Cảnh sát Honduras chống lệnh chính phủ

Thứ Tư, 13/12/2017, 21:18
Việc lực lượng cảnh sát quốc gia quyết định không tuân theo mệnh lệnh của Chính phủ đã đánh dấu một bước ngoặt lớn cho cuộc bầu cử gây nhiều tranh cãi ở Honduras nhiều tuần qua, khiến nước này rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất kể từ cuộc đảo chính vào năm 2009 đến nay.


"Chúng tôi muốn hòa bình và chúng tôi sẽ không tuân theo mệnh lệnh của Chính phủ, chúng tôi đang mệt mỏi vì điều này. Chúng tôi không có ý thức hệ chính trị. Chúng tôi không thể tiếp tục đối đầu với người dân. Chúng tôi cũng không muốn đàn áp hay vi phạm nhân quyền của người dân Honduras", người phát ngôn của lực lượng cảnh sát quốc gia Honduras tuyên bố.

Theo tờ The Guardian, việc lực lượng cảnh sát quốc gia quyết định không tuân theo mệnh lệnh của Chính phủ đã đánh dấu một bước ngoặt lớn cho cuộc bầu cử gây nhiều tranh cãi ở Honduras nhiều tuần qua, khiến nước này rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất kể từ cuộc đảo chính vào năm 2009 đến nay.

Vẫn theo tờ The Guardian, lực lượng cảnh sát quốc gia Thủ đô Tegucigalpa, bao gồm cả đơn vị đặc nhiệm do Mỹ đào tạo, đã tuyên bố không thực hiện lệnh giới nghiêm do Chính phủ đưa ra.

Theo giải thích của một sĩ quan thuộc đội chống bạo loạn của cảnh sát - đây không phải là một cuộc đình công, cũng không phải vì lương bổng hay tiền bạc. Chúng tôi còn có gia đình. Chúng tôi mệt mỏi. Công việc của chúng tôi là đem lại hòa bình và an ninh cho người dân, chứ không phải đàn áp họ. Chúng tôi muốn tất cả người Honduras được an toàn".

Cảnh sát tuyên bố, sẽ không tuân theo lệnh giới nghiêm của Chính phủ và sẽ án binh bất động cho đến khi cuộc khủng hoảng được giải quyết. Người biểu tình chống Chính phủ reo hò và hô vang: “Sự đoàn kết của người dân sẽ không bao giờ bị đánh bại”.

Theo giới truyền thông, các cuộc bạo lực chết người do nghi ngờ gian lận bầu cử ở Honduras đang lan rộng. Những cuộc biểu tình diễn ra trên đường phố Honduras đã khiến Chính phủ phải ban hành lệnh giới nghiêm, nhưng động thái này chỉ kiềm chế biểu tình, không chấm dứt được tình trạng bạo lực ở quốc gia Trung Mỹ này.

Bởi người dân và phe đối lập chỉ trích cuộc bầu cử Tổng thống hôm 26-11 bị gian lận. Bộ trưởng Nội các Jorge Ramon Hernandez cho biết, Honduras đã đình chỉ một số quyền quy định trong Hiến pháp, nhưng tăng cường quyền lực cho quân đội và cảnh sát trấn áp bạo động gây hỗn loạn.

Cảnh sát được triển khai trên đường phố.

Giới truyền thông cho rằng, cuộc khủng hoảng bắt đầu sau cuộc bầu cử (bầu Tổng thống, 3 Phó Tổng thống, 128 nghị sỹ và người đứng đầu của 298 địa phương), khi ứng cử viên đối lập Salvador Nasralla dẫn trước đối thủ 5% số phiếu ủng hộ.

Nhưng sau khi hơn 90% số phiếu được đếm, Tổng thống Juan Orlando Hernandez đã vượt lên dẫn đầu. Và theo kết quả chính thức, trong tổng số 95% số phiếu đã được kiểm, Tổng thống Juan Orlando Hernandez giành được 42,98% số phiếu, trong khi ông Salvador Nasralla chỉ được 41,39% người ủng hộ.

Theo giới truyền thông, kết quả thay đổi nhanh chóng khi công tác kiểm phiếu được nối lại sau gián đoạn vì trục trặc hệ thống. Việc này đã khiến căng thẳng bùng phát. Và đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát đã xảy ra, khiến ít nhất 7 người chết và hàng chục người bị thương, trong khi hàng trăm người bị bắt giữ.

Được biết, khoảng 16.000 quan sát viên, trong đó có 600 người nước ngoài, tham gia giám sát cuộc bầu cử hôm 26-11.

Mấy ngày trước, hàng chục nghìn người Honduras đã xuống đường biểu tình phản đối kết quả cuộc bầu cử Tổng thống vì cho rằng, có gian lận trong quá trình kiểm phiếu trong khi Tòa án bầu cử Tối cao (TSE) tổ chức kiểm lại hàng nghìn phiếu được cho là không nhất quán.

Biểu tình tiếp diễn sau khi Chủ tịch TSE David Mataramos tuyên bố, kiểm lại 1.006 phiếu được cho là không nhất quán. Được biết, số phiếu được TSE kiểm lại thấp hơn nhiều so với mức 5.173 phiếu do phe đối lập yêu cầu kiểm lại.

Trước đó, ông Salvador Nasralla, đại diện cho Liên minh chống Độc tài đối lập, yêu cầu mở rộng phạm vi kiểm phiếu lại bao gồm hàng nghìn điểm bỏ phiếu, nhưng không được TSE chấp thuận. Những người ủng hộ ông Salvador Nasralla đã xuống đường tuần hành, gây tình trạng tắc nghẽn và hỗn loạn. 

Mặc dù theo quy định của Hiến pháp, Tổng thống Juan Orlando Hernandez chỉ được 1 nhiệm kỳ, nhưng nhà lãnh đạo được Mỹ và phương Tây ủng hộ đang tìm kiếm nhiệm kỳ thứ hai. 

Trong khi đảng Dân tộc theo đường lối bảo thủ của Tổng thống cho rằng, Tòa án tối cao năm 2015 đã cho phép ông Juan Orlando Hernandez tái tranh cử, nhưng phe đối lập nhấn mạnh, tòa không có quyền bãi bỏ các quy định của Hiến pháp năm 1982. Trên tài khoản Twitter, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tố cáo Mỹ can thiệp và đứng sau những gian lận bầu cử tại Honduras.

Về phần mình, ông Salvador Nasralla, ngôi sao bình luận thể thao trên truyền hình đã kêu gọi quân đội Honduras nổi loạn, không thực hiện lệnh thiết quân luật, tiếp sau những vụ biểu tình phản đối kết quả bầu cử Tổng thống. Đồng thời kêu gọi người ủng hộ tiếp tục phản đối hòa bình. Tổ chức các nước liên Mỹ (OAS) ủng hộ đề nghị của ông Salvador Nasralla - muốn kiểm lại 5.000 điểm bỏ phiếu và TSE không nên hạn chế việc này.

Phạm Huy Anh
.
.
.