Cảnh sát Áo - Pháp - Đức chống khủng bố

Chủ Nhật, 05/02/2017, 14:50
Ngày 31-1, cảnh sát Đức đã bắt 3 nghi can được cho có liên hệ gần gũi với IS ở thủ đô Berlin. Cùng ngày 31-1, cảnh sát Berlin đã bắn chết một nam thanh niên 25 tuổi tại quận Hohenschonhausen, sau khi người này cầm dao và có nguy cơ tấn công người khác hoặc tự sát.


Trước đó (24-1), cảnh sát Đức đã bắt 2 anh em người Đức gốc Maroc bị tình nghi là thành viên của IS và Mặt trận al-Nusra. Đức cũng đã yêu cầu Thụy Sĩ hỗ trợ điều tra về vụ tấn công bằng xe tải vào khu chợ Giáng sinh Breitscheiplatz ở Berlin hôm 19-12-2016.

Hãng AFP vừa dẫn lời người phát ngôn cảnh sát bang North Rhine-Westphalia, Đức thông báo, đã bắt nghi can có quan hệ với một nghi can Hồi giáo cực đoan, kẻ bị bắt tại Áo và được cho là âm mưu tiến hành một vụ tấn công.

Nhiều luật chống khủng bố mới được thông qua tại châu Âu cho thấy có sự phân biệt đối với người Hồi giáo và tị nạn. Ngày 30-1, Bộ trưởng Nội vụ Ba Lan Mariusz Blaszczak công bố một số thay đổi để chống khủng bố.

Trước đó, Bộ trưởng Nội vụ Áo Wolfgang Sobotka tuyên bố, chống khủng bố là cuộc chiến dài hơi, và chỉ các lực lượng an ninh, cảnh sát tham gia là chưa đủ, do đó phải có sự hỗ trợ của người dân.

Đồng thời nhấn mạnh, người dân cần thông báo cho cơ quan chức năng những đối tượng có biểu hiện nghi vấn. Ngày 26-1, trong chiến dịch chống khủng bố lớn tại Thủ đô Vienna và thành phố Graze, cảnh sát Áo đã bắt 14 đối tượng tình nghi có liên hệ với IS, trong đó có 3 công dân Áo là dân di cư, 3 người đến từ khu vực Balkan...

Cảnh sát Đức thường xuyên túc trực.

Cảnh sát cũng đã khám xét 16 địa chỉ và 2 tổ chức tôn giáo. Được biết, khoảng 800 cảnh sát Áo đã đột kích vào các căn hộ và thánh đường không chính thức ở Vienna và Graze, truy bắt những đối tượng bị tình nghi có kế hoạch thành lập một mạng lưới thánh chiến ở nước này.

Trước đó, cảnh sát đã bắt một đối tượng người Áo gốc Albania, 17 tuổi, với cáo buộc lên kế hoạch tấn công khủng bố tại Vienna. Giới chức Áo đã kêu gọi người dân cần đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng bố bằng cách hỗ trợ cảnh sát trong triển khai các biện pháp phòng ngừa.

Theo thống kê của Bộ Nội vụ Áo, khoảng 300 đối tượng đã rời nước này tới Syria gia nhập hàng ngũ thánh chiến, khoảng 40% đã thiệt mạng, và 90% của số còn lại đã quay về nước và đó là nguy cơ tiềm ẩn đối với an ninh quốc gia.

Hãng AFP vừa dẫn lời Công tố viên Paris Francois Molins cho biết, trong năm 2016, có 51 trẻ vị thành niên Pháp bị khởi tố vì liên quan đến các mạng lưới Hồi giáo cực đoan, trong đó có IS. Con số này cao gần gấp 4 lần so với năm 2015 (13 trường hợp).

Theo ông Francois Molins, số thiếu niên kể trên đã đến Iraq, Syria để tham chiến cùng IS hoặc lên kế hoạch tấn công "có sức tàn phá lớn" tại Pháp. Và tình hình nghiêm trọng tới mức người ta phải chuyển 7 thẩm phán sang chuyên trách các trường hợp trẻ vị thành niên tham gia tổ chức Hồi giáo cực đoan.

Trước đó, Kevin Guiavarch, 24 tuổi, tay súng thánh chiến người Pháp bị truy nã gắt gao từ năm 2014 đã bị cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ bắt với cáo buộc tấn công khủng bố. Tên này đã bị Thổ Nhĩ Kỳ dẫn độ đến Paris tối 20-1. Được biết, lực lượng chức năng Pháp vừa xác định thêm danh tính nghi phạm thứ 2 trong các vụ đánh bom liều chết bên ngoài sân vận động ở thủ đô Paris tối 13-11-2015.

Theo đó, Mansour Mohamad al-Sabaawi đến từ thành phố Mosul, Iraq, được cho là đồng phạm của Bilal Hadfi, nghi phạm đầu tiên được xác định. Được biết, Bỉ vừa giao nộp Mohamed Abrini, kẻ đánh bom tại sân bay ở thủ đô Brussels cho Pháp để thẩm vấn về loạt vụ tấn công khủng bố tại Paris tối 13-11-2015.

Tờ Le Figaro vừa dẫn lời người đứng đầu đơn vị phối hợp chống khủng bố thuộc cảnh sát Pháp, ông Loic Garnier cho biết, Pháp đứng đầu danh sách các nước EU có công dân tham gia lực lượng thánh chiến - khoảng 700 công dân Pháp chiến đấu cùng lực lượng IS ở Syria và Iraq.

Theo giới truyền thông, mối lo khủng bố đang phủ bóng đen lên cuộc bầu cử Tổng thống Pháp sẽ diễn ra vào cuối tháng 4. Và 2/3 số cử tri Pháp cho biết, họ không mấy tin tưởng vào các biện pháp an ninh hiện nay của chính phủ.

Nhận định này được đưa ra sau khi người ta kỷ niệm 2 năm ngày tòa soạn Tạp chí Charlie Hebdo bị tấn công (7-1-2015). Và để đối phó với tình trạng cực đoan hóa, chính phủ Pháp đã hủy chính sách cho phép trẻ vị thành niên ra nước ngoài mà không cần cha mẹ đồng ý.

Theo quy định mới có hiệu lực từ ngày 15-1, trẻ vị thành niên ra nước ngoài phải có sự đồng ý của cha mẹ. Được biết, đã có 400 trẻ vị thành niên Pháp có mặt ở "cổng địa ngục" với tư tưởng cực đoan sẵn sàng cầm súng vì các nhóm thánh chiến. Tổng thống Pháp Fracois Hollande từng thừa nhận, cuộc chiến chống khủng bố khó kết thúc.

Anh Phương
.
.
.