Cảnh sát Ethiopia bắt nghi can liên quan tới các vụ bạo lực đẫm máu

Thứ Tư, 09/01/2019, 20:45
Ngày 2-1, Tổng công tố liên bang Ethiopia cho biết, cảnh sát đã bắt 81 nghi can liên quan tới các vụ bạo lực đẫm máu cướp đi sinh mạng của hàng chục thường dân ở ngoại ô thủ đô Addis Ababa.


Theo giới truyền thông, đã có ít nhất 23 người chết trong cuộc tấn công bạo lực xảy ra hồi tháng 9-2018 và hàng nghìn người đã phải rời bỏ nhà cửa vì các vụ tấn công kể trên - họ buộc phải chạy trốn và tìm nơi ẩn náu trong các trường học và những cơ sở công cộng ở thủ đô Addis Ababa. 

Và những vụ tấn công kể trên còn khiến hàng chục nghìn cư dân thủ đô Addis Ababa tức giận và tập trung trước Cung điện Quốc gia Ethiopia và các cơ sở của Đài truyền hình quốc gia để kêu gọi Chính phủ phải bảo vệ và đảm bảo an toàn cho họ. Cùng ngày 2-1, truyền thông Nhà nước Fana Broadcasting Corporate cho biết về vụ bắt 28 nghi can gây ra những vụ án mạng nhằm vào các dân tộc thiểu số ở Burayu khiến 10 người chết.

Động thái kể trên diễn ra sau khi Mỹ cử chuyên gia tới Ethiopia để điều tra vụ đánh bom nhằm vào đám đông tuần hành ủng hộ Thủ tướng Abiy Ahmed và ông may mắn thoát chết sau vụ tấn công hôm 23-6-2018, tại cuộc míttinh quy mô lớn ở thủ đô Addis Ababa. Vụ tấn công diễn ra sau khi Thủ tướng Abiy Ahmed kết thúc bài diễn văn trước đám đông. 

Cảnh sát đã bắt 30 người cùng 9 quan chức cảnh sát (do thiếu trách nhiệm dẫn tới vụ nổ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng - 3 người chết và 164 người bị thương). Nhưng sau đó, Thủ tướng Abiy Ahmed vẫn cử Ngoại trưởng Workneh Gebeyehu tới thủ đô Asmara của Eritrea để ký thỏa thuận hòa bình với nhóm ly khai Mặt trận Giải phóng quốc gia Ogaden (ONLF), chính thức khép lại hơn 3 thập kỷ bạo loạn ở nước này. 

Theo giới truyền thông, sau khi nhậm chức hồi tháng 4-2018, Thủ tướng Abiy Ahmed đã ưu tiên tiến hành hòa giải với nhiều nhóm đối lập ở nước này, trong đó có ONLF. Trước đó (31-7-2018), nhóm nổi dậy Ginbot 7 thông báo, sẽ về nước sau cuộc họp với Thủ tướng Abiy Ahmed. 

Bởi Ginbot 7 cho rằng, các biện pháp của ông Abiy Ahmed đã cho họ tia hy vọng về sự chuyển đổi hòa bình sang nền dân chủ thực sự và có khả năng trở thành hiện thực. Ginbot 7 từng bị Chính phủ coi là tổ chức khủng bố, nằm ngoài vòng pháp luật và thường xuyên bị cáo buộc gieo rắc bạo lực ở Ethiopia.

Cảnh sát Ethiopia bắt 81 người liên quan tới các vụ bạo lực đẫm máu.

Những động thái này diễn ra đúng thời điểm Ethiopia có nữ Tổng thống đầu tiên. Theo giới truyền thông, bà Sahle-Work Zewde (Tổng thống thứ 4 của Ethiopia) đã nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của các nghị sỹ, sau khi họ chấp thuận đơn từ chức của Tổng thống Mulatu Teshome hôm 25-10-2018. 

Việc trở thành nữ Tổng thống đầu tiên ở Ethiopia của bà Sahle-Work Zewde được coi là chiến thắng của Liên minh Mặt trận cách mạng dân chủ nhân dân Ethiopia (EPRDF) cầm quyền. Tổng thống Mulatu Teshome đệ đơn từ chức sau khi Thủ tướng Abiy Ahmed tiến hành cải tổ nội các (50% thành viên là nữ). 

Mặc dù từng làm Đại sứ tại Pháp, Djibouti và Senegal, cũng như là quan chức hàng đầu của Liên hợp quốc tại Liên minh châu Phi, nhưng sau khi được Quốc hội bầu làm nữ Tổng thống đầu tiên của Ethiopia, bà Sahle-Work Zewde, 68 tuổi, cũng phải đối mặt với nhiều thách thức không nhỏ. 

Bởi không những là nữ Tổng thống đầu tiên của Ethiopia, bà Sahle-Work Zewde còn là nữ nguyên thủ quốc gia duy nhất ở châu Phi (sau khi Tổng thống Mauritania Ameenah Gurib-Fakim từ chức hồi tháng 3-2018).

Cảnh sát Ethiopia tăng cường tuần tra.
Đa số người dân hoan nghênh, nhiều người còn coi đây là sự kiện "mang tính lịch sử", khi Ethiopia lại có nữ nguyên thủ quốc gia bởi đầu thế kỷ 20, người cai trị Ethiopia là Nữ hoàng Zewditu. 

"Trong một xã hội phụ hệ như chúng ta, việc bổ nhiệm một nữ nguyên thủ quốc gia không những đặt ra tiêu chuẩn cho tương lai, mà còn bình thường hóa việc phụ nữ trở thành nhà lãnh đạo", Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Fitsum Arega đăng trên Twitter sau khi bà Sahle-Work Zewde được bầu làm Tổng thống. 

Mặc dù theo Hiến pháp Ethiopia, Tổng thống chỉ mang tính nghi thức, Thủ tướng mới là người nắm quyền lực chính trị, nhưng sự xuất hiện trên chính trường của bà Sahle-Work Zewde được coi sẽ mở ra nhiều đột phá mới. 

Sự nghiệp chính trị của Tổng thống Sahle-Work Zewde bắt đầu từ cuối thập niên 1980 của thế kỷ trước, khi bà được chính phủ Ethiopia cử làm Đại sứ tại Senegal sau đó là Djibouti. Vì thông thạo cả tiếng Anh và tiếng Pháp nên bà Sahle-Work Zewde (từng theo học ngành khoa học tự nhiên tại Đại học Montpellier, Pháp) được cử làm đại diện thường trực của UNESCO và từ năm 2011 là đại diện đặc biệt của cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon và Trưởng đại diện Liên hợp quốc tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình quốc tế tại Trung Phi (MISCA). 

Sau đó, bà Sahle-Work Zewde đảm trách ghế Tổng giám đốc Văn phòng Liên hợp quốc tại Nairobi (UNON). 

Phạm Huy Anh
.
.
.