Cảnh báo những xu thế mới của chủ nghĩa khủng bố tại Ðông Nam Á

Thứ Năm, 10/08/2017, 16:08
Trong báo cáo được công bố ngày 21-7 vừa qua, Viện Phân tích chính sách xung đột (IPAC) cho biết, mạng lưới phiến quân tại thành phố Marawi của Philippines có quan hệ với cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có thể đang chuẩn bị cho các vụ tấn công tại Singapore và châu Á.


Ðiều này cho thấy, mối đe dọa của các cuộc tấn công khủng bố của IS tại Ðông Nam Á nói riêng và toàn châu Á nói chung đang ngày càng trở thành hiện thực, và cũng cho thấy nhiều xu thế mới của chủ nghĩa khủng bố.

Trong bản báo cáo, IPAC nêu rõ rằng, việc các chiến dịch ở Marawi nhận tài trợ trực tiếp từ IS cho thấy một chuỗi sự chỉ đạo và điều hành từ Syria tới Philippines, Indonesia và cả bên ngoài các nước này. 

IPAC dẫn chứng rằng, một đoạn văn bản được đăng tải trên công cụ truyền thông xã hội Telegram đã kêu gọi phiến quân tấn công các mục tiêu ở Singapore, Thái Lan, Myanmar, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Mệnh lệnh này do tên Bahrumsyah, chỉ huy đơn vị chiến đấu của IS ở Syria, đưa ra. Trong đơn vị này, hầu hết các tay súng là đến từ Đông Nam Á. 

Ngoài ra, IPAC còn cho biết, 2 tên Bahrumsyah và Mahmud đã sắp xếp tài trợ và tuyển mộ các tay súng cho Marawi. Từ ngày 1-3-2017, Mahmud đã nhận ít nhất 55.000USD dường như được tên Bahrumsyah gửi từ Trung Đông tới Indonesia và sau đó được chuyển phát tới Philippines qua dịch vụ tài chính Western Union. 

Theo IPAC, cuộc khủng hoảng ở Marawi sẽ dẫn tới “sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các phần tử cực đoan ở Đông Nam Á, và việc thành lập ban lãnh đạo mới của các nhóm ủng hộ IS ở Indonesia và Malaysia gồm những tay súng trở về từ Marawi”. 

IS đã thể hiện tham vọng thành lập “lãnh địa” ở khu vực Đông Nam Á. Kể từ năm 2016, IS đã gây ra ít nhất 5 cuộc tấn công khủng bố lớn ở khu vực này, nhưng đây là lần đầu tiên chúng đối đầu với quân đội Chính phủ Philippines trong một thời gian dài sau khi tấn công thành phố Marawi. Mục đích của IS không phải là gây ra nỗi sợ hãi mà có lẽ còn bao gồm chiếm địa bàn để thành lập “chính quyền”. 

Dựa vào các sự kiện xảy ra gần đây, các chuyên gia phân tích vạch ra 4 xu hướng của chủ nghĩa khủng bố trong khu vực.

Thứ nhất, miền Nam Philippines đang trở thành khu vực trung tâm của IS tại Đông Nam Á. Một tin tức mới nhất được đăng trên tạp chí Rumiyah của IS cho biết chúng đã thành lập “chi nhánh Đông Á” tại Philippines. 

Tình hình hiện nay cho thấy IS đang lấy Philippines làm cứ điểm để thiết lập khu vực trung tâm của lực lượng khủng bố ở Đông Nam Á, cuộc tấn công thành phố Marawi có thể là dấu hiệu cho thấy khu vực này đã được hình thành. 

Theo kế hoạch của IS, trong thời gian tới, chúng sẽ mở rộng phạm vi ảnh hưởng của khu vực trung tâm này tới Singapore, Malaysia, Indonesia, miền Nam Thái Lan, Myanmar và Nhật Bản.

Thứ hai, các phần tử cực đoan ở trong và ngoài khu vực trung thành với IS tiếp tục sáp nhập với nhau. Khu vực Mindanao của Philippines đã trở thành “ngôi làng toàn cầu” tập trung “lính di cư” gần là đến từ Malaysia và Indonesia, xa là đến từ Marocco. 

Trong số các phần tử cực đoan bị tiêu diệt, quân đội Chính phủ Philippines phát hiện chúng đến từ các nước như Saudi Arabia, Malaysia, Indonesia, Yemen và Chechnya. 

Ngoài ra, quân đội Philippines cho biết, các phần tử cực đoan ở Singapore cũng đã tham gia cuộc xung đột ở thành phố Marawi. 

Một khi IS thành lập khu vực trung tâm ở miền Nam Philippines thì các phần tử cực đoan mang quốc tịch nước ngoài sẽ tiếp tục được tập hợp ở trung tâm này, thậm chí sẽ coi đây là “chiến trường thay thế” bên ngoài khu vực Trung Đông.

Thứ ba, phương thức tác chiến của các tổ chức khủng bố ở khu vực Đông Nam Á dưới ảnh hưởng của IS có sự thay đổi và cũng đã có khả năng phát động các vụ tấn công có quy mô vào các thành phố. 

Xu thế các tổ chức khủng bố địa phương sáp nhập và hợp tác với IS dần dần trở nên rõ ràng hơn, ngoài sự phối hợp giữa tổ chức Abu Sayyaf và Maute trong cuộc tấn công thành phố Marawi, đúng vào lúc tình hình ở Marawi đang bế tắc, một tổ chức khủng bố trung thành với IS là nhóm Chiến binh Hồi giáo tự do Bangsamoro (BIFF) đã tấn công ngôi làng Malagakit nằm ngay bên ngoài thị trấn Pigcawayan, cách Marawi 190km và chiếm một trường học. 

