Cảnh sát Tây Ban Nha phá vụ rửa tiền lớn

Thứ Tư, 24/02/2016, 20:00
Ngày 20-2, sau phiên chất vấn kéo dài hơn 14 giờ, một Tòa án ở thủ đô Madrid, Tây Ban Nha đã ra lệnh bỏ tù 3 quan chức chi nhánh Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) và từ chối cho nộp tiền bảo lãnh tại ngoại. 3 quan chức ICBC khác tuy cũng bị kết án tù, nhưng có thể nộp 100.000 euro để tại ngoại. 


Cả 6 quan chức ICBC kể trên đều bị cáo buộc tham gia hoạt động của tội phạm kinh tế như rửa tiền, gian lận và trốn thuế. Trước đó (19-2), Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh đang quan tâm tới cuộc điều tra và đề nghị chính phủ Tây Ban Nha bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty, cũng như công dân Trung Quốc hoạt động tại nước này.

Cảnh sát Tây Ban Nha bao vây bên ngoài trụ sở ICBC tại Mardid.

Trong bản tin ngày 18-2, Tân Hoa xã dẫn tuyên bố của Đại sứ quán Trung Quốc tại Tây Ban Nha cho biết, họ quan ngại trước việc cảnh sát nước này bắt 5 giám đốc chi nhánh của ICBC ở Tây Ban Nha. Bởi theo Đại sứ quán Trung Quốc, những chi nhánh này "luôn thực hiện đúng chỉ đạo của chính phủ Trung Quốc, tuân thủ luật pháp của Trung Quốc và nước sở tại".

Còn theo thông cáo của Đại sứ quán, phía Trung Quốc chưa nhận được bất kỳ thông tin nào từ giới chức Tây Ban Nha về vụ bắt giữ kể trên. Đại sứ quán Trung Quốc tại Tây Ban Nha còn tuyên bố, ICBC đã đóng vai trò tích cực trong việc hỗ trợ nền kinh tế Tây Ban Nha, như tài trợ hơn 1 tỉ euro trong các dự án đầu tư. Bởi theo thống kê, ICBC đã mở 2 chi nhánh ở Madrid và Barcelona, để phục vụ hơn 190.000 người Trung Quốc, cộng đồng nước ngoài đông thứ 4 ở Tây Ban Nha.

Trong khi đó, đại diện của ICBC tại Bắc Kinh cho biết, họ đang tích cực hợp tác với cảnh sát châu Âu (Europol) để làm rõ những cáo buộc của cảnh sát Tây Ban Nha. Người phát ngôn ICBC còn nhấn mạnh, nghiêm túc thực hiện các quy định về phòng chống rửa tiền, hoạt động đúng pháp luật và các quy định là các nguyên tắc quản lý và hoạt động cơ bản của ICBC.

Về phần mình, Europol ủng hộ vụ bắt giữ của cảnh sát Tây Ban Nha và hãng AFP còn tường thuật rằng, 5 nghi phạm đầu trùm mũ đen kín mặt bị cảnh sát áp giải khỏi chi nhánh của ICBC trên đại lộ Paseo de Recoletos, thủ đô Madrid. Hãng AFP cũng vừa dẫn thông cáo của cảnh sát Tây Ban Nha cho biết, ngày 17-2, cảnh sát nước này đã tiến hành vụ bắt giữ đối với 5 lãnh đạo của ICBC sau khi có kết quả theo dõi từ nhiều năm qua đối với ICBC - bị nghi ngờ cho phép các nguồn tiền từ buôn lậu, trốn thuế tới bóc lột lao động chảy vào Trung Quốc theo cách hợp pháp.

Giới truyền thông còn cho biết, hơn 100 cảnh sát Tây Ban Nha đã đột kích vào trụ sở ICBC hôm 17-2 và đây là hoạt động nằm trong một cuộc điều tra chung giữa cảnh sát, cùng cơ quan thuế Tây Ban Nha với Europol xung quanh quỹ của một nhóm tội phạm hoạt động ở Tây Ban Nha và thông qua ICBC chuyển tiền về Trung Quốc.

Được biết, vụ bắt giữ hôm 17-2 được tiến hành sau một loạt cuộc truy quét của cảnh sát Tây Ban Nha được thực hiện từ năm 2015 nhắm vào các băng nhóm tội phạm người Trung Quốc bị tình nghi nhập khẩu với số lượng lớn hàng hóa từ Trung Quốc, nhưng không khai báo hải quan để trốn thuế. Và cảnh sát đã thực hiện 65 cuộc truy quét ở các thành phố như Barcelona, Madrid và Valencia, bắt giữ 30 nghi phạm. Europol và cảnh sát Tây Ban Nha còn phát hiện các băng nhóm tội phạm Trung Quốc và Tây Ban Nha có liên hệ với những nhóm khác ở Pháp, Đức và Lithuania, để thực hiện các vụ rửa tiền lớn.

Một nghi phạm đang bị cảnh sát Tây Ban Nha áp tải ra khỏi chi nhánh ICBC ở Tây Ban Nha.

Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha Luis de Guindos cho biết, chính phủ và cơ quan chống rửa tiền SEPBLAC của nước này đã hỗ trợ cuộc điều tra kể trên của cảnh sát. Cảnh sát cho rằng, các băng nhóm tội phạm chuyển tiền về Trung Quốc thông qua ICBC, nhưng không bị ngân hàng này truy xuất nguồn gốc theo đúng qui định. Khoảng 9 tháng trước (tháng 5-2015), trong một cuộc điều tra có tên gọi Operation Snake về gian lận thuế đối với một số hàng hóa được nhập khẩu từ Trung Quốc, cảnh sát Tây Ban Nha đã phát hiện có ít nhất 40 triệu euro được rửa qua ICBC.

Hơn 8 tháng trước (21-6-2015), hãng Reuters dẫn quyết định của thẩm phán vùng Tuscany, Italia, đề nghị truy tố chi nhánh Ngân hàng Trung Quốc ở thành phố Milan và gần 300 cá nhân về tội rửa tiền, cùng các tội danh khác.

Theo tài liệu gửi lên tòa án thành phố Florence, các công tố viên khẳng định, hơn 4,5 tỉ euro đã được chuyển bất hợp pháp từ Italia về Trung Quốc (2006-2010) thông qua dịch vụ chuyển tiền Money2Money (M2M) ở nhiều thành phố. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cùng Sở Dịch vụ Tài chính New York cũng từng ra lệnh cho chi nhánh của Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc tại Mỹ, phải hành động nhiều hơn để chống nạn rửa tiền. Đây là lần đầu tiên Fed yêu cầu như vậy đối với chi nhánh này.

Thiện Lân
.
.
.