Cảnh giác thủ đoạn lừa bán vé tàu giả qua mạng

Thứ Tư, 21/12/2016, 11:04
Trong thời gian qua, Công an quận 3, TP. Hồ Chí Minh liên tục nhận được văn bản của lãnh đạo Ga Sài Gòn chuyển qua, kèm theo đó là những đơn, thư và bản tường trình của một số người dân tố cáo về việc bị một số đối tượng lừa bán vé tàu giả gây bất bình cho nhiều người. Nhằm ngăn chặn tình trạng này, các trinh sát Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội đã vào cuộc và đến nay đã truy bắt được 3 đối tượng lừa đảo.

Cụ thể vào ngày 12-12-2016, Công an phường 9, quận 3, TP. Hồ Chí Minh nhận được đơn trình báo của một người phụ nữ tên D., ngụ tại Hà Nội tố cáo về việc mình bị một số đối tượng lừa bán vé tàu Tết giả.

Theo nội dung ghi trong đơn, vào ngày 11-12, chị này đến một đại lý bán vé máy bay nằm trên đường Nguyễn Phúc Nguyên, phường 9, quận 3 hỏi mua bốn vé tàu hỏa khứ hồi chặng Sài Gòn - Hà Nội. Tại đây, chị được 3 thanh niên tự nhận là nhân viên đại lý giới thiệu cho nhiều loại vé với các hạng ghế khác nhau và chị đã chọn mua bốn vé hạng trung với giá tổng cộng là 6,2 triệu đồng và đặt cọc trước 2,5 triệu đồng để cầm tờ giấy hẹn hôm sau đến lấy vé.

Sáng ngày 12-12, chị D. đến đại lý này nhận vé và trả nốt số tiền còn lại thì được người nhân viên hôm trước giao cho 4 tờ giấy A4 trên đó có ghi tất cả các số liệu như giờ khởi hành, số toa, số ghế và cả ký hiệu của chuyến tàu…

Cầm 4 tấm vé trên tay, nhưng chị D. cảm thấy không yên tâm vì thời gian gần đây chị đã tiếp cận các thông tin cảnh báo về tình trạng vé tàu giả trên mạng nên chị D. đã mang vào trong ga nhờ một nhân viên kiểm tra giúp. Khi nhân viên nhà ga khẳng định đây là vé không hợp lệ, chị D. quay lại chỗ mua vé hồi nãy để tìm 3 người thanh niên đòi lại tiền nhưng không gặp. Quá bức xúc vì bị lừa, chị D. đã đến Công an phường 9, quận 3 trình báo sự việc.

Nhận thấy đây là vụ việc khá nghiêm trọng nên Công an phường 9 đã chuyển đơn tố cáo lên Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an quận 3 để thụ lý theo thẩm quyền. Ngay sau khi nhận đơn tố cáo, các trinh sát Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an quận 3, đã xuống ngay khu vực ga Sài Gòn thu thập thông tin về các đối tượng tội phạm theo như đơn tố cáo của chị D.

Chỉ sau gần 24 giờ liên tục theo dõi, đến sáng ngày 13-12, các trinh sát đã bắt quả tang 3 đối tượng Đoàn Văn Đệ, 51 tuổi; Nguyễn Văn Phi, 40 tuổi và Nguyễn Chí Thiện, 42 tuổi, cùng ngụ quận 3 khi chúng đang mồi chài một số hành khách mua vé tàu.

Các đối tượng Đệ, Phi, Thiện.

Tại cơ quan Công an, cả 3 đối tượng cho rằng mình không cố ý lừa đảo mà đã trực tiếp đặt mua vé qua mạng, sau đó tìm người sang lại kiếm ít tiền chênh lệch. 

