Cảnh sát Pháp trước những cáo buộc mới

Chủ Nhật, 26/03/2017, 17:51
Tuy chỉ có khoảng 7.500 người tham gia cuộc biểu tình phản đối hành động bạo lực của cảnh sát (sáng 20-3, theo giờ Việt Nam) tại Thủ đô Paris, nhưng vẫn thu hút sự quan tâm của dư luận.

Bởi đây là cuộc biểu tình thứ 2 sau hàng chục cuộc biểu tình lớn nhỏ kể từ ngày 2-2 nhằm phản đối các vụ bạo lực của cảnh sát bùng phát tại Pháp. Cuộc biểu tình hôm 20-3 được tổ chức theo sáng kiến của các tổ chức xã hội như Liên đoàn nhân quyền, Phong trào chống phân biệt chủng tộc và vì tình hữu nghị giữa các dân tộc cùng một loạt nghiệp đoàn.

Và khẩu hiệu chính của người biểu tình là kêu gọi chấm dứt sự tùy tiện và hành vi bạo lực của cảnh sát. Đoàn người biểu tình đã tới quảng trường Cộng hòa ở trung tâm Thủ đô và tất cả lối ra vào tàu điện ngầm ở khu vực này đều đóng cửa, hoạt động của ga trung chuyển dưới mặt đất cũng tạm dừng.

Dòng người biểu tình tập trung tại thủ đô Paris, Pháp

Bởi người ta đề phòng bất trắc khi có nhiều người quá khích đã dùng bom xăng ném vào cảnh sát, khiến ít nhất 2 cảnh sát bị thương, một số cửa hàng, bến đỗ xe buýt bị hư hại. Cảnh sát đã tạm giữ 11 người.

Người ta lo ngại những sự kiện tương tự có thể tái diễn trong thời gian tới bởi kể từ khi chàng thanh niên da màu Theo, 22 tuổi, bị cảnh sát hành hung và xâm hại tại thành phố Aulnay-sous-Bois, hàng chục cuộc biểu tình đã diễn ra. Sau vụ việc kể trên, 4 cảnh sát đã bị đình chỉ công tác và bị khởi tố.

Cuộc biểu tình diễn ra đúng thời điểm hãng Reuters dẫn thông báo của cảnh sát cho biết, Văn phòng công tố tài chính ở trung tâm Thủ đô Paris đã phải sơ tán hôm 20-3, sau khi họ nhận được cảnh báo có bom. Nhưng sau khi cảnh sát được triển khai tới hiện trường, họ không tìm thấy chất nổ tại khu vực này.

Theo hãng Reuters, cảnh báo bom được tiếp nhận từ một cuộc điện thoại nặc danh. Giới truyền thông cho biết, Văn phòng công tố tài chính đã trở thành tâm điểm của một số vụ trọng đại trong mấy tuần qua, trong đó có các cuộc điều tra xung quanh cáo buộc bê bối tài chính của các ứng cử viên Tổng thống hàng đầu như bà Marine Le Pen và ông Francois Fillon.

Trong khi đó, các chuyến bay tại sân bay Orly đã hoạt động bình thường trở lại, một ngày sau khi cảnh sát tiêu diệt nghi can Ziyed Ben Belgacem, kẻ đã cướp súng của một nữ sỹ quan quân đội thuộc lực lượng chống khủng bố Sentinelle hôm 18-3.

Văn phòng công tố Paris, đơn vị chịu trách nhiệm điều tra vụ tấn công cho biết, cha của Ziyed Ben Belgacem đã được thả trong đêm 18-3, còn anh trai và người họ hàng của đối tượng này vẫn bị giam giữ.

Cha (là người gốc Tunisia) và anh trai của Ziyed Ben Belgacem cho biết, hắn đã liên lạc với họ sau khi xảy ra vụ việc khoảng 1h30 và cho biết "đã làm một số điều ngu ngốc".

Người biểu tình trên đường phố Paris.

"Con xin cha tha thứ. Con đã gây rối với cảnh sát", nhưng cha của Ziyed Ben Belgacem vẫn tuyên bố, con trai không bao giờ là kẻ khủng bố. "Nó không bao giờ cầu nguyện. Nó uống rượu và vì tác dụng của rượu và ma túy mà chuyện này đã xảy ra", cha của Ziyed Ben Belgacem chia sẻ với kênh Europe 1 hôm 19-3.

Cảnh sát đã thẩm vấn người thân của Ziyed Ben Belgacem để tìm hiểu nguyên nhân vì sao hắn cướp súng của một nữ binh sỹ ở sân bay Orly. Cảnh sát cho biết, Ziyed Ben Belgacem có tiền án và từng bị điều tra về việc có liên quan đến Hồi giáo cực đoan.

Theo giới truyền thông, cảnh sát đã khám nghiệm pháp y thi thể của Ziyed Ben Belgacem để xác định đối tượng có bị ảnh hưởng do rượu hoặc ma túy khi thực hiện vụ tấn công hôm 18-3 không.

Và kết quả xét nghiệm máu của Ziyed Ben Belgacem cho thấy, hắn đã sử dụng rượu và ma túy trước khi động thủ - nồng độ cồn trong máu là 0,93g/l, cùng chất cocaine và cần sa.

Trước đó, cảnh sát đã thu được một lượng nhỏ cocaine, khi khám căn hộ của Ziyed Ben Belgacem ở Garges-les-Gonesse. Cảnh sát cũng đã kiểm tra điện thoại của Ziyed Ben Belgacem để xem hắn đã liên hệ với những ai.

Vào thời điểm bị bắn chết, Ziyed Ben Belgacem mang theo chiếc balô đựng 1 can xăng, 750 euro, 1 cuốn kinh Koran, 1 bao thuốc lá và bật lửa. Các ứng cử viên tổng thống đã nhanh chóng phản ứng sau vụ tấn công của Ziyed Ben Belgacem.

Bà Marine Le Pen, Chủ tịch đảng Mặt trận Quốc gia (FN), người chủ trương chống nhập cư và phản đối sự hội nhập sâu rộng hơn của Liên minh Châu Âu (EU) cho rằng, chỉ thiếu chút nữa kẻ tấn công ở sân bay Orly đã gây ra "một cuộc thảm sát" khác.

Cựu Thủ tướng Francois Fillon cho rằng, Pháp đang ở trong "tình trạng nội chiến ảo", và phản đối đề xuất dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp được áp dụng từ sau vụ tấn công tối 13-11-2015. Theo thống kê, chỉ trong 2 năm qua đã có hơn 230 người chết bởi những kẻ tấn công có liên hệ với IS hoặc là phần tử Hồi giáo cực đoan.

Trọng Hậu
.
.
.