Cảnh sát Indonesia cảnh giác trước nguy cơ khủng bố

Thứ Hai, 06/03/2017, 18:01
"Kẻ tấn công là thành viên của một mạng lưới khủng bố", kênh truyền hình địa phương Metro TV dẫn lời Cảnh sát trưởng thành phố Bandung, tỉnh Tây Java, nhưng ông Anton Charliyan không tiết lộ về tổ chức đứng sau vụ đánh bom sáng 27-2 tại công viên Pandawa ở thành phố này.

Ông Anton Charliyan còn cho biết, trước khi tấn công hung thủ, cảnh sát đã sơ tán người dân xung quanh tòa nhà chính quyền, nên không ai bị thương. Theo hình ảnh trên truyền hình cho thấy, cảnh sát đã sử dụng thang để giúp một số người thoát ra ngoài thông qua cửa sổ của tòa nhà Chính phủ.

"Đội phá bom đã rà soát khu vực để tìm bom tự chế. Tình hình hiện an toàn, nhưng chúng tôi luôn cảnh giác và không đánh giá thấp điều gì", Cảnh sát trưởng Anton Charliyan tuyên bố.

Đồng thời cho rằng, tên này có thể thuộc nhóm Jemaah Ansharut Daulah (JAD) và mục đích của vụ tấn công là nhằm buộc chính phủ thả các tù nhân bị lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố giam giữ. Ông Anton Charliyan còn cho biết, cảnh sát đã theo dõi hoạt động của những đối tượng là thành viên của một mạng lưới khủng bố cũ.

Cảnh sát được triển khai sau vụ nổ.

Tại cuộc trả lời phỏng vấn trực tiếp trên kênh truyền hình Metro TV, người phát ngôn Sở cảnh sát tỉnh Tây Java Yusri Yunus trước đó dẫn lời các nhân chứng cho biết, họ nhìn thấy 2 người trên một chiếc mô tô vào khoảng 8h30 ngày 27-2 ở Công viên Pandawa có dấu hiệu khả nghi. Và 1 người được cho là đeo ba lô, sau đó đặt bom và kích nổ.

Khi bị người dân truy đuổi, tên lái môtô bỏ chạy, tên còn lại chạy vào tòa nhà chính quyền gần đó. Và hắn đã phóng hỏa đốt một căn phòng trên tầng hai của tòa nhà kể trên. Trong khi lực lượng cứu hỏa cố gắng dập tắt ngọn lửa, hung thủ chạy xuống tầng 1 và đấu súng với cảnh sát khiến hắn bị thương và chết trên đường tới bệnh viện.

Cảnh sát đã tịch thu một ba lô, những vật còn lại của quả bom thứ hai, một con dao và một khẩu súng của hung thủ. Kênh truyền hình BeritaSatu News dẫn lời người phát ngôn Yusri Yunus cho biết, hung thủ bị bắn vào khoảng 10 giờ 30 và chết sau khi được đưa tới bệnh viện. Đội phá bom của cảnh sát cũng được điều đến hiện trường để tìm kiếm vật liệu nổ.

Giới truyền thông dẫn lời Tư lệnh cảnh sát Indonesia Tito Karnavian cho biết, hung thủ có khả năng là thành viên của JAD, nhóm phiến quân ở Indonesia có quan hệ với Bahrun Naim, phiến quân Indonesia đang chiến đấu cho IS tại Syria.

Vẫn theo ông Tito Karnavian, mục đích của những cuộc tấn công khủng bố là để yêu cầu trả tự do cho những phiến quân đang bị cảnh sát giam giữ. "Những gì chúng tôi biết lúc này là việc hắn là thành viên của JAD, nhưng vẫn chưa chắc chắn tên này có quan hệ với Bahrun Naim hay không", ông Tito Karnavian nói.

Hung thủ tới hiện trường bằng xe máy với quả bom được hắn chế tạo. Theo hãng ABC News, hung thủ đã đặt quả bom tại một góc sân của tòa nhà chính quyền rồi kích nổ (có phạm vi sát thương khoảng 50m tính từ tòa nhà chính quyền), sau đó trốn trong tòa nhà.

Vụ việc xảy ra vào khoảng 9 giờ ngày 27-2 (theo giờ địa phương). Và quả bom phát nổ tại Công viên Pandawa, gần toà nhà chính quyền thành phố Bandung được chế tạo từ nồi áp suất. Sau khi phát nổ quả bom, hung thủ đã chạy vào tòa nhà chính quyền thành phố Bandung gần đó để cố thủ.

Sau khoảng 60 phút thuyết phục bất thành - khi cảnh sát kêu gọi đầu hàng, tên này đáp lại bằng cách ném chất nổ ra ngoài và phóng hỏa gây cháy một phần tòa nhà chính quyền, cảnh sát buộc phải nổ súng tấn công. Và sau cuộc đấu súng với cảnh sát, hung thủ bị trúng đạn và chết trên đường đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Theo giới truyền thông, cảnh sát đang điều tra khả năng hung thủ có quan hệ với một mạng lưới cực đoan ủng hộ IS. Và cho rằng, hung thủ muốn gây sức ép buộc chính quyền phải thả những kẻ bị lực lượng chống khủng bố bắt giữ trước đó. Hung thủ bị tình nghi là thành viên của JAD, đã bị Bộ Ngoại giao Mỹ liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố.

Tờ South China Morning Post cảnh báo, lệnh cấm người Hồi giáo vào Mỹ của Tổng thống Donald Trump, cùng với việc Washington cầm đầu liên quân truy quét IS ở Trung Đông sẽ khiến IS mở rộng mạng lưới ở châu Á, đặc biệt ở Đông Nam Á. Theo đánh giá của ông Jeremy Douglas, đại diện Văn phòng về Ma túy và Tội phạm của Liên hợp quốc ở Đông Nam Á và Thái Bình Dương (UNODC), nguy cơ các phần tử IS gốc châu Á quay về tấn công quê hương rất lớn. UNODC ước tính, hơn 510 người Indonesia, 100 người Philippines, 100 người Malaysia và 2 người Singapore đang chiến đấu trong hàng ngũ IS ở Syria và Iraq. Và chỉ cần một phần trong số đó quay về nước, chúng sẽ trở thành "sói đơn độc" và đó là nguy cơ rất lớn đối với an ninh của các nước này và khu vực.
Anh Phương
.
.
.