Cảnh sát Bỉ và Đức được tăng thêm quyền lực

Thứ Năm, 07/07/2016, 10:39
Sau cuộc họp với Hội đồng an ninh quốc gia, trong đó có Ngoại trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Nội vụ, Thủ tướng Bỉ Charles Michel cho biết, nước này sẽ tăng cường an ninh tại các vị trí quan trọng, nhất là ở những sự kiện công cộng lớn. 


Theo đó, từ ngày 1-9, toàn bộ cảnh sát Bỉ đều được trang bị vũ khí bởi từ trước đến nay lực lượng này chỉ được sử dụng các loại súng bắn đạn hơi cay, nên khả năng tự vệ trước tội phạm có vũ trang bị hạn chế. Quyết định này được đưa ra sau khi Bỉ trở thành điểm nóng về khủng bố.

Và các biện pháp an ninh tại Bỉ đã được tăng cường kể từ sau một số vụ khủng bố ở Brussel hồi cuối tháng 3, khiến hơn 30 người chết và hàng trăm người bị thương. Ngoài việc trang bị vũ khí cho toàn bộ lực lượng cảnh sát, trong quyết định công bố hôm 1-7, Chính phủ Bỉ còn ra lệnh tăng cường tuần tra quân sự tại các vị trí then chốt ở nhiều thành phố tới ngày 2-8.

Cảnh sát chống khủng bố của Đức

Theo đó, khoảng 1.800 quân nhân được trang bị vũ khí tiếp tục tuần tra tại các địa điểm quan trọng ở Bỉ như các tòa nhà chính phủ, các công trình lớn, các trụ sở ngoại giao nước ngoài...

Về phần mình, Quốc hội Đức cũng vừa thông qua đạo luật chống khủng bố sửa đổi. Theo đó, cho phép Cục Bảo vệ Hiến pháp Đức (BfV), tăng cường hợp tác trao đổi dữ liệu chống khủng bố với các cơ quan an ninh, tình báo và cảnh sát của các nước trên thế giới. Và động thái này sẽ giúp Đức thiết lập cơ sở dữ liệu chung, hoặc cùng phối hợp nghiên cứu xuyên biên giới về các hoạt động có liên quan tới khủng bố.

Cũng theo đạo luật kể trên, những người mua điện thoại thẻ trả trước (Prepaid) trong tương lai sẽ phải trình chứng minh thư có dán ảnh trước khi mua, thay vì chỉ cần khai tên như hiện nay. Việc này nhằm ngăn chặn khả năng các đối tượng tình nghi khủng bố sử dụng điện thoại nặc danh.

Ngày 2-7, Giám đốc BfV Hans-Georg Maassen cảnh báo, các vụ tấn công của những tay súng Hồi giáo đang tạo ra mối đe dọa an ninh lớn đối với Đức. Đồng thời cho rằng, vụ đánh bom ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có khả năng diễn ra tại nước này.

Ngoài việc tăng quyền cho BfV, Quốc hội Đức còn tăng quyền giám sát, theo dõi các đối tượng khủng bố đối với lực lượng cảnh sát liên bang và Cục Hình sự liên bang Đức (BKA). Quyết định kể trên diễn ra sau khi lực lượng đặc nhiệm Đức vừa bắn hạ đối tượng xả súng tại rạp chiếu phim Kinopolis ở Trung tâm Rhein-Neckar, phía Nam bang Hessen, miền Tây nước Đức.

Cảnh sát Đức đứng gác bên ngoài ga trung tâm Cologne.

Theo giới truyền thông Đức, có hàng chục người bị thương trong một vụ xả súng sau khi một đối tượng đeo mặt nạ mang theo súng và quấn đai bom, bắt giữ hàng chục con tin và khai hỏa tại rạp chiếu phim Kinopolis. Theo thông báo mới nhất của BKA, trong quý 1-2016, tại Đức đã ghi nhận 69.000 vụ phạm tội do người nhập cư ở nước này gây ra. Trong đó có hơn 50% trường hợp phạm tội là trộm cắp (29%) và các tội danh liên quan tới tài sản hoặc giả mạo.

Các tội liên quan tới xâm hại thân thể người khác, cướp bóc, cầm giữ trái phép chiếm khoảng 23%, trong khi các tội phạm về ma túy chiếm 6,6% và tội phạm tình dục chiếm 1,1%. Đây là lần đầu tiên BKA công bố một báo cáo về tình trạng phạm tội của người nhập cư với số liệu tổng hợp từ 16 bang ở Đức. Và báo cáo của BKA khiến người dân nước này lo lắng trước chính sách cởi mở đối với người tị nạn của Thủ tướng Angela Merkel.

Trong khi đó, bà Angela Merkel không những bày tỏ quan ngại trước thực trạng của các đảng cực hữu ở Đức và nhiều quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu (EU) trong việc chống lại người nhập cư, mà còn cảnh báo việc kiểm soát biên giới của một số nước nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng di cư đang đe dọa trực tiếp tới quyền tự do đi lại trong EU.

Còn theo báo cáo được công bố hôm 28-6 của BfV, trong năm 2015, số vụ bạo lực do lực lượng cực hữu thực hiện đã tăng hơn 42% (trên 1.400 vụ) ở nước này. Trong đó có 75 vụ đốt phá trung tâm của người tị nạn, và các vụ tấn công nhằm vào phóng viên, chính trị gia, và âm mưu giết người. Do đó, BfV kêu gọi áp dụng những biện pháp cụ thể để tránh sự trỗi dậy của "cấu trúc khủng bố cánh hữu".

Theo thống kê, hiện ở Đức có khoảng 11.800 đối tượng cực cữu sẵn sàng gây bạo lực. Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas De Maiziere cảnh báo, chủ nghĩa cực hữu đang gia tăng mạnh ở Đức, trong đó có nhiều đối tượng sẵn sàng manh động. Trong khi đó, Cơ quan thăm dò dư luận châu Âu vừa công bố kết quả điều tra cho thấy, đa số người dân châu Âu muốn EU coi cuộc chiến chống khủng bố là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.

Thiện Lân
.
.
.