Cảnh báo về nguy cơ bom ''bẩn''

Thứ Ba, 12/04/2016, 13:21
"Nếu hôm qua là Paris, hôm nay là Brussels, thì Thánh Allah biết ngày mai sẽ là nơi nào - có thể là London, Berlin hoặc Rome", một đoạn video được IS đưa ra hôm 5-4. Việc này diễn ra sau cảnh báo của Maroc về nguy cơ các phần tử thánh chiến IS tấn công Anh và châu Âu bằng bom bẩn và vũ khí sinh học.


Giám đốc Cơ quan Điều tra tư pháp Maroc (BCIJ), ông Abdelhak Khiame còn nhấn mạnh, IS đang thay đổi chiến lược để thực hiện các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học, vi sinh nhằm gây thiệt hại lớn; và mục tiêu của chúng là các địa điểm công cộng đông người tại châu Âu, đặc biệt là Anh.

Trước đó, cảnh sát Maroc từng tịch thu các mẩu chanh chứa độc tố có thể gây chết người và đã thông báo việc này với cảnh sát châu Âu. Tuy nhiên, theo Thủ tướng Canada Justin Trudeau, nguy cơ xảy ra tấn công khủng bố bằng vũ khí hạt nhân ở nước này hiện thấp hơn so với thời điểm 5-6 năm trước. Trước đó (1-4), Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết, các phần tử khủng bố sẽ khó lòng sở hữu nguyên vật liệu hạt nhân, nhưng mối đe dọa này vẫn tồn tại.

Cảnh sát Bỉ kiểm soát lối vào sân bay quốc tế Zaventem.

Ngày 4-4, tờ The Guardian đưa tin, cảnh sát chống khủng bố Anh vừa bắt giữ một người đàn ông tại sân bay Gatwick vì nghi ngờ có hành vi "phạm tội khủng bố". Và một phụ nữ cũng bị bắt tại một địa điểm ở phía Tây thủ đô London với cùng tội danh "phạm tội khủng bố". Hơn 4 tháng trước (4-12-2015), tờ Daily Mail từng dẫn cảnh báo của nhà phân tích khủng bố Paul Cruickshank về khả năng IS đã xác định Anh là mục tiêu tấn công tiếp theo.

Theo thống kê, trong năm 2015, cảnh sát Anh đã thực hiện 280 vụ bắt giữ liên quan đến khủng bố, giảm 3% so với năm trước. Và theo báo cáo vừa công bố của Trung tâm Quốc tế chống khủng bố tại La Hay, Hà Lan, khoảng 30% công dân Liên minh châu Âu (EU) từng tham chiến với các nhóm khủng bố ở Iraq và Syria đã trở về nước.

Theo đó, từ 3.900-4.294 người đã rời châu Âu để gia nhập các nhóm phiến quân thuộc IS hoặc các nhóm cực đoan khác tại Iraq và Syria từ tháng 1-2011 đến tháng 10-2015. Và nhiều khả năng các phần tử cực đoan này sẽ tiến hành những cuộc tấn công ngay tại quê nhà. Do đó, các nước thành viên EU cần chia sẻ thông tin về những phần tử cực đoan, để ngăn chặn không cho chúng trở về quê hương, đồng thời có biện pháp giúp giới trẻ tránh xa tư tưởng thánh chiến.

Cảnh sát đặc nhiệm Anh.

Ngày 4-4, Thủ tướng Pháp Manuel Valls cũng cảnh báo, lực lượng Hồi giáo cực đoan đang giành thắng lợi trong cuộc chiến văn hóa và tư tưởng tại Pháp, nước có số người Hồi giáo đông nhất ở châu Âu.

Cùng ngày 4-4, các công tố viên Hà Lan cho biết, cảnh sát vừa phát hiện khoảng 45kg đạn dược trong một căn hộ ở thành phố Rotterdam và số đạn này có liên quan tới một âm mưu tấn công khủng bố bất thành nhằm vào Pháp. Trước đó (27-3), cảnh sát Hà Lan đã bắt nghi can người Pháp Anis Bahri (bị tình nghi liên kết với Reda Kriket lên kế hoạch tấn công khủng bố tại Pháp) tại thành phố Rotterdam theo đề nghị của Pháp.

Trong khi đó, Chủ tịch Công ty Đường sắt Quốc gia Pháp Guillaume Pepy cho biết, sẽ tăng cường cảnh sát vũ trang mặc thường phục tuần tra trên các chuyến tàu hỏa, nhà ga, và cho phép họ nổ súng đối với những đối tượng khủng bố nhằm đảm bảo an ninh trước những nguy cơ tấn công khủng bố có thể xảy ra.

Được biết, khoảng 3.000 nhân viên an ninh sẽ được lựa chọn và đào tạo để phục vụ yêu cầu kể trên. Ngoài ra, 40.000 camera an ninh hiện đại sẽ được lắp trên các toa tàu, sân ga để hỗ trợ phát hiện những trường hợp nghi ngờ, tái tạo khuôn mặt và hành động khả nghi.

Trong khi đó, tờ Merkur dẫn tuyên bố của Bộ trưởng Giao thông Đức Alexander Dobrindt (5-4), Berlin cần hỗ trợ Áo bảo vệ biên giới với Italia trong trường hợp không thể đảm bảo khu vực biên giới bên ngoài EU. Theo ông Alexander Dobrindt, Berlin phải sẵn sàng và gửi thông điệp "sẽ không có văn hoá chào mời vô điều kiện" ở đây và người tị nạn đừng ảo tưởng họ có thể tìm đường tới Đức.

Hiện cửa khẩu Brenner có thể trở thành một điểm nóng mới về người tị nạn khi ngày càng có nhiều người từ Italia tìm tới để vào các nước Tây Âu, đặc biệt là Đức. Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere cho rằng, làn sóng người di cư đã chạm đỉnh, song cần có một thỏa thuận giữa EU với các nước Bắc Phi để ngăn chặn số người nhập cư đổ vào châu lục này trong tương lai.

Ông Thomas de Maiziere nhấn mạnh, bên cạnh việc thực thi thỏa thuận đạt được với Thổ Nhĩ Kỳ, EU cần tìm phương án dự phòng tương tự nếu làn sóng người di cư chuyển hướng sang các tuyến đường vào châu Âu khác thông qua Libya và Italia. Cơ quan Biên phòng châu Âu đã thuê tàu để đưa người tị nạn tới cảng Dikili và áp tải người tị nạn bị trục xuất về Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhiệm Bình
.
.
.