Cảnh sát Maldives phá âm mưu lật đổ Tổng thống Abdulla

Thứ Năm, 18/02/2016, 11:00
Theo tiết lộ của quan chức chính phủ Maldives, ngày 7-2, cảnh sát đã bắt các đối tượng âm mưu lật đổ Tổng thống Abdulla Yameen bằng cách làm giả lệnh bắt giữ ông. 


Việc này diễn ra tối 6-2 khi các đối tượng đột nhập vào một tòa án địa phương để làm giả lệnh bắt giữ Tổng thống Abdulla Yameen với cáo buộc tham nhũng. Và các bản sao của lệnh bắt giữ giả đã phân phát tới cảnh sát cùng các nhân viên chủ chốt của lực lượng Phòng vệ. Nếu âm mưu này không được phát hiện kịp thời, hậu quả thật khôn lường.

Giới truyền thông cho biết, cảnh sát cũng giải tán một nhóm người biểu tình được cho là đã xông vào tư dinh của Tổng thống Abdulla Yameen không lâu sau khi xuất hiện thông tin về lệnh bắt giữ người đứng đầu chính phủ Maldives. Hiện cảnh sát đang lấy lời khai và thẩm vấn các đối tượng bị bắt về âm mưu lật đổ Tổng thống Abdulla Yameen.

Vụ mưu sát bất thành

Động thái kể trên diễn ra sau khi Tổng thống Abdulla Yameen quyết định dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp (10-11-2015), chỉ 1 tuần sau khi lệnh này được áp đặt. Bởi theo tuyên bố trước đó của Bộ Ngoại giao, tình trạng khẩn cấp tại Maldives kéo dài 30 ngày, tính từ ngày 4-11-2015. Tổng thống Abdulla Yameen quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp sau khi Hội đồng an ninh quốc gia đưa ra những khuyến cáo dựa trên kết quả điều tra của cảnh sát khi phát hiện nhiều thiết bị gây nổ và súng tại thủ đô Male.

Tổng thống Maldives Abdulla Yameen.

Trước đó (4-11-2015), Quốc hội Maldives đã thông qua sắc lệnh tình trạng khẩn cấp trong vòng 30 ngày do Tổng thống Abdulla Yameen tuyên bố. Hơn 3 tháng trước (1-11-2015), Bộ trưởng Nội vụ Maldives, ông Umar Naseer đã bác bỏ kết luận của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) xung quanh vụ mưu sát Tổng thống Abdulla Yameen. Bởi theo Bộ trưởng Nội vụ Umar Naseer, các nhân viên điều tra FBI chỉ thu thập 10 mảnh vỡ tại hiện trường để phân tích, sau đó đưa ra kết luận "thiếu tính thuyết phục" - không có bằng chứng cho thấy một quả bom đã được sử dụng để gây ra vụ nổ trên chiếc thuyền cao tốc chở Tổng thống Abdulla Yameen, trong khi cả Saudi Arabia và Sri Lanka đều xác nhận, những mảnh vỡ thu thập được có thể là của một quả bom.

Ông Umar Naseer cũng thông báo, lực lượng chức năng Maldives đã tìm thấy súng và một số vũ khí giấu ở dưới đáy một đảo san hô ở phía Bắc thủ đô Male. Ngày 1-11-2015, tờ Wall Street Journal cho biết, sau khi xem xét các bằng chứng, FBI đã kết luận, theo đó các mảnh vỡ trong vụ nổ hôm 28-9-2015 không phải từ một quả bom, mà là một phần của con thuyền chở Tổng thống Abdulla Yameen.

Ngày 5-11-2015, cảnh sát thông báo phát hiện một thiết bị nghi là bom ở ngã tư đường New Harbour và Ameenee Magu, phía Tây thủ đô Male. Trước đó (2-11-2015), cảnh sát cũng tìm thấy một quả bom điều khiển từ xa gần dinh Tổng thống Abdulla Yameen, nên đã phong tỏa hiện trường để tháo ngòi nổ quả bom. Việc này diễn ra sau khi Tổng thống Abdulla Yameen bị ám sát hụt hôm 28-9-2015.

Tại thời điểm kể trên, cảnh sát Maldives đã phát lệnh truy nã đối với 8 nghi can liên quan đến vụ mưu sát Tổng thống Abdulla Yameen đang lẩn trốn tại Sri Lanka, Thái Lan và một số nước khác. Sau khi nhận được thông báo của cảnh sát Maldives, ngày 30-10-2015, cảnh sát Malaysia cho biết, đã bắt giữ nhiều người mang quốc tịch Maldives có liên quan tới vụ mưu sát Tổng thống Abdullah Yameen.

