Cảnh sát Mỹ lại bắn chết người da màu

Thứ Tư, 13/07/2016, 15:50
"Người da màu tiếp tục là nạn nhân có tỷ lệ bị bắn cao gấp 2,5 lần so với người da trắng", việc công bố kết quả nghiên cứu của tờ Washington Post - cảnh sát đã bắn hạ 491 người trong 6 tháng đầu năm 2016, tăng vọt so với mức 465 nạn nhân cùng kỳ năm ngoái diễn ra trong bối cảnh nhân viên cảnh sát ở Baton Rouge, Louisiana vừa bắn chết người da màu mấy hôm trước, gây ra làn sóng phẫn nộ mới trên toàn nước Mỹ. 


Biểu tình lan rộng nhằm phản đối cảnh sát dùng vũ lực, sau vụ Philando Castile, 32 tuổi, ở bang Minnesota và Alton Sterling, 32 tuổi, ở bang Louisiana, bị bắn chết. Và 2 vụ nổ súng bắn chết người đã kích động căng thẳng sắc tộc, người biểu tình đã gây nên tình trạng tắc đường tại thành phố New York, Atlanta, Philadelphia... Họ hô vang những khẩu hiệu "Không công lý, không hòa bình, không cảnh sát kì thị".

Philando Castile bị cảnh sát bắn chết hôm 6-7 và bạn gái anh đã truyền trực tiếp lên mạng Internet cảnh đổ máu tại hiện trường chỉ vài phút sau đó. 

Biểu tình phản đối việc nạn nhân Alton Sterling bị cảnh sát bắn chết.

Trong một đoạn video phát trực tiếp trên Facebook, bạn gái của Philando Castile là Lavish Reynolds cho biết, cô và bạn trai bị một viên cảnh sát yêu cầu kiểm tra giấy tờ xe. Nhưng khi Philando Castile mở ví để lấy giấy tờ, viên cảnh sát này đã bắn vào cánh tay và cả ngực của anh để ngăn việc nạn nhân có thể sử dụng vũ khí, vì nhìn thấy một khẩu súng cạnh đó. 

Viên cảnh sát vẫn chĩa súng vào họ, trong khi nạn nhân liên tục chửi thề, rồi ngất lịm đi trong tiếng hét của bạn gái và tiếng khóc của con gái trong xe. Viên cảnh sát liên quan đến vụ việc đã bị sa thải và cảnh sát bang Minnesota đang điều tra vụ việc. "Không ai đáng bị bắn chết chỉ vì đèn hậu xe bị hỏng. Điều này liệu có xảy ra nếu đó là người da trắng. Tôi nghĩ là không", Thống đốc bang Minnesota Mark Dayton tuyên bố.

Alton Sterling bị bắn chết khi cãi nhau với 2 cảnh sát và đoạn video về vụ việc đã gây phẫn nộ trên mạng xã hội. Trong đoạn video xuất hiện trên mạng xã hội cho thấy cảnh Alton Sterling ẩu đả với 2 cảnh sát và anh đã bị khống chế, rồi bị bắn liên tiếp vào người. Cảnh sát đã móc ra một vật từ trong túi quần của Alton Sterling thay vì một khẩu súng như họ nghi ngờ. Nạn nhân chết ngay tại hiện trường, máu đẫm trên thân áo. 2 cảnh sát liên quan đến vụ việc đã bị sa thải. 

Thống đốc bang Louisiana John Edwards đã kêu gọi dân chúng bình tĩnh. Bộ Tư Pháp Mỹ cũng quyết định mở cuộc điều tra về cái chết của Alton Sterling. Phát ngôn viên cảnh sát L'Jean McKneely cho biết, 2 sĩ quan cảnh sát đã tới hiện trường sau khi nhận được cuộc gọi. Và đoạn video cho thấy, cảnh sát đã đấu khẩu với người đàn ông da đen tại bãi đỗ xe. Khám nghiệm tử thi sau đó cho thấy, nạn nhân là cha của 5 người con, đã chết vì các vết thương gây ra bởi súng ngắn ở vùng lưng và ngực.

Cảnh sát chĩa súng sau khi bắn chết Philando Castile.

Tổng thống Barack Obama đã lên án 2 vụ việc kể trên và yêu cầu cải cách lực lượng cảnh sát. Trong khi đó, ông William Johnson, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Cảnh sát quốc gia Mỹ khẳng định, đang có một cuộc chiến nhằm vào cảnh sát. Và chỉ trích chính quyền của Tổng thống Barack Obama quá nhượng bộ những kẻ tấn công cảnh sát. 

"Những người trong chúng ta, không phải là người Mỹ gốc Phi, sẽ không bao giờ hiểu hết ý nghĩa của việc có làn da đen ở Mỹ", Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa của bang Florida, ông Marco Rubio nhấn mạnh. Và hàng ngàn người tiếp tục biểu tình phản đối cảnh sát bắn chết người da màu tại nhiều thành phố ở Mỹ. Theo giới truyền thông, dư luận cũng đang bàn tán sau phán quyết của một tòa án phúc thẩm Mỹ, khi cho phép cảnh sát không cần có trát của tòa để lấy thông tin định vị điện thoại di động trong khi tiến hành điều tra hình sự. 

Thẩm phán James Wynn, người ủng hộ việc này cho rằng, kể cả khi người sử dụng điện thoại di động nhận thức rõ vị trí của họ ảnh hưởng đến các số liệu trên điện thoại, nhưng họ chắc chắn không biết tháp di động nào đã truyền cuộc gọi.

Hãng AP vừa cho biết, sỹ quan cảnh sát Michael Harrington, thanh tra cảnh sát James Grant thuộc Sở Cảnh sát New York và doanh nhân Jeremy Reichberg ở Brooklyn bị bắt bởi đã nhận hối lộ và hối lộ trong một thời gian dài, với tổng giá trị hơn 100.000 USD. Sau khi "bôi trơn", doanh nhân Jeremy Reichberg và những người khác đã được phép khai thác dịch vụ theo kiểu "phục vụ riêng" cho cá nhân, người thân và bạn bè. Sau khi bị bắt, thẩm vấn, 2 cảnh sát kể trên đã nộp bảo lãnh 250.000 USD/người để được tại ngoại trong thời gian chờ xét xử. Riêng doanh nhân Jeremy Reichberg phải nộp 500.000 USD bảo lãnh.
Lư Tuấn Nghĩa
.
.
.