Cảnh sát Pháp biểu tình vì hệ thống tư pháp không hiệu quả

Thứ Năm, 22/10/2015, 11:34
Cảnh sát Pháp đã tổ chức biểu tình ở Paris hôm 14/10, vì thiếu nguồn nhân lực, bạo lực gia tăng và hệ thống tư pháp không hiệu quả đang đẩy họ xuống… “vực thẳm”.

Có nhiều sĩ quan cảnh sát biểu tình trước trụ sở Bộ Tư pháp nằm trên đường Place Vendôme ở thủ đô Paris hôm 14/10, cũng như trước trụ sở tòa án trên khắp nước Pháp. Một cuộc biểu tình thể hiện tinh thần đoàn kết trong lực lượng cảnh sát Pháp như thế này chưa từng xảy ra sau nhiều năm và nó bắt đầu được "truyền lửa" khi có hơn 5.000 sĩ quan tự tổ chức ở Paris.

Hàng trăm cảnh sát Paris đã tổ chức biểu tình trước trụ sở Bộ Tư pháp vào ngày 13/10.

Báo chí Pháp nhận xét: Lực lượng cảnh sát được đối xử như những anh hùng trong  các vụ tấn công khủng bố diễn ra vào tháng Giêng năm nay ở Paris, nay họ bị lãng quên và không muốn tiếp tục công tác. "Cảnh sát, anh hùng trong tháng Giêng, nay bị lãng quên", ông Jean Claude Delafe, một cán bộ Liên đoàn cảnh sát than thở. Cuộc biểu tình hôm 14/10 diễn ra sau khi một sĩ quan cảnh sát bị thương nặng vào đầu tháng 10, khi ông bị bắn vào đầu trong khi truy bắt tội phạm, tên này được cấp giấy phép về thăm gia đình trong một thời gian nhất định, nhưng lợi dụng chính sách khoan hồng đã cố tình chạy trốn.

Công đoàn cảnh sát yêu cầu chính phủ Pháp phải giải thích: "Tại sao một đối tượng nguy hiểm như vậy được phép rời khỏi nhà tù, và Bộ trưởng Tư pháp Taubira phải chịu trách nhiệm. Để đáp lại, Bộ trưởng Taubira đề nghị tù nhân được cấp phép về thăm gia đình cần được hộ tống bởi cảnh sát. Tuy nhiên, lực lượng cảnh sát cho biết họ đang bị áp lực rất lớn vì khối lượng công việc quá nhiều, nên không thể quán xuyến hết. Theo cảnh sát Pháp, hệ thống tư pháp nước này đang trở nên rối loạn, nhấn mạnh chính sách tạm tha đang bị lợi dụng, tạo điều kiện cho những đối tượng phạm tội nguy hiểm trốn thoát.

Ông Patrice Ribeiro, một quan chức cảnh sát cấp cao hiện công tác ở công đoàn cảnh sát Synergie buồn bã nói: "Vấn đề đó đang tạo ra sự chán nản, mất niềm tin vào công việc của chúng tôi". Trong thời gian gần đây, cảnh sát Pháp thường xuyên phải đối mặt với bạo lực, các vụ tấn công chống lại cảnh sát đã tăng 40% kể từ năm 2008, theo ông Nicolas Comte, một lãnh đạo công đoàn cảnh sát Unite SGP FO. "Hệ thống tư pháp đã không thể nắm bắt được hiện tượng này. Án phạt tù không phù hợp với hành vi phạm tội", ông phát biểu với đài truyền hình BFM.

Kể từ khi xảy ra những vụ tấn công khủng bố ở Paris trong tháng Giêng, chính phủ Pháp đã thực hiện một kế hoạch an ninh (Vigipirate) triển khai cảnh sát bảo vệ 24/24 giờ ở những khu vực nhạy cảm, chẳng hạn thánh đường Hồi giáo, nhà thờ Công giáo và trường học Do Thái. Ông Comte cho biết, cảnh sát chưa được trả lương làm thêm giờ, tổng cộng hơn 20 triệu giờ.

Cảnh sát Pháp khám nghiệm hiện trường một vụ án mạng.

"Người ta cần hiểu cảnh sát đang không muốn làm việc. Kể từ khi các vụ tấn công khủng bố xảy ra vào tháng giêng và triển khai kế hoạch Vigipirate, những đồng nghiệp của chúng tôi phải làm thêm giờ không có ngày nghỉ. Họ luôn trong trạng thái mệt mỏi và làm việc dưới áp lực liên tục. Và lực lượng cảnh sát phải đối mặt với nhiều thử thách trong những tháng tới", ông Comte phân trần.

Tổng thống Francois Hollande cho biết ông sẽ gặp lãnh đạo các công đoàn cảnh sát vào tuần tới, theo người phát ngôn chính phủ Stephane Le Foll. Tổng thống Hollande sẽ nói về sự khó khăn, sự dũng cảm, công việc của lực lượng cảnh sát, hiến binh và các lực lượng an ninh khác trong cuộc họp nội các hàng tuần của ông.

Bộ trưởng Nội vụ Bernard Cazenveuve cho biết, "Những cuộc biểu tình đang làm xấu mối quan hệ giữa cảnh sát và Bộ Tư pháp là điều cần tránh". "Tôi không thể chấp nhận việc cảnh sát và hiến binh bị tấn công bởi những đối tượng đang phải chấp hành án phạt tù", ông Bernard tuyên bố. Trong khi đó, Bộ trưởng Tư pháp Taubira cho biết, bà sẵn sàng gặp lực lượng cảnh sát để thảo luận giải pháp giải quyết khó khăn.

Trúc Phạm
.
.
.