Được biết, trong cuộc truy bắt tại thủ đô Kuala Lumpur hôm 28-10-2015, cảnh sát chống khủng bố Malaysia đã bắt giữ 1 công dân Maldives làm việc tại nước này dưới danh nghĩa nhà đầu tư. Ngoài ra, 4 công dân Maldives khác cũng bị bắt giữ trong cuộc truy bắt kể trên. Và 5 nghi phạm này đều bị áp giải về Maldives.

Những người ủng ứng cử viên Tổng thống Mohamed Nasheed biểu tình tại Male.

Trong khi đó, các phần tử Hồi giáo cấp tiến có quan hệ với IS và nhóm thánh chiến Bilad Al Sham Media, có căn cứ ở Syria và Maldives, thừa nhận tiến hành vụ đánh bom chiếc thuyền chở Tổng thống Abdulla Yameen. Vụ nổ hôm 28-9-2015 khiến Đệ nhất phu nhân Fathimath Ibrahim, 1 phụ tá và 1 vệ sĩ của Tổng thống Abdulla Yameen bị thương.

Cáo buộc đối với Phó Tổng thống Ahmed Adheeb

Giới chuyên môn cảnh báo, những biến động chính trị ở Maldives, quốc gia với 26 hòn đảo, đang tạo không gian cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) gieo rắc khủng bố, và những hậu quả nghiêm trọng khác. Bởi ở Maldives đang có 2 phái riêng biệt - một trung thành với Tổng thống Abdulla Yameen và một trung thành với Phó Tổng thống Ahmed Adeeb.

Hơn 3 tháng trước (10-11-2015), cảnh sát tuyên bố đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc điều tra vụ mưu sát Tổng thống Abdulla Yameen hôm 28-9-2015 do Phó Tổng thống Ahmed Adeeb đạo diễn. Cảnh sát còn phát hiện các vật liệu dùng để chế tạo bom tại nhà riêng của một số phụ tá thân cận của Phó Tổng thống Ahmed Adheeb.  Trước đó (5-11-2015), với tỉ lệ 61/85 nghị sỹ bỏ phiếu thuận, Quốc hội Maldives đã thông qua quyết định luận tội Phó Tổng thống Ahmed Adheeb với cáo buộc mưu sát Tổng thống Abdulla Yameen.

Giới truyền thông cho biết, sau khi ra lệnh bắt giữ Phó Tổng thống Ahmed Adheeb, Tổng thống Abdulla Yameen còn cách chức Bộ trưởng Quốc phòng Moosa Ali Jaleel và bắt giam một số nhân viên an ninh của nước này.

Ngày 28-10-2015, Tổng thống Abdulla Yameen đã bổ nhiệm ông Adam Shareef làm Bộ trưởng Quốc phòng, thay thế người tiền nhiệm Moosa Ali Jaleel (bị cách chức hôm 14-10-2015). Ông Moosa Ali Jaleel được bổ nhiệm hồi tháng 1-2015, thay thế người tiền nhiệm Mohamed Nazim, bị tuyên 11 năm tù vì tội buôn lậu vũ khí và lập kế hoạch tấn công Tổng thống Abdulla Yameen. Chỉ vài giờ trước khi Phó Tổng thống Ahmed Adeeb bị bắt, Cảnh sát trưởng quốc gia Hussain Waheed đã bị Tổng thống Abdulla Yameen sa thải.

Ngày 25-10-2015, Tổng thống Abdulla Yameen cáo buộc Phó Tổng thống Ahmed Adheeb âm mưu lật đổ ông. "Chúng tôi thấy Phó Tổng thống làm nhiều việc để đánh lạc hướng điều tra. Việc nghiêm trọng nhất là đã làm việc cùng đảng chính trị đối lập MDP để có một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm chống lại Tổng thống tại Quốc hội", ông Abdulla Yameen nói. Bộ trưởng Nội vụ Umar Naseer thông báo, Phó Tổng thống Ahmed Adheeb bị truy tố tội "phản quốc".

Nhưng luật sư của Phó Tổng thống Ahmed Adheeb là Hussein Shameem đã bác bỏ các cáo buộc chống lại thân chủ của mình. "Họ không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào ngoài một báo cáo tình báo không đầy đủ" - ông Hussein Shameem nhấn mạnh.

Theo giới truyền thông, ngay sau khi luận tội "phản quốc" của Phó Tổng thống Mohamed Jameel, Tổng thống Abdulla Yameen đã sửa Hiến pháp - hạ độ tuổi tối thiểu làm Tổng thống và Phó Tổng thống (từ 35 xuống 30), mở đường cho ông Ahmed Adheeb thay thế người tiền nhiệm Mohamed Jameel. Nhưng khi phát biểu trên truyền hình hôm 25-10-2015, Tổng thống Abdulla Yameen đã gọi Phó Tổng thống Ahmed Adheeb là "mối đe dọa an ninh quốc gia".

