Cảnh sát Áo muốn tăng thêm quyền

Thứ Bảy, 09/09/2017, 13:58
Với chiều cao 80cm cùng chiều rộng 1m, hàng rào chắn bê tông trước các tòa nhà ở Thủ đô Vienna có thể bảo vệ an toàn cho Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao và Văn phòng Tổng thống Alexander Van der Bellen, khỏi bị tấn công bởi những kẻ khủng bố.


Thông tin kể trên được giới truyền thông dẫn từ đại diện Bộ Nội vụ và đăng trên tờ Kronen Zeitung. Còn theo hãng Sputnik, quyết định xây dựng hàng rào bê tông kể trên diễn ra trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đang tìm mọi cách để đối phó trước mối đe dọa khủng bố ngày càng gia tăng.

Ngoài việc dựng hàng rào bê tông, lực lượng cảnh sát cũng yêu cầu được trao quyền giám sát dịch vụ tin nhắn. Được biết, hạ tuần tháng 8, Chính phủ Áo đã trình dự luật mới lên Quốc hội kế hoạch trao quyền giám sát các dịch vụ tin nhắn như WhatsApp và Skype cho cảnh sát bởi tội phạm đang liên lạc qua tin nhắn thay vì gọi điện thoại.

Bộ trưởng Nội vụ Wolfgang Sobotka.

Theo giới chức Bộ Tư pháp Áo, hiện việc giám sát này chỉ được thực hiện khi tòa án ra lệnh điều tra đối với các hoạt động khủng bố hoặc những tội danh có mức án phạt ít nhất 5 năm tù.

Giới chuyên môn cho rằng, một trong những cách tiếp cận có thể được tiến hành là cài đặt phần mềm vào máy tính và các thiết bị di động của đối tượng bị tình nghi sử dụng công cụ gửi tin nhắn được mã hóa. Và những công cụ này do một số doanh nghiệp chuyên sản xuất các thiết bị giám sát và gián điệp bán cho Chính phủ.

Bộ trưởng Nội vụ Wolfgang Sobotka từng tuyên bố, chống khủng bố là cuộc chiến dài hơi, và chỉ các lực lượng an ninh và cảnh sát tham gia là chưa đủ, phải có sự hỗ trợ của người dân.

Đồng thời nhấn mạnh, người dân cần thông báo cho cơ quan chức năng những đối tượng có biểu hiện nghi vấn và hỗ trợ cảnh sát trong việc triển khai các biện pháp phòng ngừa.

Theo số liệu của Bộ Nội vụ Áo, khoảng 300 đối tượng đã rời nước này tới Syria gia nhập hàng ngũ thánh chiến. Khoảng 40% đã thiệt mạng, số còn lại đã quay về nước và tiềm ẩn nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia. Cảnh sát Áo cho biết, từng mở chiến dịch chống khủng bố quy mô lớn tại 2 thành phố Vienna và Graze.

Trong chiến dịch chống khủng bố tại thủ đô Vienna và thành phố Graze, cảnh sát đã bắt 14 đối tượng tình nghi có liên hệ với IS, trong đó có 3 công dân Áo là dân di cư, 3 người đến từ khu vực Balkan. Khoảng 800 cảnh sát được huy động tham gia chiến dịch kể trên.

Và đến nay, Áo vẫn được đặt trong tình trạng cảnh giác cao sau một loạt vụ tấn công khủng bố do phần tử Hồi giáo cực đoan tiến hành thời gian qua tại một số quốc gia châu Âu.

Trong một diễn biến liên quan, Bộ trưởng Quốc phòng Hans Peter Doskozil vừa cho biết, từ 11 đến 15-9, Áo sẽ cùng với Hungary, Croatia, Slovakia, Slovenia và Cộng hòa Czech diễn tập an ninh tại Allentsteig thuộc vùng Lower của Áo.

Áo tham gia diễn tập với lực lượng an ninh của 5 nước láng giềng ở phía Đông để đối phó với nguy cơ xảy ra một làn sóng nhập cư mới, cũng như gia tăng các biện pháp bảo vệ biên giới.

Trước đó, hãng ANSA dẫn cảnh báo của Bộ trưởng Nội vụ Wolfgang Sobotka, Vienna sẵn sàng đóng cửa biên giới với Italia tại cửa khẩu đèo Brenner nếu người di cư tăng quá mức. "Nếu số người di cư bất hợp pháp tiến về phía Áo tiếp tục gia tăng, chúng tôi sẽ đóng cửa biên giới tại cửa khẩu đèo Brenner.

Và thực hiện những biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt", Bộ trưởng Nội vụ Wolfgang Sobotka nhấn mạnh. Bộ trưởng Quốc phòng Hans Peter Doskozil cũng khẳng định, Áo sẽ đặt các trạm kiểm soát biên giới và triển khai binh sĩ đến khu vực biên giới giáp với Italia nếu lượng người di cư qua Địa Trung Hải không giảm.

Các biện pháp trên được đưa ra trong bối cảnh cuộc bầu cử sớm sẽ diễn ra tại Áo vào tháng 10-2017 với dự báo đảng cựu hữu phản đối người nhập cư có nhiều cơ hội chiến thắng.

Vì tuyên bố kể trên của Bộ trưởng Nội vụ Wolfgang Sobotka và Bộ trưởng Quốc phòng Hans Peter Doskozil, Bộ Ngoại giao Italia đã triệu Đại sứ Áo Rene Pollitzer để tham vấn về việc "Vienna sẽ thiết lập các trạm kiểm soát nhằm ngăn chặn người di cư vượt qua biên giới giữa hai nước".

Theo thống kê của Tổ chức Di trú quốc tế (IOM), kể từ đầu năm đến nay khoảng 85.000 người di cư và tị nạn đã đến Italia bằng đường biển.

Hơn 4 tháng trước (20-4), khoảng 450 cảnh sát mở chiến dịch truy quét trên phạm vi cả nước, bắt 26 đối tượng cầm đầu tổ chức chống Chính phủ (có khoảng 1.000 thành viên) và đã thành lập mô hình "nhà nước" bất hợp pháp.

Trong số những người bị bắt có cả Thị trưởng, thẩm phán, nhân viên ngân hàng và họ bị xét xử tại tòa án riêng. Bộ trưởng Tư pháp Wolfgang Brandstetter cho biết, những người được gọi là "phần tử chống đối nhà nước" nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ và sẵn sàng thực hiện các hành động bạo lực.

Mạnh Phong
.
.
.