Người phát ngôn quân đội Philippines, Thiếu tướng Restituto Padilla cho hay, mặc dù hành động lần này đã bị quân đội trấn áp nhanh chóng, nhưng không loại trừ nó là “sự hỗ trợ tấn công vòng ngoài” để BIFF phát động tấn công Marawi. Bên cạnh đó, phương thức tấn công như ẩn nấp ở các nơi bí mật để bắt cóc và tống tiền cũng khác nhau, lần này các nhóm khủng bố địa phương nhắm vào các thành phố, đây là một thách thức lớn đối với quân đội chính phủ vốn đã quen với chiến thuật chống khủng bố ở các khu vực rừng rậm và khu vực đồng không mông quạnh.

Và thứ tư, cuộc tấn công khủng bố ở thành phố Marawi có thể sẽ nảy sinh “hiệu ứng làm mẫu” ở Đông Nam Á. Cùng với sự thâm nhập của IS ở khu vực này, các phần tử cực đoan rất có khả năng lấy điểm nóng Philippines, thúc đẩy các hoạt động khủng bố mở rộng sang toàn bộ khu vực Đông Nam Á. Ngoài Philippines, Indonesia gần đây cũng xảy ra các cuộc tấn công liên quan đến IS.

Malaysia mới đây vừa bắt giữ một số người có liên quan tới IS, trong khi lực lượng Hồi giáo ly khai ở miền Nam Thái Lan và các phần tử cực đoan Rohingya ở Myanmar cũng thường xuyên gây ra các cuộc rối loạn. E rằng, cuộc tấn công khủng bố ở thành phố Marawi sẽ được các phần tử cực đoan lấy làm mẫu ở Đông Nam Á, trong tương lai chúng có thể bắt chước mô hình tấn công khủng bố của IS để phát động các cuộc tấn công, hoặc câu kết với IS để đạt được mục đích riêng của mình.

Đối mặt với thách thức do xu thế tăng cường thâm nhập của IS, các nước Đông Nam Á đã có những nỗ lực tích cực như tăng cường mức độ chống khủng bố, gia tăng đầu tư cho chiến dịch chống khủng bố, cải thiện hệ thống luật chống khủng bố, chống lại tư tưởng cực đoan của IS và hợp tác với nhau chống khủng bố. 

Những biện pháp này đã đạt được một số thành công nhất định nhưng vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề, đặc biệt là sự thiếu hợp tác giữa các nước Đông Nam Á trong chống khủng bố. 

Một số nước Đông Nam Á có sự khác biệt trong nhận thức về mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố và tính cấp bách của việc hợp tác chống khủng bố, điều đó đã tác động đến nhu cầu tăng cường hợp tác chống khủng bố hơn. Nguồn lực có thể đầu tư cho chiến dịch chống khủng bố của các nước Đông Nam Á là khác nhau, các nước thiếu sự phối hợp hành động trong cuộc chiến này nên khó có thể chung sức để đối phó với tình hình khủng bố nghiêm trọng hiện nay.

Cùng với xu thế tăng cường thâm nhập của IS, hiệu quả của cuộc chiến chống khủng bố trong khu vực phụ thuộc vào mức độ hợp tác của các nước ở Đông Nam Á. 

Các nước nên nhận thức rõ tầm quan trọng và tính cấp bách của cuộc chiến chống khủng bố hiện nay, tiếp tục củng cố sự đồng thuận chống khủng bố. Căn cứ vào xu thế chống khủng bố mới nhất, một mặt các nước Đông Nam Á phải đưa ra các sáng kiến về chống khủng bố trong các hội nghị của khu vực, thiết lập chương trình nghị sự liên quan đến chống khủng bố, tăng cường sự đồng thuận chống lại chủ nghĩa khủng bố. 

Mặt khác, các quốc gia trong khu vực phải thông qua các phương tiện truyền thông vạch trần các hành động của IS và mức độ nguy hại của nó để tăng cường môi trường dư luận xã hội cho chiến dịch chống khủng bố, củng cố nền tảng dân ý của chống khủng bố, từ đó phá vỡ thế tiến thoái lưỡng nan của hành động tập thể trong chiến dịch chống khủng bố.

Phát huy đầy đủ vai trò của sân chơi hợp tác chống khủng bố song phương hoặc đa phương, nâng cao mức độ hành động phối hợp chống khủng bố xuyên quốc gia. ASEAN vẫn là sân chơi quan trọng để khu vực Đông Nam Á hợp tác tấn công chủ nghĩa khủng bố, các nước trong khu vực nên cố gắng xây dựng cơ chế chống khủng bố khu vực có hiệu quả cao trong khuôn khổ ASEAN, làm cho nó trở thành chỗ dựa hiệu quả cho việc thực thi thuận lợi các hoạt động chống khủng bố xuyên quốc gia. 

Hợp tác chống khủng bố song phương giữa các quốc gia Đông Nam Á vẫn là sân chơi chủ yếu trong chống khủng bố ở khu vực, có thể tăng cường hợp tác trong các phương diện từ chia sẻ thông tin tình báo, quản lý kiểm soát biên giới, đến chia sẻ kinh nghiệm chống khủng bố và hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật, làm cho sự phối hợp chính sách an ninh chống khủng bố và hành động phối hợp chống khủng bố xuyên quốc gia đạt kết quả tốt hơn. 

Tăng cường mức độ phòng ngừa, tấn công khủng bố có mạng lưới, đề phòng nghiêm ngặt sự tuyên truyền có mạng lưới và tuyển mộ nhân sự của IS. Bên cạnh đó, xử lý ổn thỏa vấn đề dân tộc và tôn giáo trong khu vực, loại bỏ mảnh đất của chủ nghĩa tôn giáo cực đoan.

Minh Nhật (tổng hợp)
.
.
.