Tuy nhiên khi nhân viên của ngành đường sắt thông báo tên và số giấy chứng minh nhân dân mà các đối tượng này sử dụng để đặt vé là giả và đã tự ý điền tên và số CMND của người mua sau chồng lên vé là không đúng với quy định của ngành đường sắt Việt Nam, đồng thời khẳng định có những vé đã được sửa chữa rồi lừa bán cho nhiều người thì các đối tượng này mới chịu ký vào biên bản vi phạm.

Sau khi biết các đối tượng từng mồi chài bán vé tàu cho mình vừa bị Công an bắt, sáng ngày 13-12-2016, chị Trần Thị Kim Oanh, ngụ phường Tây Thạnh, quận Tân Phú đã tìm đến ga Sài Gòn để cung cấp thêm thông tin về nhóm lừa đảo này.

Theo tường trình của chị Oanh, sáng ngày 11-12, chị cùng chồng định chở nhau đến ga Sài Gòn xếp hàng mua vé tàu, nhưng vừa đến trước cửa số nhà 212 đường Nguyễn Phúc Nguyên, phường 9, quận 3 thì được một nhóm 3-4 người đàn ông dang tay chặn lại.

Chưa hiểu chuyện gì thì một trong những người đàn ông này đã cất giọng hỏi: "Mua vé tàu Tết phải không, trong ga đông người lắm, có xếp hàng đến tối cũng chưa chắc mua được vé đâu. Vào đây, chúng tôi vừa duyệt được một số vé của khách đặt nhưng do bận công việc nên họ bỏ không đi, anh chị chỉ cần mua thì chúng tôi sang lại cho, chỉ cần cho chút tiền cà phê là xong ngay…".

Vừa nói dứt lời, nhóm người đàn ông này lập tức dắt xe gắn máy của anh chị vào lề đường dựng ngay ngắn, nắm tay kéo hai người vào trong một đại lý bán vé máy bay ở cùng địa chỉ trên rồi tự giới thiệu là nhân viên phòng vé.

Sau khi được những người đàn ông này giới thiệu đủ các hạng vé từ ghế cứng, giường cứng cho đến các toa máy lạnh cao cấp, vợ chồng chị Oanh đã bàn nhau trả thêm chút tiền để có được vé còn hơn phải xếp hàng chờ cả ngày mà chưa chắc đến lượt. Chị Oanh đã quyết định mua hai vé mềm đi Thừa Thiên - Huế vào ngày 23-1-2017 với giá 1.995.000đồng/vé (tính cả tiền dịch vụ 200.000đồng).

Chị Trần Thị Kim Oanh tường trình với nhân viên Ga Sài gòn về việc mình bị lừa mua phải vé tàu giả.

Mừng rỡ vì không phải mất nhiều thời gian công sức mà vẫn mua được vé tàu, chị Oanh mang về khoe với cô em gái thì được cô này cảnh báo phải kiểm tra cẩn thận xem là vé thật hay giả. Sau khi đưa 2 tấm vé để cô em lên mạng kiểm tra phát hiện các thông số thì đúng nhưng riêng họ tên và số chứng minh nhân dân không phải của hai vợ chồng chị.

Mang vé đến đại lý vé máy bay ở số 212 đường Nguyễn Phúc Nguyên để trả lại và đòi tiền nhưng chị Oanh không gặp những người đàn ông hôm trước mà chỉ có một nhân viên mặc đồng phục trả lời ở đây chỉ bán vé máy bay, không bán vé tàu và cũng không biết những người đàn ông lừa bán vé giả. Không còn cách nào khác, chị Oanh đành vào ga Sài Gòn trình báo với nhân viên ở đây để họ thông báo cho hành khách cảnh giác.

Để tiếp tục ghi nhận về tình trạng cò mồi bán vé tàu hỏa không đúng với quy định của ngành đường sắt, sáng ngày 14-12-2016, trong vai một hành khách cần mua vé tàu về quê ăn Tết nhưng không thể đăng ký được qua mạng và cũng không muốn xếp hàng chờ đợi, chúng tôi đã tìm đến khu vực đường Nguyễn Phúc Nguyên (đoạn cổng Ga Sài Gòn) để tìm hiểu.

