguy cơ cao về tấn công mạng.

Do đó, ENISA kiến nghị Ủy ban châu Âu thiết lập những nguyên tắc để bắt buộc các doanh nghiệp phải tôn trọng các biện pháp an ninh - cần có yêu cầu về an ninh chung trên cấp độ Liên minh châu Âu (EU) để buộc các nhà cung cấp viễn thông bổ sung phần an ninh và cảnh báo.

Trước khi ENISA đưa ra những cảnh báo và kiến nghị kể trên, bộ phận cố vấn an ninh của Tổng thống Donald Trump cũng xem xét các biện pháp để chống lại mối đe dọa từ bên ngoài theo dõi những cuộc điện thoại của Mỹ bằng việc xây dựng một mạng không dây nội bộ tốc độ siêu nhanh 5G. 

Giới chức Mỹ cho rằng, cùng với việc tạo ra một mạng dữ liệu siêu tốc độ 5G nội bộ, họ có thể giải quyết nguy cơ gián điệp đến từ bên ngoài đối với an ninh mạng và an ninh kinh tế. Việc này được xác nhận trên trang mạng Axios.com. 

Theo giới truyền thông, các nhà cung cấp dịch vụ di động lớn của Mỹ đã chi hàng tỷ USD để đầu tư cho mạng 5G, nhưng không rõ chính phủ Mỹ có đủ hạ tầng mạng để xây dựng mạng 5G của riêng mình hay không. Hãng Reuters từng đưa tin, T-Mobile - nhà mạng lớn thứ ba của Mỹ mới công bố kế hoạch triển khai mạng 5G tại nước này vào năm 2020. 

Hai tháng trước (7-2), Tập đoàn Cisco Systems, nhà sản xuất các thiết bị kết nối mạng lớn của Mỹ thông báo, sẽ hợp tác với Tập đoàn Samsung của Hàn Quốc để triển khai dự án thử nghiệm công nghệ 5G không dây trong năm 2018 tại nhiều gia đình ở Romania. 

Dự án được triển khai vào nửa cuối năm 2018 sẽ biến Orange, công ty cung cấp dịch vụ Internet ở Romania, trở thành nhà mạng đầu tiên tại châu Âu cung cấp các dịch vụ lắp đặt thiết bị 5G không dây. Được biết, từ năm 2017, Samsung và Cisco đã thực hiện nhiều cuộc thử nghiệm về tính tương hợp giữa các nhà mạng dịch vụ nhằm chứng minh sự liên kết mạng liền mạch giữa mạng trung tâm ảo, mạng vô tuyến ảo và thiết bị truyền thông cá nhân (CPE).

Dư luận từng quan tâm tới những đột phá lớn trong công tác nghiên cứu mạng di động 5G của 3 hãng truyền thông Qualcomm, China Mobile và ZTE. Gần 5 tháng trước (17-11-2017), China Mobile, ZTE và Qualcomm ra tuyên bố chung cho biết, sẽ tăng tốc quá trình triển khai mạng 5G, với khả năng truyền dữ liệu nhanh hơn ít nhất là 20 lần so với mạng 4G hiện nay. 

Theo giới truyền thông, công trình nghiên cứu kể trên được thực hiện tại trung tâm sáng tạo 5G của China Mobile, sử dụng trạm gốc 5G của ZTE và hệ thống 5G mẫu của Qualcomm trên băng tần phụ Sub-6GHz. Giới chuyên môn cho rằng, tuy có phần chậm hơn trong triển khai công nghệ 4G, nhưng Trung Quốc đang nỗ lực để trở thành một trong những quốc gia đầu tiên nâng cấp hạ tầng viễn thông lên mạng 5G và phát triển công nghệ này để bán lại cho các quốc gia đang phát triển. 

Trung Quốc đã đặt mục tiêu thương mại hóa các dịch vụ 5G vào năm 2020. 9 tháng trước (6-7-2017), 3 nhà mạng di động lớn nhất của Trung Quốc là China Mobile, China Unicom và China Telecom tuyên bố, sẽ triển khai các dự án thí điểm công nghệ 5G tại nhiều thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Trùng Khánh, Quảng Châu, Nam Kinh, Tô Châu và Ninh Ba.

Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin từng tuyên bố, Trung Quốc đã thiết lập trung tâm thử nghiệm mạng 5G lớn nhất thế giới nhằm tiêu chuẩn hóa công nghệ thông tin di động. Đơn vị thực hiện là 2 hãng Hoa Vi và ZTE, được làm theo 3 giai đoạn - kiểm tra công nghệ, kiểm tra giải pháp công nghệ và kiểm tra hệ thống.

Mạnh Phong
.
.
.