Khoảng 3 tháng sau khi được bổ nhiệm thay thế Phó Tổng thống Mohamed Jameel, ông Ahmed Adeeb đã bị bắt (24-10-2015), ngay sau khi chuyến bay của hãng hàng không Singapore Airline hạ cánh xuống sân bay quốc tế Ibrahim Nasir với cáo buộc có liên quan đến vụ mưu sát bất thành Tổng thống Abdulla Yameen hôm 28-9-2015.

Bản án 13 năm tù của cựu Tổng thống Mohamed Nasheed

Gần 1 năm trước (14-3-2015), Liên minh châu Âu cho rằng, việc buộc tội và kết án 13 năm tù giam cựu Tổng thống đồng thời là nhà lãnh đạo phe đối lập Mohamed Nasheed với các cáo buộc theo đạo luật chống khủng bố đã đặt ra những vấn đề nghiêm trọng liên quan tới hệ thống luật pháp của Maldives. Trong khi đó, đảng Dân chủ Maldives (MDP) của cựu Tổng thống Mohamed coi phán quyết của tòa là "bước thụt lùi" đối với nền dân chủ non trẻ của Maldives.

Cựu Tổng thống Maldives Mohamed Nasheed.

Ngày 13-3-2015, một tòa án ở Maldives đã kết án cựu Tổng thống Mohamed Nasheed (Tổng thống dân bầu đầu tiên của nước này) 13 năm tù giam theo luật chống khủng bố vì tội đã ra lệnh bắt giam Thẩm phán Abdullah Mohamed khi còn tại vị hồi tháng 1-2012. Ông Mohamed Nasheed đã phải từ chức hồi tháng 2-2012 sau khi các cuộc biểu tình kéo dài nhiều tuần của công chúng phản đối lệnh bắt Thẩm phán Abdullah Mohamed. Đến ngày 2-2-2015, cảnh sát đã bắt cựu Tổng thống Mohamed Nasheed theo luật chống khủng bố.

Ngày 2-5-2015, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cảnh báo, nền dân chủ tại Maldives đang bị đe dọa sau khi cảnh sát bắt gần 200 người biểu tình phản đối việc bỏ tù cựu Tổng thống Mohamed Nasheed. Trước đó (tối 1-5-2015), cảnh sát đã sử dụng đạn hơi cay và lựu đạn khói để giải tán đám đông biểu tình ủng hộ ông Mohamed Nasheed sau khi cựu Tổng thống bị kết án 13 năm tù.

Hơn 2 năm trước, tại cuộc bầu cử tổng thống ngày 7-9-2013, cựu Tổng thống Mohamed Nasheed đã dẫn đầu với 45,45% số phiếu, còn ứng cử viên Abdulla Yameen của Đảng Cấp tiến Maldives (PPM) chỉ giành được 25,35%, nhưng vì không ai giành số phiếu quá bán nên phải tổ chức bầu cử vòng hai. Ngày 7-10-2013, Tòa án Tối cao Maldives ra quyết định hủy kết quả cuộc bầu cử hôm 7-9-2013 do có cáo buộc gian lận.

Và tại cuộc bầu cử ngày 9-11-2013, cựu Tổng thống Mohamed Nasheed vẫn dẫn đầu với 46,93% số phiếu, trong khi ứng cử viên Abdulla Yameen chỉ giành được 29,73%. Nhưng ông Abdulla Yameen vẫn trở thành Tổng thống thứ 6 của Maldives và Tòa án Tối cao bị coi là thiên vị trong cuộc bầu cử tổng thống kéo dài từ tháng 9 đến tháng 11-2013.

Ngày 9-3-2014, Tòa án Tối cao đã sa thải và kết án Chủ tịch Ủy ban bầu cử Fuwad Thowfeek 6 tháng tù giam, sau khi ông này chỉ trích các thẩm phán trong cuộc bầu cử tổng thống hồi năm ngoái. Ngày 11-3-2014, Quốc hội Maldives đã phản đối phán quyết của Tòa án Tối cao.

Phán quyết của Tòa án Tối cao đã khơi lại tranh cãi về cuộc bầu cử năm ngoái khi các thẩm phán hủy bỏ kết quả bầu cử vòng một, vốn mang lại chiến thắng cho cựu Tổng thống Mohamed Nasheed. Ông Fuwad Thowfeek đã gửi thư lên Tổng thống Abdulla Yameen, Chánh án Tòa án Tối cao Ahmed Faiz và Bộ trưởng Tư pháp Mohamed Anil, trong đó cáo buộc quyết định của Tòa án Tối cao là bất hợp pháp. Một ủy ban của Liên hợp quốc từng đề nghị Tổng thống Abdulla Yameen phóng thích và bồi thường cho cựu Tổng thống Mohamed Nasheed, nhưng bất thành.

Tuệ Sỹ - Trọng Hậu
.
.
.