Quang cảnh ở đây sau vụ 3 đối tượng Đệ, Phi, Thiện bị lực lượng Công an bắt giữ đã trở lên trầm lắng hơn trước rất nhiều. Một vài tay cò vé mà trước đây chúng tôi đã từng biết mặt khi cùng với Công an phường 9, quận 3 trong lúc tuần tra phát hiện và xử lý hành chính như N., H. thì ngồi từ xa dõi ánh mắt thăm dò.

Chỉ đến khi chúng tôi đứng lại liên tục hỏi thăm thì N. mới tiến lại gần nhưng bảo H/ đứng quan sát xung quanh xem có ai để ý hay không. Khi chúng tôi mở lời muốn mua vé đi Hà Nội trong dịp Tết, N. ngập ngừng một lát rồi bảo: "Bọn này không bán vé. Nếu các anh có nhu cầu mua vé thì trả chênh lệch 1,5 triệu đồng để bọn tôi xếp hàng mua cho. Ưng ý thì đặt trước 200.000 đồng cùng số điện thoại, khi nào gần đến lượt thì họ sẽ gọi để chúng tôi mang giấy CMND ra mua vé và trả nốt số tiền công xếp hàng còn lại". Giả vờ chê đắt, chúng tôi trả giá 500.000 đồng nhưng cả hai không đồng ý.

Trao đổi với báo chí, ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết: Thời gian gần đây trên mạnh internet xuất hiện một số trang web với nội dung giới thiệu bán vé tàu hỏa trong dịp Tết do một số đối tượng cò mồi lập lên với hình thức na ná như trang web của ngành Đường sắt. Các đối tượng này trước đó thường sử dụng tên và số giấy chứng minh nhân dân giả để truy cập, đặt mua vé trên mạng.

Đến khi cò mồi được khách hàng nào muốn mua lại thì chúng sửa tên và số CMND sao cho khớp với người mua rồi tự in vé bằng máy in được cài đặt sẵn. Một số người dân do không nắm được quy trình đặt mua vé, một số người biết nhưng không đặt được vé đúng ngày giờ dự kiến đi hoặc có tâm lý ngại xếp hàng chờ đợi nên đã tìm đến những phe vé, chấp nhận trả một số tiền cao hơn giá trị thật có khi lên đến 2-3 lần nhằm kiếm được những tấm vé ưng ý. Tuy nhiên những trường hợp này được xem là vé giả vì tên và số CMND của người đi không khớp với người đặt lệnh mua vé trước đó.

Một trang web giới thiệu bán vé tàu qua mạng.

Cũng theo ông Văn, Ga Sài Gòn đã phát hiện tổng cộng 10 vé giả được bán cho hành khách đi các tuyến Hà Nội, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế. Chính vì vậy mà người dân có nhu cầu đi các tuyến nếu không biết sử dụng internet thì hãy đến trực tiếp ga Sài Gòn để xếp hàng mua vé, không nên mua vé thông qua cò mồi.

Hiện nay xuất hiện tình trạng một số trang web sử dụng tên miền trái phép giống như tên miền của ngành đường sắt để lừa bán vé cho hành khách với giá cao hơn giá trị thật nhiều lần. Hành khách có nhu cầu nên truy cập vào trang web chính thức của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam: http://dsvn.vn để tìm hiểu thông tin thật kỹ trước khi đặt mua vé.

Trường hợp đã mua phải vé tàu không hợp lệ thì vui lòng đến ga Sài Gòn thông báo hoặc thông báo qua điện thoại để Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn có biện pháp phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành xử lý. Những hành khách đã mua vé từ những nơi không chính thức của ngành đường sắt, đặc biệt là những hành khách đi tàu trong dịp Tết hãy truy cập vào trang web http://dsvn.vn/#/kiemtrave để tránh mua phải vé giả, vé không đúng tên và số CMND. 

Đức Cường
.
.
.